Châu Âu và châu Á tìm cách thu hút nhân tài từ Mỹ

Trong bối cảnh Đại học Harvard, một trong những cơ sở học thuật danh tiếng nhất nước Mỹ, đang phải chịu áp lực nặng nề những chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây, các trường đại học ở châu Á và châu Âu đang tìm cách thu hút các nhân tài hàng đầu từ Mỹ.

Khuôn viên trường Đại học Harvard. Ảnh: ABC News

Khuôn viên trường Đại học Harvard. Ảnh: ABC News

Chào đón sinh viên Harvard

Theo trang Bloomberg, Bộ trưởng Văn hóa Đức Wolfram Weimer gợi ý rằng Harvard có thể thành lập một cơ sở tại Đức, đồng thời nhắn nhủ: "Gửi tới sinh viên Harvard và các trường đại học Mỹ khác, tôi muốn nói: Các bạn được chào đón tại Đức". Trước tuyên bố mới nhất của ông Weimer, Đức nói riêng và các quốc gia châu Âu khác nói chung đã đặc biệt tích cực trong nỗ lực thu hút các nhà khoa học, khi phân bổ ngân sách cho các trường đại học và viện nghiên cứu để sử dụng vào các chiến dịch tuyển dụng.

Đầu tháng này, Liên minh châu Âu đã khởi động một chương trình trị giá 500 triệu eur nhằm thu hút các nhà nghiên cứu nước ngoài. Pháp dành riêng 100 triệu eur để trở thành "nơi trú ẩn an toàn cho khoa học", trong khi Tây Ban Nha bổ sung thêm 45 triệu eur cho một chương trình tuyển dụng các nhà khoa học cao cấp. Anh cũng sẽ công bố một kế hoạch riêng trị giá 59 triệu EUR. Bên cạnh các chính sách do chính phủ khởi xướng, các cơ sở giáo dục tại Đức, Thụy Điển, Áo và một số quốc gia khác cũng triển khai các sáng kiến riêng, tạo ra các vị trí tuyển dụng mới, các gói hỗ trợ tài chính đặc biệt và quy trình cấp thị thực nhanh chóng để thu hút giới khoa học.

Chính quyền và một số trường đại học tại các khu hành chính đặc biệt Hồng Kông và Ma Cao của Trung Quốc đã chìa "cành ô liu" sau khi sinh viên và giới học giả tại Đại học Harvard choáng váng trước nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm cấm trường danh tiếng này tuyển sinh quốc tế.

Theo Reuters ngày 26-5, trong một tuyên bố gửi qua email, Cục Giáo dục Hồng Kông cho biết: "Cục đã kịp thời kêu gọi tất cả các trường đại học ở Hồng Kông triển khai các biện pháp hỗ trợ đối với những người đủ điều kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của sinh viên và học giả, đồng thời thu hút nhân tài hàng đầu". Cục Giáo dục Hồng Kông cũng đã liên hệ với Câu lạc bộ Harvard tại Hồng Kông để đề xuất hỗ trợ các sinh viên đã được nhận vào học tại Harvard.

Trước đó, ngày 23-5, Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) đã có lời mời dành cho tất cả sinh viên quốc tế bậc đại học và sau đại học tại Đại học Harvard, cũng như những người đã nhận được thư mời nhập học xác nhận, tiếp tục học tại HKUST. Lãnh đạo cơ quan giáo dục Hồng Kông, bà Christine Choi, đăng trên Facebook rằng chính quyền đặc khu này đã kêu gọi các trường đại học tại đây thực hiện các hành động tích cực để tuyển các sinh viên bị ảnh hưởng.

Tại Ma Cao, ngày 25-5, Cục Giáo dục và Phát triển Thanh thiếu niên của chính quyền khu hành chính đặc biệt Ma Cao thông báo trên trang web rằng cơ quan này đang theo dõi sát sao diễn biến. Cục này đã khuyến khích các trường đại học tại Ma Cao quan tâm đến tình hình hiện tại, hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng chuyển trường và đảm bảo quyền được tiếp tục học tập. Cục này cũng đang liên hệ với các sinh viên Ma Cao đang học tại Harvard để tư vấn và hỗ trợ.

Lời giải thích từ Tổng thống Mỹ

Động thái trên của các nước xuất hiện trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thu hồi quyền tuyển sinh viên quốc tế của Đại học Harvard và buộc các sinh viên nước ngoài đang theo học phải chuyển sang trường khác hoặc mất tình trạng cư trú hợp pháp.

Ngày 25-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng bảo vệ quyết định này. Trên nền tảng Truth Social, ông Trump viết: "Tại sao Harvard không nói rằng gần 31% lượng sinh viên của họ đến từ nước ngoài và trong đó có những nước hoàn toàn không thân thiện với Mỹ... Chúng tôi muốn biết những sinh viên đó là ai, một yêu cầu hợp lý vì chúng tôi cấp cho Harvard hàng tỷ USD nhưng Harvard hoàn toàn không hợp tác".

Đây là phát ngôn đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, sau khi một thẩm phán liên bang tạm thời đình chỉ hiệu lực của lệnh cấm này. Trước đó, ngày 22-5, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, bà Kristi Noem, đã cảnh báo sẽ tước quyền tuyển sinh viên quốc tế, nếu Harvard nhất định không cung cấp hồ sơ liên quan đến những trường hợp sinh viên nước ngoài vi phạm pháp luật hoặc có tư tưởng cực đoan, hành vi gây rối, bạo lực trên đất Mỹ.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chau-au-va-chau-a-tim-cach-thu-hut-nhan-tai-tu-my-post313708.html