Đằng sau việc Nga bất ngờ điều chuyển máy bay ném bom chiến lược đến Đông Siberia

Những chiếc máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95 vốn đóng vai trò then chốt trong các đợt tấn công của Liên bang Nga nhằm vào Ukraine bất ngờ được đưa đến nơi cách Ukraine khoảng 4.000 km.

Máy bay ném bom Tu-95MS tham gia một cuộc diễn tập tại Nga ngày 19/2/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Máy bay ném bom Tu-95MS tham gia một cuộc diễn tập tại Nga ngày 19/2/2022. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Báo The Kyiv Post của Ukraine ngày 6/5 cho biết hình ảnh vệ tinh nguồn mở đã tiết lộ một động thái dường như là việc tái triển khai các máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-95 của quân đội Liên bang Nga đến căn cứ không quân Belaya, cách Ukraine khoảng 4.000 km.

Vào ngày 5/5, nhà phân tích tình báo nguồn mở (OSINT) MT Anderson đã đăng tải lên mạng xã hội X những hình ảnh vệ tinh thương mại chụp căn cứ không quân hẻo lánh của quân đội Liên bang Nga ở miền Đông Siberia, cho thấy sự hiện diện của 10 chiếc Tupolev Tu-95. Ngoài ra, tại căn cứ này còn có nhiều máy bay vận tải Ilyushin Il-76, Antonov An-26, cùng với một số lượng lớn máy bay khác như máy bay ném bom siêu vượt âm Tupolev Tu-22, tiêm kích MiG-31 có khả năng mang tên lửa Kinzhal, và tiêm kích Su-27.

Căn cứ không quân Belaya nằm ở vùng Irkutsk của Liên bang Nga, cách thành phố Irkutsk khoảng 85 km về phía Tây Bắc và cách Ukraine hơn 4.000 km. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đây từng là một căn cứ quan trọng cho các máy bay ném bom mang vũ khí hạt nhân của Liên Xô.

Trang thông tin chuyên về quốc phòng BulgarianMilitary.com dẫn lời các nhà phân tích quân sự cho biết việc tập trung số lượng lớn tài sản chiến lược tại một địa điểm biệt lập như vậy là một động thái có tính toán của Moskva (Moscow).

Các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 đã đóng vai trò then chốt trong các đợt tấn công của Liên bang Nga trong hơn ba năm Tổng thống Vladimir Putin triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, thường xuyên phóng tên lửa hành trình vào các cơ sở hạ tầng năng lượng ở Kiev và nhiều thành phố lớn khác của Ukraine.

Trong những tháng gần đây, sự phát triển của các thiết bị bay không người lái tấn công tầm xa của Ukraine đã đe dọa nghiêm trọng các căn cứ của máy bay ném bom từng được coi là an toàn như Olenya (gần Murmansk) và Engels (thuộc tỉnh Saratov). Những nơi này đã nhiều lần bị tấn công và hứng chịu tổn thất về cả máy bay lẫn tên lửa.

Xem video Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã phá hủy 96 tên lửa hành trình phóng từ trên không của Liên bang Nga trong một cuộc tấn công bằng thiết bị không người lái (UAV) hôm 20/3/2025 vào căn cứ không quân Engels-2 của Lực lượng Không gian Vũ trụ Liên bang Nga. Nguồn: Andriy Kovalenko/Telegram.

Tu-95, xuất hiện lần đầu năm 1952, có tầm bay 12.000 km, và có thể mở rộng thêm đáng kể nhờ tiếp nhiên liệu trên không. Bốn động cơ tuốc-bin cánh quạt Kuznetsov NK-12 cho phép nó bay hành trình với tốc độ khoảng 920 km/h.

Việc chuyển Tu-95 đến căn cứ không quân Belaya không chỉ giúp đưa các máy bay này - vốn chiếm khoảng 1/4 tổng số Tu-95 của Liên bang Nga - ra ngoài tầm với của các loại vũ khí hiện tại trong tay Kiev, mà còn cho phép Moskva linh hoạt hơn về hướng tấn công và thời điểm phóng tên lửa nhằm vào Ukraine.

Vị trí ở Siberia kết hợp với tầm bay xa của Tu-95 cho phép các máy bay này đi theo các đường bay vòng tránh trước khi đến vị trí khai hỏa, vẫn có thể tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine.

Việc có mặt các máy bay vận tải Il-76, loại thường được sử dụng để vận chuyển tên lửa hành trình Kh-101 và vũ khí khác, cho thấy Liên bang Nga đang chuẩn bị cho phương án này.

Khả năng đó càng được củng cố bởi một bài đăng trên mạng xã hội X của blogger “bichik under fire” vào ngày 1/5, người cho biết ít nhất hai chiếc Tu-95 đã được chuyển từ Olenya đến Belaya, đang được tiếp nhiên liệu và tái trang bị.

Báo cáo của BulgarianMilitary.com còn suy đoán rằng việc bố trí máy bay ném bom chiến lược Tu-95 ở Belaya có thể mang hàm ý chiến lược rộng hơn đối với phương Tây.

Nguyên nhân là do điều này cho phép Moskva sử dụng căn cứ không quân Belaya như một công cụ phô diễn sức mạnh, có khả năng vươn tới lãnh thổ các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời rút ngắn khoảng cách với các “đồng minh” như Trung Quốc và Triều Tiên.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/dang-sau-viec-nga-bat-ngo-dieu-chuyen-may-bay-nem-bom-chien-luoc-den-dong-siberia-20250506190536428.htm