Châu Âu ứng phó thế nào với bài toán lạm phát - tăng trưởng?
Theo báo La Tribune của Pháp, việc tăng thuế nhập khẩu có nguy cơ làm chậm tăng trưởng khu vực đồng euro (Eurozone) và đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng lên trong ngắn hạn.

Biểu tượng đồng euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN
Bên cạnh cú sốc kép này, sự bất ổn cho doanh nghiệp và hộ gia đình cũng gia tăng.
Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố đợt thuế quan mới, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman bày tỏ sự kinh ngạc về diễn biến này.
“Tình trạng hỗn loạn toàn cầu đang ở mức cao nhất với thông báo thuế quan mới này. Đây là yếu tố bất ổn lớn đối với nền kinh tế Pháp, châu Âu và toàn cầu”, ông Jean-Luc Tavernier – Tổng giám đốc Cơ quan Thống kê và nghiên cứu kinh tế Insee, phát biểu trước Quốc hội Pháp ngày 2/4.
Theo Insee, xét đến tác động lan tỏa và biện pháp trả đũa, thương mại toàn cầu có thể giảm 4 điểm. Một cú sốc có nguy cơ lan rộng tới các đối tác thương mại của Mỹ ở châu Âu.
Dự báo tăng trưởng bị điều chỉnh giảm
Với Eurozone, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ chậm lại trong năm 2025 và 2026. Chuyên gia kinh tế Eurozone tại ngân hàng ING, Charlotte de Montpellier, cho biết: “Tác động trực tiếp của việc tăng thuế 20% lên GDP trong ngắn hạn là -0,3%. Điều này chưa tính đến ảnh hưởng đối với thị trường hay nền kinh tế Mỹ”. Do đó, ING đã giảm dự báo tăng trưởng từ 0,8% xuống 0,6% trong năm nay, và từ 1,4% xuống 1% vào năm 2026.
Đức là nước chịu tác động mạnh nhất, do phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Nếu có biện pháp trả đũa, tăng trưởng GDP của Đức có thể giảm 0,2 điểm phần trăm trong năm đầu tiên và 0,1 điểm phần trăm năm thứ hai, theo tính toán của Christophe Blot (OFCE). Vì Đức có vai trò quan trọng trong Eurozone, suy giảm kinh tế tại đây có thể kéo theo các đối tác lớn như Italy và Tây Ban Nha, theo Insee.
Ngay cả khi Berlin triển khai kế hoạch đầu tư lớn để thúc đẩy kinh tế khu vực, Charlotte de Montpellier cảnh báo: “Tác động tiêu cực của thuế quan vẫn lớn hơn tác động tích cực từ đầu tư công.”
Ngoài ra, chỉ số PMI (đánh giá hoạt động kinh doanh) công bố mới đây cho thấy tăng trưởng Eurozone đã trì trệ vào tháng 3, ngay trước khi ông Trump công bố các biện pháp mới. Đặc biệt, kinh tế Pháp thậm chí còn rơi vào tăng trưởng âm.
Ảnh hưởng hạn chế đối với Pháp?

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Trebes, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Pháp, các nhà kinh tế đã bắt đầu điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng, nhưng tác động vĩ mô vẫn còn hạn chế trong ngắn hạn. Theo Eric Heyer (OFCE), nếu Pháp không có biện pháp đáp trả, GDP có thể giảm 0,1 điểm phần trăm. Nếu có phản ứng trả đũa, GDP giảm 0,2 điểm phần trăm, chênh lệch chỉ 0,1 điểm phần trăm.
Trước Quốc hội Pháp, Giám đốc nghiên cứu của Sciences-Po cho rằng “chi phí trả đũa sẽ gây tổn thất nhiều hơn cho Mỹ so với châu Âu”. Cụ thể, nếu Mỹ áp thuế, tăng trưởng của họ sẽ giảm 0,4 điểm phần trăm. Nếu châu Âu đáp trả, GDP của Mỹ có thể mất tới 0,9 điểm phần trăm.
Về ngành bị ảnh hưởng, các lĩnh vực hàng không, xa xỉ phẩm, rượu vang và rượu mạnh có thể chịu tác động từ rào cản thuế quan mới của Mỹ.
Rủi ro lạm phát trong ngắn hạn
Một hệ quả khác là lạm phát có thể gia tăng, do giá hàng nhập khẩu bị áp thuế mới sẽ tăng. Hơn nữa, các sản phẩm thay thế cũng có thể bị đội giá do cung giảm.
Doanh nghiệp có thể chịu một phần chi phí tăng thuế bằng cách giảm lợi nhuận, nhưng cuối cùng, người tiêu dùng Mỹ vẫn phải đối mặt với giá cả tăng vọt.
Chuyên gia kinh tế trưởng Christophe Barraud tại công ty môi giới chứng khoán Market Securities nhận định: “Kinh tế Mỹ sẽ chịu cú sốc lạm phát nghiêm trọng. Ông Trump đang đẩy Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tình thế rất khó khăn”.
Theo hãng tin Bloomberg, giá một số mặt hàng sẽ tăng đột biến.
Tuy nhiên, ở Eurozone, hiện chưa thể đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng của thuế quan đối với giá cả.
Châu Âu sẽ phản ứng thế nào?

Trụ sở ECB tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/TTXVN
Liệu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có đẩy nhanh kế hoạch giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế Eurozone?
Đối mặt với căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu, châu Âu hy vọng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng. Nhưng cuộc chiến thương mại này có thể làm giảm sức mua của các hộ gia đình.
Ngược lại, một số chuyên gia cho rằng cú sốc này có thể dẫn đến giảm phát do tác động từ Trung Quốc. Với lượng hàng tồn kho lớn, Trung Quốc có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang châu Âu, điều này có thể giúp kiềm chế lạm phát, nhưng cũng đe dọa ngành công nghiệp Eurozone, vốn đã chịu nhiều tổn thất.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chau-au-ung-pho-the-nao-voi-bai-toan-lam-phat-tang-truong/368762.html