Mỹ có động thái gì khi Việt Nam đề nghị tạm hoãn áp thuế 46%?
'Chúng tôi mới gửi hôm qua, hi vọng sẽ có thông tin sớm' - ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết và thông tin rằng công hàm đề nghị tạm hoãn áp thuế của Bộ trưởng Bộ Công Thương được gửi đi với mong muốn hai bên dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý, thu xếp cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng và Trưởng đại diện thương mại Mỹ...
Chiều nay (4/4), Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ quý I. Vấn đề nóng nhất trong cuộc họp tập trung quanh câu chuyện Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa Việt Nam với mức 46%, dự kiến áp dụng từ ngày 9/4.
Tiếp tục đàm phán tìm tiếng nói chung
Chia sẻ tại cuộc họp, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài - cho biết, mức thuế 46% mà Mỹ áp cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là đáng quan ngại trong bối cảnh Việt Nam kiên trì, ủng hộ nhất quán thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại đầu tư.
Theo ông Linh, Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế có cơ cấu bổ sung cho nhau. Việt Nam cạnh tranh không trực tiếp với Mỹ mà cạnh tranh với nước thứ ba, giúp người tiêu dùng Mỹ được sử dụng hàng hóa với giá hợp lý.
"Việc Mỹ đưa ra như vậy là không công bằng và không thể hiện thiện chí của Việt Nam với những nỗ lực thúc đẩy thương mại cân bằng. Bộ Công Thương mong muốn tiếp tục đàm phán để hai bên tìm tiếng nói chung”, ông Linh nói và cho biết, hiện Bộ Công Thương đang sắp xếp các cuộc điện đàm ở cấp Bộ trưởng với phía Mỹ để tháo gỡ vấn đề áp thuế đối ứng.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài.
Vụ trưởng Vụ Thị trường nước ngoài khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường.
"Với việc tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam hiện nằm trong nhóm quốc gia có số lượng FTA nhiều nhất khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp cần tận dụng các hiệp định. Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA mới với nhiều đối tác tiềm năng như: Khu vực Mỹ Latinh, Nam Á, Trung Đông, Đông Âu, trong đó có Brazil; xúc tiến các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Pakistan, Ấn Độ, Ai Cập và một số đối tác khác", ông Linh thông tin.
Việt Nam sẽ đàm phán nội dung gì với Mỹ?
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, sau khi Mỹ công bố áp thuế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm đề nghị phía Mỹ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên, đồng thời liên hệ cơ quan ngoại giao và các kênh khác nhau để thu xếp có cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng và Trưởng đại diện thương mại Mỹ.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tại họp báo. Ảnh: BCT.
“Những nội dung chúng ta quan tâm về các chính sách nhập khẩu, Bộ trưởng và Trưởng đại diện thương mại Mỹ đã trao đổi khá nhiều. Để chuẩn bị cho cuộc điện đàm sắp tới, Bộ triển khai nhiều nội dung. Mỹ có động thái gì không sau khi gửi công hàm? Chúng tôi mới gửi hôm qua, hi vọng sẽ có thông tin sớm”, ông Tân nói.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng cho biết, đầu tuần tới Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ dẫn đầu đoàn công tác sang Mỹ. Bộ Công Thương đã chuẩn bị sẵn sàng các nội dung trao đổi. "Chiều nay, Phó Thủ tướng cũng có cuộc họp với các doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, để lắng nghe về các tác động đối với doanh nghiệp từ việc áp thuế này, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp”, ông Tân thông tin.
Việt Nam sẽ đàm phán nội dung gì với Mỹ? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để sẵn sàng các phương án đàm phán, trên cơ sở thiện chí, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên.
"Chúng tôi sẽ giải thích rõ hơn, cụ thể hơn về các chính sách, quản lý xuất nhập khẩu, thuế và các nội dung liên quan", ông Tân thông tin và nói thêm đến nay các mục tiêu tăng trưởng, xuất nhập khẩu, đầu tư... chưa được bàn đến, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra. Tinh thần bình tĩnh nhìn tổng thể và toàn diện.