Châu Âu vật lộn với bài toán hạ nhiệt giá năng lượng
Châu Âu đang chịu áp lực lớn từ cuộc khủng hoảng năng lượng, trong bối cảnh giá khí đốt liên tục xác lập các kỷ lục mới. Quan ngại về nhu cầu tăng cao trong những tháng mùa đông lạnh giá ở bắc bán cầu, cùng với nguồn cung giảm khiến châu Âu tiếp tục vật lộn với bài toán hạ nhiệt giá năng lượng.
![Trạm cung ứng PIG trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trên đất liền ở Lubmin, Đức. (Ảnh: TTXVN)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2021_12_24_14_41296944/975223218e63673d3e72.jpg)
Trạm cung ứng PIG trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trên đất liền ở Lubmin, Đức. (Ảnh: TTXVN)
Ở châu Âu hiện đang chứng kiến sự tăng vọt của giá khí đốt. Trên sàn TTF của Hà Lan, giá khí đốt lên mức 162,775 euro (hơn 183 USD)/MWh. Trong khi đó tại Anh, nhảy vọt lên 408,30 xu Anh/therm (đơn vị nhiệt đo lượng khí đốt cung cấp). Mức giá tại cả hai thị trường này đều xô đổ các kỷ lục được thiết lập trước đó từ tháng 10, khiến thị trường năng lượng tiếp tục "nóng" lên trước mùa đông ở châu Âu. Hiện giá khí đốt đã tăng gấp khoảng 7 lần so với hồi đầu năm.
Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu đã cạn kiệt sau một mùa đông kéo dài vào năm 2020, trong khi lượng gió giảm mạnh ảnh hưởng việc khai thác năng lượng gió. Theo dữ liệu của nhà điều hành vận chuyển khí đốt Gascade (Ðức), lượng khí đốt được bơm từ Nga đã giảm sau khi Tập đoàn năng lượng Gazprom bắt đầu nạp khí đốt vào nhánh hai của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2). Bởi thế, lượng khí đốt vận chuyển tới Ðức qua trạm nén khí Mallnow ở biên giới Ðức-Ba Lan giảm mạnh, với lưu lượng trung bình trong tháng này dao động từ 9 đến 12 triệu kWh/giờ. Là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, Nga dành khoảng 30% đường ống để cung cấp khí đốt cho Ðức qua Ba Lan. Moskva đã nhiều lần tuyên bố có thể cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu nếu được phép sử dụng Nord Stream 2. Ðường ống này đã hoàn thành, nhưng cơ quan quản lý của Ðức đang đình chỉ quá trình phê duyệt và Liên minh châu Âu (EU) cũng không chấp thuận.
Một số nhà phân tích đổ lỗi việc giá khí đốt tăng đột biến là do tranh cãi đang diễn ra chung quanh dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Trong những năm qua, dự án hợp tác năng lượng giữa Nga và Ðức này, trị giá khoảng 11 tỷ USD, đã đối mặt nhiều cản trở từ một số nước châu Âu và Mỹ. Washington lo ngại dự án khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, nhất là Ukraine.
Việc xây dựng lại các kho dự trữ của châu Âu đã làm giảm bớt lo ngại về tình trạng tiếp tục thiếu nguồn cung nhiên liệu, song giá khí đốt vẫn liên tục tăng trong tuần qua. Ðiều này một phần là do dự báo thời tiết lạnh giá ở châu Âu khi mùa đông tới và dự trữ khí đốt ở mức thấp tại thời điểm này trong năm. Trong thông báo với khách hàng, các nhà phân tích của ngân hàng Deutsche Bank (Ðức) cho biết, giá khí đốt tăng khi nhiệt độ tiếp tục giảm trong bối cảnh mùa đông lạnh giá. Thêm vào đó, căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine cũng làm xáo trộn tâm lý, tác động tới thị trường khí đốt. Có thông tin Tập đoàn Gazprom đã không đặt hàng thêm trong tháng 1 tới để vận chuyển khí đốt cho châu Âu thông qua lãnh thổ Ukraine.
Châu Âu chật vật đối phó với nguồn cung suy giảm nhanh chóng, nhất là trong bối cảnh các đợt giá lạnh đang đến gần. Trong khi đó, các nước EU vẫn bất đồng trong việc tìm ra cách thức chung đối phó giá năng lượng tăng cao. Trong lúc chưa tìm được tiếng nói chung, nhiều nước EU đã sử dụng các biện pháp riêng tạm thời để bảo vệ người tiêu dùng như cắt giảm thuế năng lượng và trợ cấp cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, với những diễn biến khó lường trên thị trường năng lượng hiện nay, các nước châu Âu vẫn đứng trước một mùa đông khó khăn bởi giá nhiên liệu không có dấu hiệu hạ nhiệt.