Kỳ 3: Giữ lửa ở Bản Cuôn

Nỗ lực của bản làng
Những ngày đầu tháng năm, khi đất trời bừng lên sức sống bởi những cơn mưa đầu hạ, chúng tôi trở lại Bản Cuôn để thực hiện một chương trình trải nghiệm Du lịch cộng đồng, đây là hướng đi mới mà toàn thôn đang hướng đến.
Ngôi nhà gỗ mới dựng khác với những ngôi nhà truyền thống được chia thành nhiều gian. Nó đơn sơ, bao quanh bởi những tấm gỗ thô mộc. Bên trong chỉ có chiếc bảng to và vài bộ bàn ghế học sinh. Đây là phòng học mới được ông Hoàng Thông Chư dựng lên để làm lớp dạy chữ Nôm Dao.
Đưa mắt nhìn lớp học, ông Triệu Dư Phượng tràn đầy hy vọng: "Sau khi lớp học cũ phải đóng cửa, người già trong bản cứ nghĩ mãi, lo lắm vì giờ không có ai dạy nữa thì lớp trẻ làm sao mà biết. Đầu năm nay, ông Hoàng Thông Chư bàn với chúng tôi, bảo rằng sẽ đứng ra mở lớp, ngôi nhà này là ông cũng tự làm, phá cả một cái vườn đấy. Đến nay số lượng người đăng ký học đã đủ mở lớp rồi, chúng tôi vui lắm".
Mang theo niềm vui của ông Phượng, chúng tôi đến gặp chị Triệu Thị Sỉnh, một người con tiêu biểu của Bản Cuôn đang nỗ lực đưa nghệ thuật trang trí thêu tay truyền thống của dân tộc Dao đi xa hơn nữa.
Chị Sỉnh năm nay đã gần 40 tuổi, gương mặt tròn, nước da bánh mật mang đậm dáng hình của một bông hoa rừng. Nhiều năm nay, chị tâm huyết với nghệ thuật trang trí hoa văn, thêu tay truyền thống của dân tộc. Không chỉ cần mẫn làm những bộ trang phục cầu kỳ, chị còn sáng tạo các sản phẩm thủ công, phù hợp với nhu cầu của du khách. Những chiếc mũ, túi đeo, ví cầm tay, khăn quàng cổ… từ vải chàm với những đường thêu tinh xảo đã được nhiều người ưa chuộng.
Hiện nay, chị và các chị em trong bản vẫn nhận được các đơn đặt hàng và làm theo yêu cầu của khách. Dù số lượng bán ra chưa thật sự mang lại thu nhập cao và ổn định cho phụ nữ thôn Bản Cuôn, nhưng đây cũng là tín hiệu vui cho sự nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị tại Bản Cuôn.
Theo ông Triệu Tài Dương, Bí thư Chi bộ thôn Bản Cuôn 2, cùng với dòng chảy thời gian, các di sản cũng dần bị mai một. Có những năm tháng người Bản Cuôn không còn nghe thấy điệu Pá Dung, trong bản vắng tiếng thầy cúng, ai ai cũng cặm cụi, buồn bã làm nương rẫy, cất gọn những bộ trang phục rực rỡ dưới đáy hòm gỗ. Nhưng như một mạch nước ngầm, từng giọt mát trong vẫn âm thầm chảy qua thời gian, kiên nhẫn chờ ngày bản làng đổi thay, chung sức khôi phục và gìn giữ những tinh hoa văn hóa của đồng bào Dao đỏ.
Ông Dương cho biết thêm: "Sau thời gian nỗ lực khôi phục, từ những lớp dạy chữ, dạy thêu trang trí, truyền dạy hát Pá Dung… thôn Bản Cuôn hiện có gần 20 người biết chữ Nôm Dao, 30 người có thể hoàn thành bộ trang phục truyền thống, 15 người biết hát Pá Dung và Lễ cấp sắc vẫn là nghi lễ không thể thiếu trong cuộc đời của mỗi người đàn ông trong làng.
Người Dao chúng tôi nhận thức rõ được rằng, bản sắc văn hóa là niềm tự hào, giữ vai trò không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Không chỉ thế, trong giai đoạn hiện nay, văn hóa còn là lợi thế để thôn hướng đến phát triển du lịch cộng đồng. Chúng tôi không vội vàng mà sẽ đi theo hướng bền vững, làm kinh tế, phát triển du lịch song song với gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống".
