Châu Âu nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung trong các vấn đề 'nóng' của khu vực

Ngày 18/7, Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (CPE) được tổ chức ở Anh, quy tụ hơn 45 nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm cả những quốc gia không phải là thành viên của Liên minh châu Âu hay NATO. Chương trình nghị sự tập trung thảo luận nhiều vấn đề 'nóng', như cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, vấn đề di cư và an ninh năng lượng.

Thảo luận nhiều vấn đề “nóng”

Ngày 18/7 (giờ địa phương), hơn 45 lãnh đạo các nước và các tổ chức châu Âu tham gia Hội nghị thượng đỉnh CPE được tổ chức tại Oxfordshire, gần Thủ đô London. CPE là một sáng kiến của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được hình thành từ năm 2022. CPE bao gồm 27 thành viên EU, cùng với Thụy Sĩ, Na Uy hay Anh và những nước ứng viên hay có nguyện vọng gia nhập EU, như Ukraine, Moldova, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ... Hội nghị thượng đỉnh CPE ở Anh là thượng đỉnh lần thứ tư, sau hội nghị ở Praha (Séc), Chisinau (Moldova) và Grenade (Tây Ban Nha).

Theo Chính phủ Anh, đại diện của NATO, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Hội đồng châu Âu lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị. Chương trình nghị sự tại hội nghị sẽ tập trung thảo luận về cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, vấn đề di cư và an ninh năng lượng.

Giới phân tích chính trị cho rằng, các nội dung chương trình nghị sự thượng đỉnh CPE lần này đều là những vấn đề có ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường an ninh châu Âu và được cử tri các nước trong khu vực này đặc biệt quan tâm. Nếu như cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine luôn chiếm sóng các diễn đàn hợp tác đa phương của phương Tây với các bài toán về viện trợ quân sự cho quân đội Ukraine, thì vấn đề di cư luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn và cần sự phối hợp chặt chẽ của các nước trong khu vực. Hiện nay, các nước châu Âu vẫn chưa tìm ra giải pháp để quản lý tốt hơn các luồng di cư, như làm thế nào để xử lý nhanh hơn ở biên giới, hợp tác chặt chẽ hơn với các nước xuất xứ và quá cảnh để hạn chế người di cư đến và chống lại các mạng lưới đưa người nhập cư trái phép, và đặc biệt là sự phối hợp, mức chia sẻ gánh nặng tài chính giữa các nước thành viên.

Bài toán an ninh năng lượng cũng đang là một vấn đề nan giải khác đối với châu Âu. Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 28/5, cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể gây tổn hại đến an ninh năng lượng và phát triển kinh tế trên khắp Tây và Trung Âu. Các chuyên gia phân tích của IMF cho rằng, bất chấp “hàng loạt hành động ấn tượng” được các nước châu Âu thực hiện nhằm tăng cường an ninh năng lượng kể từ khi bùng nổ xung đột và các hạn chế thương mại đối với Moscow, song chi phí năng lượng vẫn ở mức cao. Xu hướng căng thẳng tiếp tục leo thang như hiện nay “có thể làm tăng giá năng lượng liên tục ở châu Âu, điều này sẽ làm suy yếu an ninh năng lượng bằng cách tăng tỷ trọng chi tiêu năng lượng trong GDP và do đó khiến hoạt động kinh tế trở nên nhạy cảm hơn trước bất kỳ sự gián đoạn năng lượng nào”.

Tờ The Times gọi CPE là “diễn đàn thảo luận của 50 quốc gia châu Âu”, giải thích rằng CPE không có hiệp ước thành lập, không có ban thư ký, song đây có thể là diễn đàn để các thành viên thảo luận tự do, xây dựng về các thách thức an ninh mà châu Âu đang phải đối mặt. Khi không có một cơ chế ràng buộc nào, các nước có thể chia sẻ quan điểm của mình, và từ đó sẽ dễ dàng tìm được tiếng nói chung hơn.

Mục đích của nước chủ nhà Anh và các quốc gia châu Âu

Theo The Guardian, kết quả mờ nhạt tại hội nghị thượng đỉnh CPE năm 2023 tại Tây Ban Nha đặt trách nhiệm lên vai Anh trong việc cứu vãn vai trò, vị thế của CPE như một diễn đàn hợp tác đa phương hiệu quả của châu Âu. Do đó, dễ hiểu khi Anh hướng đến một cam kết tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho quân đội Ukraine tại hội nghị lần này như một thỏa thuận mang tính biểu tượng. Văn phòng Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết trong một tuyên bố: “Hội nghị thượng đỉnh CPE diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Ukraine khi Nga leo thang hoạt động quân sự trong mùa Hè. Thủ tướng Keir Starmer đã nói rõ rằng sự hỗ trợ của Anh dành cho Ukraine là không thay đổi và ông ấy sử dụng hội nghị thượng đỉnh CPE lần này như một nền tảng để thúc đẩy hỗ trợ tài chính và quân sự quốc tế hơn nữa cho Ukraine trước một mùa Đông khó khăn”.

