Châu Âu tận dụng thời cơ khi ông Trump siết đại học Mỹ

Liên minh châu Âu (EU) và Pháp vừa công bố gói ưu đãi trị giá nửa tỷ Euro nhằm thu hút các nhà khoa học quốc tế đến làm việc tại châu Âu.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen tham dự sự kiện "Chọn Châu Âu cho Khoa học". Ảnh: Reuters.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen tham dự sự kiện "Chọn Châu Âu cho Khoa học". Ảnh: Reuters.

Động thái này được cho là châu Âu đang tìm cách hưởng lợi từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tấn công các trường đại học hàng đầu của nước này, bao gồm việc cắt giảm tài trợ liên bang.

Phát biểu tại Đại học Sorbonne (Paris) cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi "các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới đoàn kết và gia nhập cùng chúng tôi... Nếu bạn yêu tự do, hãy đến và chung tay xây dựng một châu Âu tự do".

Các quan chức cho biết khoản ngân sách 500 triệu Euro sẽ được dùng để tài trợ cho các dự án nghiên cứu và hỗ trợ các trường đại học chi trả chi phí mời các nhà khoa học nước ngoài đến làm việc.

Bà Von der Leyen bày tỏ mong muốn các quốc gia thành viên EU nâng mức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển lên 3% GDP vào năm 2030.

Tổng thống Macron cam kết Pháp sẽ đóng góp 100 triệu euro, dù chưa rõ khoản này có nằm trong ngân sách chung của EU hay không.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 1, Tổng thống Trump đã có nhiều động thái nhắm vào các trường đại học Mỹ như đóng băng tài trợ liên bang, khởi động các cuộc điều tra, thu hồi thị thực sinh viên quốc tế và đưa ra nhiều yêu sách khác.

Ông cho rằng giáo dục đại học Mỹ đang bị chi phối bởi các hệ tư tưởng mà ông gọi là bài Do Thái, chống Mỹ, Mác-xít và cánh tả cực đoan. Tuần trước, ông tuyên bố sẽ thu hồi quyền miễn thuế của Đại học Harvard, một hành động mà trường này cho là vi phạm luật thuế của Mỹ.

Robert N. Proctor, nhà sử học tại Đại học Stanford (Mỹ), nhận định với Reuters rằng Tổng thống Trump đang dẫn đầu "một cuộc tấn công cánh hữu tự do vào nền tảng khoa học" đã âm ỉ từ nhiều năm.

"Chúng ta hoàn toàn có thể chứng kiến một cuộc chảy máu chất xám ngược. Không chỉ đến châu Âu, các học giả còn đang chuyển đến Canada và châu Á", ông dự đoán.

Bà Meredith Whittaker, chủ tịch ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal, từ chối bình luận về các tranh chấp địa chính trị.

Tuy nhiên, bà chia sẻ rằng việc các tài năng hàng đầu tìm đến những khu vực pháp lý chào đón họ là điều tất yếu.

"Tôi nghĩ rằng các nhà nghiên cứu, những người có cuộc sống, sự tìm tòi, những đam mê được thúc đẩy bởi những câu hỏi, những lĩnh vực cụ thể, những người tồn tại trong một cộng đồng thực hành trí tuệ, sẽ luôn bị thu hút đến những nơi có môi trường thuận lợi cho công việc của họ, nơi họ không bị đe dọa và nơi nghiên cứu của họ không bị cản trở hay xuyên tạc", bà nhấn mạnh.

Mối đe dọa về sinh kế của các học giả tại các trường đại học Mỹ như Yale, Columbia và Johns Hopkins đã mang lại hy vọng cho các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu về một "mùa bội thu" chất xám.

Tuy nhiên, với nguồn lực tài chính hạn chế hơn nhiều so với các trường đại học Mỹ, vẫn còn phải xem liệu các trường đại học châu Âu có thể thu hẹp khoảng cách tài trợ cần thiết để thu hút các nhà nghiên cứu hàng đầu của Mỹ hay không.

Tháng trước, Tổng thống Macron và Chủ tịch Von der Leyen đã bày tỏ ý định mời các nhà khoa học và nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đến châu Âu.

Bên cạnh đó, Pháp cũng đã ra mắt nền tảng "Chọn Pháp cho Khoa học", do Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia Pháp quản lý, tạo điều kiện cho các trường học và tổ chức nghiên cứu đăng ký nhận tài trợ từ chính phủ để tiếp nhận các nhà nghiên cứu.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/chau-au-tan-dung-thoi-co-khi-ong-trump-siet-dai-hoc-my-post1551327.html