Châu Âu, Trung Quốc tranh giành nguồn cung khí đốt của Mỹ
Lo ngại về an ninh năng lượng, châu Âu và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt để ký kết các thỏa thuận cung cấp dài hạn với các nhà phát triển và xuất khẩu LNG của Mỹ.
Theo nhiều nguồn tin, đang có một cuộc chạy đua giữa các tập đoàn năng lượng châu Âu và Trung Quốc nhằm nhập khẩu các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, trong bối cảnh quốc gia này đang mạnh tay đầu tư vào một loạt dự án xuất khẩu.
Theo báo Politico, nhiều công ty đang kiếm bộn tiền nhờ bán khí đốt của Mỹ cho châu Âu. Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ngay khi được chất lên các tàu chở dầu tại các cảng của Mỹ, giá đã nâng cao hơn gần 4 lần.
"90% sản phẩm chúng tôi sản xuất được bán cho bên thứ ba. Hầu hết khách hàng đến từ các tập đoàn năng lượng lớn ở châu Âu như Enels, Endesas, Naturgys, Centricas và Engies", ông Corey Grindal, Phó chủ tịch điều hành phụ trách thương mại toàn cầu của Cheniere Energy (Mỹ) chia sẻ.
Không chỉ làm tăng lợi nhuận, số lượng hợp đồng dài hạn ngày càng tăng được ký kết bởi người mua Trung Quốc, châu Âu giúp Mỹ mở rộng cơ sở hạ tầng xuất khẩu, tăng nguồn cung LNG trong 2-3 năm tới.
Sindre Knutsson, đối tác nghiên cứu khí đốt và LNG tại Rystad Energy, nói với Financial Times: “Khối lượng đơn hàng đặt mua nhiều hơn là tín hiệu tốt cho thị trường. Theo đó, chúng ta sẽ thấy nhiều dự án xuất khẩu LNG được phát triển”.
Bất chấp những lo ngại về lạm phát, các nhà phát triển dự án LNG tại xứ cờ hoa chuẩn bị phê duyệt công suất xuất khẩu cao kỷ lục trong năm nay, do nhu cầu LNG toàn cầu và các hợp đồng dài hạn tăng.
Cụ thể, trong năm 2023, Liên doanh Global LNG đã phê duyệt một dự án vào tháng 3 và kết thúc thành công khoản tài trợ dự án trị giá 7,8 tỷ đô la cho giai đoạn hai của cơ sở LNG Plaquemines. Điều này, cùng với dự án Port Arthur LNG Giai đoạn 1 của Sempra ở Quận Jefferson, Texas, là hai dự án đã được phê duyệt cho đến nay vào năm 2023.
Trong những tháng gần đây, một loạt các thỏa thuận LNG dài hạn đã được ký kết, bao gồm cả từ những người mua ở châu Âu, nơi an ninh năng lượng đã trở thành trung tâm do lo ngại về khí thải từ nhập khẩu khí đốt tự nhiên.
Trong vài tuần qua, nhà xuất khẩu LNG của Mỹ là Cheniere đã ký hợp hợp đồng 15 năm để cung cấp cho Equinor của Na Uy và một hợp đồng hơn 20 năm với ENN của Trung Quốc.
Trong khi đó, đối thủ Venture Global LNG đã ký một thỏa thuận 20 năm với Securing Energy for Europe (SEFE) của Đức còn TotalEnergies của Pháp đã mua cổ phần trị giá 219 triệu USD của một trạm vận chuyển ở Texas để vận chuyển LNG.
Theo dữ liệu từ S&P Global Commodity Insights, châu Âu và Trung Quốc đang chiếm đến 40% hợp đồng cung cấp LNG của Mỹ được ký từ năm 2021 đến cuối tháng 6/2023. Trung Quốc chiếm 24,4%, chủ yếu tăng ký kết vào 2021 và 2022 trong khi từ đầu 2023, châu Âu lại là người vượt trội.
Ngoài Mỹ, Trung Quốc cũng đang xem xét nhiều nguồn cung khác nhau, trong đó phải kể đến Qatar. Động thái này được cho là đảm bảo nguồn cung LNG dài hạn sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm ngoái đã nhấn mạnh thêm vào an ninh năng lượng của Trung Quốc.
Mới tuần trước, Cheniere Energy đã ký một thỏa thuận dài hạn với ENN của Trung Quốc để cung cấp LNG cho người mua Trung Quốc trong hơn 20 năm - thỏa thuận thứ hai giữa Cheniere và ENN.
Bên cạnh đó, các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ đang ký thỏa thuận với những người mua châu Á khác như Nhật Bản,…
Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie cho biết trong một báo cáo trước đó rằng các nhà phát triển cơ sở xuất khẩu LNG của Mỹ có thể khởi động các nhà máy mới trị giá 100 tỷ USD trong vòng 5 năm tới do giá cao và nhu cầu về an ninh năng lượng tạo động lực mạnh mẽ cho các hợp đồng và nhu cầu LNG dài hạn.
Theo EIA, nguồn cung khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng 0,9% so với tuần trước, nhờ tăng nhập khẩu ròng bình quân từ Canada. Nhu cầu khí đốt tự nhiên của Mỹ cũng tăng 2,4% so với tuần trước, do nhu cầu ghi nhận tăng trong lĩnh vực sản xuất điện, sinh hoạt gia đình và thương mại.
Trong tuần lễ kết thúc vào ngày 23/6, lượng bơm ròng vào kho dự trữ lên đến 76 tỷ ft3, nâng tổng trữ lượng khí đốt tự nhiên hiện nay lên 2.805 tỷ ft3. EIA cho biết, con số này vượt qua cả mức bình quân 5 năm (358 tỷ ft3) lẫn mức trữ lượng của giai đoạn cùng kỳ năm trước (566 tỷ ft3).
Điệp Nguyễn (Theo Oilprice)