Châu Âu tự tin bước vào mùa Đông, tạm quên khủng hoảng năng lượng nhờ 'cứu tinh' từ Pháp?
Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu thêm trầm trọng vào mùa Đông năm ngoái, khi Pháp buộc phải dừng hoạt động hơn chục lò phản ứng hạt nhân - vốn giúp nước này trở thành nước xuất khẩu điện quan trọng. Nhưng năm nay, mọi thứ đã khác.
Tin vui từ Pháp
Năm nay, Pháp đã cho phép các công ty sản xuất điện đốt thêm than trong những tháng tới, để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt trong mùa Đông. Công ty Điện lực Electricite de France (EDF) cũng thông tin, họ đã khắc phục được các vấn đề khiến sản lượng năng lượng nguyên tử bị cắt giảm gần 1/4 vào năm 2022.
Giám đốc điều hành EDF Luc Remont cho biết: “Chúng tôi đang bước vào mùa Đông với sự tự tin hơn nhiều so với thời điểm năm ngoái".
Như vậy, các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu có thể sẽ không phải chịu mối đe dọa mất điện hoặc yêu cầu cắt giảm mạnh tiêu thụ nhu cầu. Điều này cũng giúp giảm giá năng lượng - vốn vẫn ở mức cao do hầu hết hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga sang khu vực vẫn bị hạn chế.
Marc-Antoine Eyl-Mazzega, người đứng đầu Trung tâm năng lượng & khí hậu tại Tổ chức tư vấn Institut Francais des Relations Internationales nhận định: "Sản lượng năng lượng nguyên tử của EDF là một giải pháp to lớn cho hệ thống lưới điện của Pháp và Tây Âu. Hóa đơn năng lượng sẽ giảm và chính phủ cũng không cần phải 'đau đầu' về các biện pháp cứu trợ".
Hiện tại, "gã khổng lồ" diện của Pháp có 39 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động - nhiều hơn 12 lò so với cùng thời điểm năm ngoái. 10 lò phản ứng hạt nhân khá dự kiến sẽ hoạt động trở lại trong tháng 9.
Pháp trở thành nước nhập khẩu điện ròng vào năm 2022, lần đầu tiên kể từ năm 1980, khi sản lượng nguyên tử của nước này giảm 23%.
Sản lượng điện sụt giảm đáng kể của EDF đã gây ra những tác động khắp thị trường châu Âu - nơi phụ thuộc vào nhập khẩu điện từ Pháp. Tác động của vấn đề này thêm nghiêm trọng khi khu vực này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất nhiều thập niên.
Năm ngoái, Nga đã cắt giảm gần hết hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bùng nổ. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - thậm chí còn phải hoãn việc đóng cửa vĩnh viễn 3 lò phản ứng hạt nhân để tăng nguồn cung. Giá điện và khí đốt đã phá kỷ lục vào năm ngoái.
Tuy nhiên, kỳ tích xuất hiện. Châu Âu đã tránh được cuộc khủng hoảng năng lượng ngoạn mục nhờ vào thời tiết ấm áp bất thường và các biện pháp khác nhằm hạn chế nhu cầu.
Ông Patrick Pouyanne, Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng khổng lồ Pháp Total Energies cho hay, chi phí năng lượng đã giảm kể nhưng giá điện ở Pháp “vẫn hơi cao" và vẫn có những lo lắng về mùa Đông tới.
Sự chênh lệch giữa giá điện của Pháp so với giá điện của Đức đã thu hẹp trong những tháng gần đây. Chi phí năng lượng có thể giảm hơn nữa nếu EDF giải quyết được những khó khăn kỹ thuật.
Phó Giám đốc sản xuất hạt nhân tại EDF Regis Clement nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Việc sửa chữa đang tiến triển với một động lực rất tích cực”.
Dồn sự chú ý vào năng lượng hạt nhân
Điện hạt nhân chiếm gần 10% năng lượng tiêu thụ ở Liên minh châu Âu (EU), trong đó các ngành giao thông, công nghiệp, sưởi ấm và làm mát thường dựa vào than, dầu và khí tự nhiên. Trong lịch sử, điện hạt nhân đã cung cấp khoảng 1/4 điện năng của khối và 15% điện năng của Anh.
Theo Al Jazeera, ở châu Âu, trước chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhiều quốc gia đã lựa chọn việc "hồi sinh" năng lượng hạt nhân và đang tiếp tục đi trên con đường này.
Tại Anh, cựu Thủ tướng Boris Johnson đã công bố kế hoạch xây dựng 8 nhà máy hạt nhân mới như một phần trong kế hoạch bảo vệ đất nước khỏi “sự biến động thất thường của giá dầu và khí đốt toàn cầu”.
Trong khi đó, Ba Lan đã để ý đến năng lượng hạt nhân trong lộ trình giảm bớt năng lượng hóa thạch phụ thuộc vào điện than. Hà Lan, Thụy Điển và Ba Lan đều hy vọng phục hồi mạnh mẽ của loại hình năng lượng này trong những năm tới.
Bên cạnh đó, Bulgaria, Czech, Slovakia, Slovenia và Croatia đều có các lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động. Các nước này có rất ít động lực để loại bỏ dần năng lượng hạt nhân và chủ yếu đang xem xét mở rộng năng lực của mình.
Giải thích cho lý do của việc "ồ ạt" tìm đến năng lượng hạt nhân, các nhà phân tích cho rằng, giới chức các nước châu Âu đang đứng trước sức ép tìm một giải pháp ngắn hạn để có đủ năng lượng sưởi ấm trong mùa Đông. Đây cũng là biện pháp bảo vệ dài hạn để tránh những biến động năng lượng do bị tác động từ xung đột Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn.
Năng lượng hạt nhân là chủ đề nhạy cảm trong nội bộ EU. Bên ủng hộ là Pháp và các nước Bắc, Đông Âu coi hạt nhân là năng lượng sạch. Còn bên phản đối nổi bật là Đức và Tây Ban Nha với chủ trương đẩy mạnh năng lượng tái tạo và sử dụng khí đốt hóa lỏng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol nhận thấy, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao như hiện nay, điện hạt nhân có thể trở lại vị trí hàng đầu.
Ông nhấn mạnh: "Điều này sẽ phụ thuộc khả năng của các chính phủ và ngành công nghiệp hạt nhân trong việc huy động các khoản đầu tư cần thiết và việc nhanh chóng giải quyết các vấn đề về bội chi ngân sách, trì hoãn hạ tầng".
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những tháng tới, vẫn có thể xuất hiện những khó khăn trong thị trường năng lượng châu Âu. Nhưng ông, Robert Jackson-Stroud, nhà phân tích sức mạnh thị trường EU tại Công ty ICIS kỳ vọng, Pháp sẽ là nước xuất khẩu điện ròng trong hầu hết mùa Đông và giá điện có nhiều khả năng giảm hơn là tăng.
Nhà phân tích này khẳng định: "Cuộc khủng hoảng năng lượng đang mờ dần. Sự cố ngừng hoạt động ngoài kế hoạch và những điều chỉnh chiến lược lớn đang ở phía sau chúng tôi".