Châu Âu tái xuất than sau khi tích trữ quá nhiều

Các thương nhân đang tìm người mua khối lượng than khổng lồ đang chất đống ở các cảng châu Âu, vốn được mua tích trữ để chống chọi cuộc khủng hoảng năng lượng ở khu vực hồi năm ngoái.

Than nhập khẩu ở cảng Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: ejatlas

Than nhập khẩu ở cảng Amsterdam, Hà Lan. Ảnh: ejatlas

Khi mối lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng giảm bớt sau một mùa đông ôn hòa, than nhiệt lượng cao nhập khẩu bắt đầu được tái xuất từ các cảng châu Âu sang các thị trường như Maroc, Senegal và Guatemala. Đây là sự đảo ngược dòng chảy thông thường của nhiên liệu hóa thạch này.

Kể từ đầu năm đến nay, có tổng cộng 1,12 triệu tấn than đã được vận chuyển ra khỏi châu Âu từ Tây Ban Nha, Hà Lan và các cảng khác trong khu vực bao gồm một lô hàng hơn 145.000 tấn đến Ấn Độ hồi tháng 4.

“Một số lô hàng than này đã nằm ở các cảng châu Âu hơn một năm giữa lúc không gian lưu trữ đang trở nên quí giá”, Guillaume Perret, nhà phân tích thị trường than của Perret Associates, nói.

Sau khi nằm ở những bãi lưu trữ ngoài trời trong nhiều tháng, than bắt đầu biến chất và cuối cùng có thể không sử dụng được. Đó là lý do khiến các thương nhân gấp rút tìm cách tái xuất lượng than này.

Diễn biến trên cho thấy những tác động không mong muốn từ cuộc chạy đua của châu Âu nhằm triển khai các biện pháp khẩn cấp để chống lại động thái cắt giảm nguồn cung khí đốt của Điện Kremlin. Sau khi dừng hoạt động, nhiều nhà máy than ở châu Âu được vận hành trở lại để đáp ứng nhu cầu điện trong cuộc khủng hoảng năng lượng hồi năm ngoái. Giới thương nhân chớp lấy cơ hội, tăng cường mua than tích trữ, phần lớn từ Nga, để sản xuất điện cho châu Âu, cho đến khi Liên minh châu Âu (EU) chính thức cấm nhập khẩu than của Nga bằng đường biển hồi tháng 8 năm ngoái.

Nhờ nguồn cung dồi dào của khí đốt hóa lỏng (LNG) nhập khẩu bằng đường biển và nhiệt độ mùa đông ôn hòa, hầu hết lượng than đó không cần thiết nữa. Trong mùa đông vừa qua, EU đốt than để sản xuất điện ít hơn 11% so với mùa đông trước, theo hãng tư vấn năng lượng Ember.

Sự đảo lộn từ khan hiếm sang dư thừa khiến giá xuất khẩu than đến các cảng Amsterdam, Rotterdam của Hà Lan và Antwerp của Bỉ giảm xuống chỉ còn 90 đô la/tấn, chưa bằng 1/4 so với mức cao đột biến của năm ngoái.

Năm ngoái, các nhà cung cấp than như Colombia, Nam Phi và Indonesia đã ồ ạt bán nhiên liệu hóa thạch này sang châu Âu. Lúc đó, các khách hàng ở châu Âu sẵn sàng mua than với giá chênh lệch cao hơn để bảo đảm nguồn cung điện và phớt lờ các mục tiêu về khí hậu. Nhưng giờ đây, các lô hàng than này đang được tái xuất đến những địa điểm mới.

“Điều rất bất thường là chúng ta đang chứng kiến dòng chảy than từ Hà Lan đến Maroc và từ Tây Ban Nha đến Ấn Độ. Có dấu hiệu cho thấy nhu cầu than đang giảm ở châu Âu và tăng lên ở bên ngoài”, Alex Claude, CEO của Công ty phân tích hàng hóa DBX Commodities, có trụ sở ở London, nói.

Bán lại than nhập khẩu, vốn được mua với giá cao ngất ngưởng, giữa lúc thị trường đang ảm đảm, có vẻ như là giao dịch thua lỗ. Nhưng một số nhà máy nhiệt than ở châu Âu có thể vẫn kiếm được lợi nhuận nhờ đã chốt giá bán điện tương lai ở mức cao và mua than giá rẻ hiện nay trên thị trường để sản xuất điện.

Dòng chảy than từ châu Âu cũng mang đến lợi ích nhỏ cho Ấn Độ và Trung Quốc. vốn chiếm hơn một nửa lượng tiêu thụ than toàn cầu. Dù các nhà phân tích hạ thấp kỳ vọng về đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc, nước này có thể nhập khẩu kỷ lục từ 360-380 triệu tấn than trong năm nay.

Đối với châu Âu, việc tái xuất than không phải là không có rủi ro. Trong mùa đông năm ngoái, Đức đã gia hạn thời gian hoạt động ba lò phản ứng điện hạt nhân như một giải pháp tạm thời để bảo đảm nguồn cung điện. Nhưng hiện tại, chúng đã dừng hoạt động. Và nhu cầu khí đốt của Đức đang phụ thuộc nhiều hơn vào các đường ống từ Na Uy và các lô hàng LNG trên thị trường toàn cầu.

Perret nói: “Các nước châu Âu cần cẩn thận để không bị cuốn vào tâm lý lạc quan quá mức. Chúng ta vẫn chưa biết điều gì sẽ xảy ra vào mùa đông tới”.

Theo Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chau-au-tai-xuat-than-sau-khi-tich-tru-qua-nhieu/