Châu chấu tre lưng vàng bùng phát gây hại cây trồng

Khoảng 2 ngày gần đây, trên địa bàn xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn đã xuất hiện đàn châu chấu tre lưng vàng với mật độ cao. Chính quyền, cơ quan chức năng huyện Bình Gia đang kiểm tra, chỉ đạo lực lượng chuyên môn có giải pháp ngăn chặn loài côn trùng này gây hại cho diện tích cây trồng của người dân.

Châu chấu tre lưng vàng xuất hiện gây hại cho cây trồng tại xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Châu chấu tre lưng vàng xuất hiện gây hại cho cây trồng tại xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Người dân địa phương cho hay, khoảng từ năm 2016, thi thoảng vẫn thấy loài côn trùng này xuất hiện trên rừng vầu. Tuy nhiên, năm nay mới ghi nhận châu chấu di chuyển xuống các khu vực khác ngoài cánh rừng.

Theo đánh giá ban đầu của cơ quan chức năng huyện Bình Gia, châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện, phá hại rừng tre, vầu, nứa, mai tại 3 thôn gồm: Thâm Khôn, Ba Biển, Yên Hùng của xã Thiện Hòa, với mật độ 600 - 1.000 con/bụi, ăn trụi lá, diện tích phá hại 10 ha. Hiện tại, châu chấu đang bắt đầu di chuyển từ trên đồi cao xuống các khe suối, bờ bụi và bắt đầu gây hại cây ngô mật độ 50 - 60 con/m2.

Vòng đời châu chấu tre lưng vàng dài, thời gian sống và phá hại khoảng 5 - 6 tháng trong năm, chấu chấu trưởng thành có thể bay xa 40 - 60 km, di chuyển nhanh thành từng đàn. Khi hết thức ăn trên rừng chúng có thể di chuyển đến phá hại trên các cây trồng khác gần bìa rừng như: ngô, lúa, cỏ chăn nuôi... hoặc bay sang các rừng khác.

Châu chấu tre lưng vàng xuất hiện gây hại cho cây trồng tại xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Châu chấu tre lưng vàng xuất hiện gây hại cho cây trồng tại xã Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Dự báo, giai đoạn cuối vụ Xuân và vụ Mùa năm 2024, có nguy cơ cao châu chấu phát sinh, lây lan gây hại diện rộng. Do đó, để chủ động trong công tác phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do châu chấu tre lưng vàng gây ra, UBND huyện Bình Gia yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, UBND các xã, thị trấn chủ động các giải pháp ngăn ngừa côn trùng gây hại.

Đối với các xã, thôn chưa phát hiện có châu chấu cần phải tăng cường tổ chức điều tra, theo dõi, dự báo khả năng phát sinh phát triển của châu chấu tre lưng vàng để chủ động phương án phòng, trừ kịp thời, ngăn chặn phát sinh gây hại trên diện rộng.

Đối với các xã, thôn có châu chấu tre lưng vàng xuất hiện và gây hại cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân tăng cường kiểm tra các diện tích rừng vầu, nứa, tre, luồng trên địa bàn; phát hiện và phòng trừ hiệu quả các ổ dịch; đồng thời, tăng cường điều tra, xác định hướng và vị trí di chuyển, phạm vi hoạt động và loại cây trồng bị châu chấu gây hại nặng.

Cơ quan chuyên môn kiểm tra, phát hiện sớm ổ châu chấu mới nở, còn co cụm mật độ thấp thì dùng vợt bắt thủ công đem tiêu hủy. Khi mật độ châu chấu cao hoặc có nguy cơ di chuyển xuống gây hại ruộng lúa, ngô cần khoanh vùng tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Patox 95SP, Wavotox 585 EC,Wamtox...; đồng thời, tổ chức thành các tổ, đội dịch vụ phun tập trung, dùng bình phun ắc quy hoặc máy động cơ phun bao vây xung quanh ổ dịch, phun cuốn chiếu từng khu vực để tiêu diệt tránh để chúng phát tán gây hại trên diện rộng rất khó kiểm soát.

Vũ Văn Đạt (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/chau-chau-tre-lung-vang-bung-phat-gay-hai-cay-trong-20240529212815794.htm