Từ năm 2024, Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Chợ Đồn đã triển khai Đề án phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Người dân thôn Bản Cuôn được hướng dẫn xây dựng điểm du lịch văn hóa, thành lập Ban quản lý điểm du lịch. Với tinh thần quyết tâm cao, hơn 10 hộ gia đình đã đăng ký tham gia, đến nay đã có 5 hộ đủ điều kiện đón khách, mang đến những trải nghiệm đặc sắc như ngâm chân bằng thảo dược, học thêu, đan lát…
Vì mới bước đầu triển khai, lượng khách đến với Bản Cuôn còn khiêm tốn, chủ yếu là các đoàn trải nghiệm từ hồ Ba Bể. Nguồn thu chính hiện nay vẫn dựa vào việc bán các sản phẩm địa phương. Bản Cuôn thực sự là mảnh đất tiềm năng với những lợi thế về thiên nhiên, văn hóa và con người để phát triển du lịch cộng đồng. Cần lắm sự kết nối tua, tuyến, cùng những lớp tập huấn về quản lý, phát triển du lịch để bà con có thể chủ động đón khách, từng bước khai thác sâu hơn những thế mạnh vốn có của địa phương.
Chung tay giữ mạch nguồn văn hóa
Giữa những đợt gió núi rì rào và khói bếp chiều nghi ngút trên từng nếp nhà lưng chừng núi, Bản Cuôn hôm nay không chỉ là nơi lưu giữ hồn cốt của người Dao Đỏ, mà còn là minh chứng sống động cho sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân trong hành trình gìn giữ di sản.
Những năm qua, huyện Chợ Đồn đã không xem di sản chỉ là “tài sản quá khứ”, mà là ngọn lửa hiện sinh cần được thắp sáng từng ngày. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để người dân mở lớp dạy chữ Nôm Dao, tổ chức Lễ Cấp sắc đúng nghi thức truyền thống, khuyến khích thành lập tổ hợp tác thêu thổ cẩm, đưa các điệu Pá Dung ra sân khấu lớn.
Mỗi cuộc họp thôn, mỗi kỳ lễ hội, chính quyền không đứng ngoài mà trở thành người dẫn dắt, cổ vũ, đồng hành. Những lớp học truyền dạy chữ Nôm sáng đèn trong đêm, những bàn tay thêu chắt chiu từng đường kim mũi chỉ, những đứa trẻ lần đầu cất giọng Pá Dung dưới chân núi. Tất cả đều cho thấy: Khi địa phương đặt văn hóa làm gốc rễ cho phát triển, thì di sản không chỉ sống lại, mà còn lớn lên cùng cộng đồng.

Bà Hoàng Thị Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh: Bốn di sản văn hóa tại Bản Cuôn gồm: Chữ Nôm Dao; Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ; hát Pá Dung và Lễ Cấp sắc. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân nơi đây, mà còn là tài sản văn hóa vô giá của tỉnh Bắc Kạn. Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là minh chứng cho giá trị đặc biệt của các hình thức văn hóa này.
Để những di sản ấy không chỉ sống trong ký ức mà còn lan tỏa trong đời sống hôm nay, công tác bảo tồn và phát huy phải gắn với cộng đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã và đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các nghệ nhân dân gian để tổ chức các lớp truyền dạy, phục dựng nghi lễ, hỗ trợ xây dựng không gian trải nghiệm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng. Đồng thời, khuyến khích các mô hình kinh tế văn hóa như sản xuất sản phẩm thêu tay, trình diễn nghệ thuật truyền thống để tạo sinh kế và động lực gìn giữ văn hóa lâu dài.
Bắc Kạn xác định rõ: Bảo tồn di sản không chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Những nỗ lực của bà con nhân dân Bản Cuôn trong việc giữ lửa truyền thống được trân trọng, bởi họ chính là những người chủ thực sự của di sản.
Cùng với nỗ lực của người dân, Bản Cuôn mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền để những di sản văn hóa không chỉ tỏa sáng trong đời sống tinh thần mà còn trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Chia tay bản làng sau hành trình trải nghiệm thú vị: đi tìm măng, gói bánh chưng đen, nếm bánh trôi nhân thịt, khám phá những hang động huyền bí… chúng tôi thật sự trân quý những cảm xúc đặc biệt và tình cảm thân thiện của bà con nơi đây. Cùng với đó là lời chia sẻ da diết của bạn trẻ Triệu Hữu Anh, người con dân tộc Dao đầy nhiệt huyết: “Thế hệ chúng tôi tự hào và yêu lắm những giá trị của dân tộc mình, nhưng cũng day dứt khi phải rời quê hương đi làm xa. Chỉ mong đời sống nơi bản làng khấm khá hơn, để ai cũng có việc làm, để chúng tôi có thể trở về, cùng chung tay gìn giữ và làm giàu thêm vốn quý của cha ông”.
Và chúng tôi tin, khi những người trẻ như Hữu Anh còn giữ trong tim nỗi day dứt ấy, thì mạch nguồn văn hóa của người Dao Đỏ ở Bản Cuôn sẽ không bao giờ mất đi. Ngọn lửa di sản, từ đất, từ người vẫn sẽ cháy âm ỉ, bền bỉ, để ngày mai đón những người con của bản làng trở về, tô thắm thêm bức tranh du lịch cộng đồng của Bản Cuôn thanh bình./. (Hết)
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/ky-3-giu-lua-o-ban-cuon-post70745.html