Cũng theo The Guardian, hội nghị thượng đỉnh CPE lần này còn là cơ hội để Thủ tướng Anh Keir Starmer khởi động lại mối quan hệ của Anh với EU. Ông Starmer nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế Anh đang có xu hướng giảm tốc, niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục sụt giảm sau nhiều năm. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), GDP Anh quý IV/2023 giảm 0,3% so với quý trước đó. Trong quý III/2023, nền kinh tế này co lại 0,1%. Trên lý thuyết, Anh đã rơi vào suy thoái, khi có hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Mức giảm này mạnh hơn dự báo và lớn nhất từ đầu năm 2021, ONS cho biết. Tính chung năm 2023, GDP Anh tăng 0,1% so với 2022. Do đó, Thủ tướng Keir Starmer muốn hướng đến hợp tác với các nước EU nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Trong một diễn biến liên quan, ngày 17/7, tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 tại Ý, Bộ trưởng Kinh doanh và Thương mại Anh Jonathan Reynolds khẳng định nước Anh mong muốn thiết lập mối quan hệ thương mại “chặt chẽ hơn, trưởng thành hơn” với EU.

Theo TASS, các nước châu Âu, nhất là các quốc gia hàng đầu, như Pháp, Đức, muốn tận dụng hội nghị thượng đỉnh CPE như một nền tảng nhằm tăng cường sự đoàn kết, thống nhất của khu vực trong các vấn đề quan trọng. Điều này như một thông điệp nhằm phản đối chính sách của Hungary khi mà các nước châu Âu cho rằng, Chính phủ của Thủ tướng Orban đang phá hoại sự đoàn kết của châu Âu và chủ trương của cộng đồng hướng tới mức hỗ trợ cao nhất có thể cho Ukraine. Trước đó, ngày 15/7, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết chỉ cử các công chức, không phải ủy viên, tham dự các cuộc họp do Hungary chủ trì, như một động thái nhằm tẩy chay một phần nhiệm kỳ 6 tháng của Hungary và “sứ mệnh hòa bình” mà Thủ tướng Orban đã khởi xướng. Các nước Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan tuyên bố sẽ không cử bộ trưởng tham dự các cuộc họp chính phủ liên quan đến nhiệm kỳ chủ tịch EU của Hungary trong tháng 7.

Bên cạnh đó, giới phân tích chính trị cho rằng, các vấn đề an ninh mấu chốt nhất của châu Âu, như an ninh năng lượng, vấn đề di cư, chiếm sóng tại hội nghị thượng đỉnh CPE lần này cho thấy, các nước châu Âu muốn nâng cao tính tự chủ chiến lược trong giải quyết các thách thức an ninh của khu vực. Hiện nay, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút, và kịch bản ông Trump tái đắc cử đang sáng hơn bao giờ hết, nhất là sau vụ xả súng vào ngày 13/7 đã xây dựng hình ảnh ông Trump như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, “không chịu khuất phục”. Trong khi đó, các nước châu Âu mong muốn Tổng thống Biden sẽ giành được nhiệm kỳ thứ hai, bảo đảm gắn kết xuyên Đại Tây Dương, nhưng ông Biden lại đang đối mặt với nhiều khó khăn, từ sự phản đối trong chính đảng Dân chủ đến nguy cơ cạn tiền tranh cử. Kịch bản ông Trump thắng cử có thể sẽ lại đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu rơi vào vòng xoáy căng thẳng khi trong nhiệm kỳ của mình (giai đoạn 2017-2021), ông Trump không ngần ngại gây sức ép lên các đồng minh để cụ thể hóa chủ trương “Nước Mỹ trên hết”. Do đó, châu Âu cần tăng cường đoàn kết, thống nhất trong giải quyết các thách thức của khu vực, nhằm nâng cao tính tự chủ chiến lược, sẵn sàng cho kịch bản ông Trump thắng cử và nguy cơ căng thẳng trong quan hệ với Mỹ.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/chau-au-no-luc-tim-kiem-tieng-noi-chung-trong-cac-van-de-nong-cua-khu-vuc-219935.htm