Châu Âu tăng cường đầu tư vào startup công nghệ quốc phòng

Với sự tham gia của 24 Đồng minh NATO, Quỹ Đổi mới NATO đẩy mạnh tài trợ trong nhiều lĩnh vực công nghệ mới nổi, bao gồm năng lượng, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, quyền tự chủ, vật liệu mới, không gian, công nghệ sinh học, hệ thống siêu thanh và liên lạc thế hệ tiếp theo...

Căng thẳng và xung đột địa chính trị đang thúc đẩy các nước châu Âu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ quốc phòng.

Căng thẳng và xung đột địa chính trị đang thúc đẩy các nước châu Âu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ quốc phòng.

Quỹ Đổi mới NATO thuộc Quỹ trị giá 1 tỷ euro của NATO mới đây công bố các khoản đầu tư công nghệ sâu đầu tiên sẽ giúp thúc đẩy sự đổi mới trong các vật liệu và sản xuất mới, AI và robot.

Để hỗ trợ các công ty trong danh mục đầu tư, Quỹ Đổi mới NATO sẽ hợp tác chặt chẽ với các chính phủ để cung cấp quyền truy cập vào nguồn thông tin về quốc phòng, chính phủ, các thị trường và cơ hội thương mại rộng lớn

NHỮNG KHOẢN RÓT VỐN ĐẦU TIÊN

Người đứng đầu quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 1 tỷ euro của NATO cho biết căng thẳng và xung đột địa chính trị đang thúc đẩy các nước châu Âu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về công nghệ quốc phòng. Ông tin rằng khu vực có thể tạo ra một số công ty trị giá hàng tỷ USD để cạnh tranh với các công ty khởi nghiệp quốc phòng tại Mỹ.

Với sự tham gia của 24 Đồng minh NATO, Quỹ Đổi mới NATO đẩy mạnh tài trợ trong nhiều lĩnh vực công nghệ mới nổi, bao gồm năng lượng, điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, quyền tự chủ, vật liệu mới, không gian, công nghệ sinh học, hệ thống siêu thanh và liên lạc thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, Mỹ, Canada và Pháp chưa đồng ý hỗ trợ.

Các công ty đầu tiên nhận được khoản đầu tư bao gồm ARX Robotics–một nhà sản xuất các hệ thống robot tại Đức, Fractile–một nhà sản xuất chip máy tính có trụ sở tại London nhằm tạo ra các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) giống như những mô hình hỗ trợ ChatGPT. Hai công ty khởi nghiệp khác là nhà sản xuất iCOMAT của Anh, công ty sản xuất vật liệu nhẹ cho phương tiện và Space Forge, một công ty xứ Wales khai thác các điều kiện không gian - chẳng hạn như điều kiện vi trọng lực và chân không để chế tạo chất bán dẫn trên quỹ đạo.

Ngoài ra, quỹ này cũng đầu tư vào 4 quỹ khác là Join Capital, Vsquared Ventures, OTB Ventures và Alpine Space Ventures để đẩy mạnh nghiên cứu “công nghệ sâu”.

HỖ TRỢ CHU KỲ NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN DÀI HẠN

Không giống như hầu hết các quỹ đầu tư mạo hiểm phải hoàn vốn trong 10 năm, quỹ của NATO sẽ đầu tư trong hơn 15 năm. Giải thích điều này, ông Andrea Traversone, một chuyên gia đầu tư của quỹ cho biết: “Chúng tôi có một lượng vốn ổn định để triển khai trong các chu kỳ R&D dài hạn và cần nhiều vốn”.

Nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là ở châu Âu, đã cảnh giác với việc ủng hộ các công ty quốc phòng vì sợ vi phạm các quy tắc quản lý, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến các khoản đầu tư của các chính phủ khu vực vào các dự án máy bay không người lái và AI trong lĩnh vực quốc phòng.

Traversone cho biết, ngoài việc đầu tư với mục tiêu tạo ra lợi nhuận tài chính, quỹ này còn đóng vai trò là “người mai mối” giữa những người mua công nghệ của chính phủ và các công ty khởi nghiệp đang phát triển các sản phẩm mới.

Ông nói: “Nhiệm vụ của quỹ là đầu tư vào công nghệ đột phá nhằm nâng cao sự an toàn của công dân trong liên minh và lợi thế công nghệ của NATO”.

Các thành viên NATO đã đồng ý vào năm ngoái phân bổ ít nhất 2% GDP của họ cho quốc phòng. Chi tiêu quốc phòng trên khắp các châu Âu và Canada đã tăng gần 18% chỉ trong năm nay, mức tăng lớn nhất trong nhiều thập kỷ, theo số liệu ước tính của NATO vừa mới được công bố.

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chau-au-tang-cuong-dau-tu-vao-startup-cong-nghe-quoc-phong.htm