Châu Âu qua một tuần nắng nóng

Ngày 18/8, báo cáo của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Quốc gia Mỹ (NOOA) cho rằng năm 2024 có khả năng là năm nóng nhất được ghi nhận. Các kỷ lục nhiệt độ liên tiếp bị phá vỡ, trong đó châu Âu được coi là 'chìm trong lửa' suốt tuần qua.

Nhiệt độ ngoài trời tại thành phố Ourense (Tây Ban Nha) có lúc lên tới 47 độ C. Ảnh: Reuters.

Nhiệt độ ngoài trời tại thành phố Ourense (Tây Ban Nha) có lúc lên tới 47 độ C. Ảnh: Reuters.

Chương trình giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S) kêu gọi người dân châu lục này cần “làm quen với mùa hè nắng nóng”, khi mà nhiều dấu hiệu cho thấy thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. “Hãy chủ động với các biện pháp thích nghi, bảo vệ bản thân trước sự thiêu đốt của nắng nóng” - Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess nói.

Tại Pháp, suốt tuần qua, Thủ đô Paris chìm trong nắng nóng khi nhiệt độ có khi lên tới 40 độ C, khiến nhiều người phải đến bờ sông Seine và các công viên - nơi có máy phun sương và đài phun nước để giải nhiệt. Cơ quan Khí tượng Pháp (Meteo France) đã đưa vùng Paris, Ile de France cùng 44 tỉnh khác vào tình trạng báo động cam (mức cảnh báo cao thứ hai) do nắng nóng khắc nghiệt.

Một số vùng của nước Pháp nền nhiệt luôn ở mức trên 38 độ C. Đặc biệt là dọc theo sông Rhône và ở tỉnh Vaucluse và các khu vực nội địa thuộc vùng Provence. Tuy nhiên, nhiệt độ cao nhất là ở khu vực tây nam nước này lên tới 40 độ C quanh Bordeaux và vùng Nouvelle Aquitaine.

Meteo France dự báo, kể từ ngày 19/8, nhiệt độ sẽ giảm trên toàn bộ nước Pháp, cao nhất là 27 độ C. Riêng khu vực quanh thành phố Lyon nhiệt độ sẽ vẫn cao, lên tới 37 độ C.

Trong khi đó, Cơ quan Thời tiết Đức (DWD) tiếp tục đưa ra những cảnh báo nắng nóng, thậm chí nắng nóng cực độ ở phía tây nam của quốc gia này. Theo DWD, thị trấn Bad Neuenahr Ahrweiler thuộc bang Rhineland Palatinate (Rheinland-Pfalz) nhiệt độ ngày nóng nhất tuần qua là 37,5 độ C - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử tất cả các mùa hè.

Cho dù từ tuần này nhiệt độ được dự báo giảm xuống, nhất là về ban đêm, nhưng Hiệp hội Cứu hỏa Đức vẫn phát đi cảnh báo về nguy cơ cháy rừng, đặc biệt là ở các bang miền đông. Trong khi đó, giới chuyên gia y tế nhận định nhiệt độ cao gây căng thẳng cho cơ thể và hệ tuần hoàn. Theo kết quả nghiên cứu vừa được Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona, ước tính gần 48.000 người ở châu Âu đã thiệt mạng do ảnh hưởng của nắng nóng trong năm 2023, năm được coi là nóng nhất trong lịch sử thống kê. Nghiên cứu này cũng cho thấy tỷ lệ thiệt mạng do nắng nóng ở Đức trong năm ngoái là 76 người/1 triệu dân.

Theo Đài quan sát quốc gia Hy Lạp, nhiệt độ trung bình tại nước này từ năm 1960 đến năm 2024 đã tăng 2,5 độ C. 3 trong số 4 tháng 7 có mức nhiệt cao nhất trong 80 năm được ghi nhận trong 4 năm qua. Đáng chú ý, nửa đầu tháng 8/2024, nhiệt độ cao hơn 0,3 độ C so với kỷ lục từng được ghi nhận vào năm 2012.

Nắng nóng khiến nhiều vạt rừng ở Hy Lạp bốc cháy. Hàng trăm lính cứu hỏa được hỗ trợ bởi xe chữa cháy và máy bay thả bom nước đã chiến đấu với đám cháy rừng bùng phát gần ngôi làng Varnavas. Được thúc đẩy bởi gió mạnh, cháy rừng đã lan từ một khu vực đồi núi có nhiều cây cối tới vùng ngoại ô thủ đô Athens khiến thành phố bị khói và tro bụi bao phủ. Các đám cháy lan đến Vrilissia, cách trung tâm Athens chỉ khoảng 14km, khiến nền nhiệt của thành phố trên thực tế đã tăng thêm khoảng 3 độ C.

Quốc gia Nam Âu này đã phải trải qua một mùa hè nắng nóng thứ 3 liên tiếp với nhiều vụ cháy rừng trên diện rộng và kéo dài. Tờ báo địa phương Proto Thema mô tả, khung cảnh như hỏa ngục khi mà đám cháy rừng trải rộng hơn 100km2.

Tại Tây Ban Nha nắng nóng kỷ lục bao trùm với nền nhiệt cao hơn 40 độ C đã khiến 3 người thiệt mạng do sốc nhiệt. Trong đó, một người đàn ông 76 tuổi đã tử vong tại nhà riêng ở thủ đô Madrid, với nhiệt độ cơ thể vượt quá 40 độ C. Một trường hợp tử vong khác là nam giới 44 tuổi cũng tại Madrid. Người này được tìm thấy trong tình trạng không tỉnh táo với nhiệt độ cơ thể trên 41 độ C. Trên đảo Mallorca, một du khách người Đức (70 tuổi) đã ngã gục xuống đường, tử vong khi đang đi bộ.

Bên kia eo biển Manche, người dân xứ sở sương mù vô cùng khó chịu khi nhiệt độ luôn ở mức 34-35 độ C. Cơ quan Khí tượng quốc gia Anh (Met Office) cho biết, gió mang theo không khí ấm từ lục địa châu Âu khiến nhiệt độ tăng cao. Chuyên gia dự báo thời tiết Craig Snell của Met Office cho biết người dân sẽ phải “sống chung với sự khó chịu” khi mà nền nhiệt cao đi cùng với độ ẩm cao. Thời tiết là nguyên nhân khiến 4,5 triệu người Anh (8% dân số) bị ốm trong vòng 12 tháng qua.

Ngày 17/8, Viện Khí tượng Na Uy cho biết quần đảo Svalbard ở Bắc Cực đã ghi nhận nhiệt độ tháng 8 cao nhất từ trước đến nay, lên tới 20 độ C. Kỷ lục trước đó về nhiệt độ cao nhất của tháng 8 là 18,1 độ C ghi nhận vào ngày 31/8/1997. Trong khi đó, nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận tại Svalbard là 21,7 độ C vào ngày 25/7/2020. Quần đảo Svalbard nằm giữa đất liền Na Uy và Bắc Cực. Nhiệt độ trung bình tháng 8 tại Svalbard thường từ 6-9 độ C.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chau-au-qua-mot-tuan-nang-nong-10288255.html