Hà Nội - Trường Sa: Ân nặng tình sâu
Sóng biển Trường Sa dù không hiện hữu nhưng luôn hòa cùng nhịp đập Thủ đô Hà Nội. Những hỗ trợ quý báu và tình cảm hậu phương từ Thủ đô đến Trường Sa luôn khẳng định mối quan hệ 'ân nặng tình sâu'.
Đoàn công tác số 19 do Chuẩn Đô đốc Hồ Thanh Hoàn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân làm trưởng đoàn đã đi thăm, kiểm tra các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, từ ngày 8 -14/5.
Tham gia đoàn có Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết; Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Công Thương Phan Văn Bản; Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đình Lưu và Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Phạm Anh Tuấn.
Trong 9 ngày thực hiện hải trình trên con tàu KN 491 xuất phát từ Cảng Quốc tế Cam Ranh, Đoàn công tác đi thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ trên các đảo: Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn, Len Đao, Cô Lin, Đá Đông C, Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK1/16 Phúc Tần. Song song với đó, Đoàn công tác tổ chức chào cờ, duyệt đội ngũ tại đảo Trường Sa Lớn, dâng tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ, dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ trên đảo Trường Sa, dâng hương, viếng các khu tâm linh, chùa và trồng cây xanh trên các đảo mà đoàn đến thăm, cùng nhiều chương trình giao lưu văn nghệ đặc sắc với các bộ, chiến sĩ.
Chuyến hải trình giúp những người con của Thủ đô chứng kiến tinh thần kiên cường, bất khuất của quân và dân trên các điểm đảo, cảm nhận rõ hơn niềm tự hào thiêng liêng về Tổ quốc. Nếu Hà Nội là trái tim cả nước thì Trường Sa là trái tim biển đảo của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ba Vì cho biết: "Tôi rất ấn tượng với ý chí kiên cường vươn lên của quân và dân vùng đảo, đặc biệt là những em học sinh tuy còn nhỏ tuổi nhưng tình yêu nước rất nồng nàn, có những cháu bé đã mơ ước sau này học thật giỏi để xứng đáng nhận được phần quà của thành phố Hà Nội".
Bà Phùng Phương Thảo - Bí thư Đảng ủy phường Hàng Trống - Quận Hoàn Kiếm cho biết: "Những cảm xúc không thể nói nên lời, rung cảm từ tận trái tim mình, thật sự rất xúc động và chúng tôi hiểu rằng phải luôn trân trọng, cố gắng hơn nữa để sống hết mình ngày hôm nay, sao cho xứng đáng với những gì các anh đã phải bỏ ra ngày hôm qua".
Điểm nhấn của hải trình Đoàn công tác số 19 là lễ khánh thành nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông C. Đây là một trong nhiều công trình mà Hà Nội hỗ trợ xây dựng ở Trường Sa, sau khi đi vào hoạt động, nơi này sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ và chiến sĩ thêm vững vàng, giữ vững quyền, chủ quyền biển đảo của Việt Nam .
Đại úy Nguyễn Xuân Phong - Chỉ huy trưởng Đảo Đá Đông C - Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân cho biết: "So với trước đây, chúng tôi chỉ ở một cái nhà lô cốt, hiện nay đã có nhà văn hóa đa năng rất rộng rãi, phục vụ cho quá trình tiền huấn luyện bộ đội cũng như quá trình tham gia các nhiệm vụ của anh em chiến sĩ".
Không khí trang nghiêm và xúc động hơn khi đoàn đặt chân tới thị trấn Trường Sa. Lễ chào cờ và duyệt đội ngũ tại đây khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và tinh thần "quyết thắng" của quân dân trên đảo. Nhất là khi Trường Sa Lớn vừa đi qua cột mốc 50 năm ngày giải phóng.
Trường Sa vẫn đứng đó, kiên cường và hiên ngang, mãi là "phên dậu" vững chắc nơi biển khơi, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong chuyến đi này, Đoàn công tác của thành phố Hà Nội dành nhiều tình cảm cả về vật chất lẫn tinh thần tới cán bộ, chiến sĩ và người dân tại đây, Trường Sa không chỉ là pháo đài thép nơi biên cương mà thực sự trở thành một mái nhà ấm áp, một phần máu thịt của Tổ quốc.
Bà Nguyễn Thu Hương - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Bắc Từ Liêm cho biết: "Thực sự là may mắn khi ngày hôm nay tôi được đứng ở đây, tôi thán phục sự kiên cường của họ, những gian khổ mà họ đã phải chịu đựng và tình yêu nước của họ".
Chị Lê Ngọc Mai - Viện Biển Đông - Học viện Ngoại giao cho biết: "Tôi rất may mắn khi hôm nay được ở đây, được theo dõi các anh chiến sĩ trên đảo, bản thân mình là một người trẻ với lòng yêu nước như càng được củng cố khi đến đây".
Với niềm tin yêu và gắn bó như máu thịt, sóng biển Trường Sa dù không hiện hữu nhưng luôn hòa nhịp cùng nhịp đập của Thủ đô. Từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng nhiều công trình, cơ sở vật chất trên các đảo với trị giá hơn 580 tỷ đồng.
Ông Hoàng Trọng Quyết - Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cho biết: "Đảng bộ chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô Hà Nội đều có trong trái tim mình hình ảnh về một Trường Sa. Những năm tiếp theo, Hà Nội sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn để giúp cho Trường Sa, biển đảo của chúng ta thêm vững vàng".
Trường Sa hôm nay không chỉ là địa danh trên bản đồ. Trường Sa là biểu tượng của lòng tự hào dân tộc, là minh chứng cho khát vọng hòa bình, đồng thời khẳng định vị thế của một quốc gia biển, luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ đến cùng chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia chính đáng của mình trên biển.
Chuyến hải trình của đoàn công tác thành phố Hà Nội năm 2025 đã khép lại với biết bao tình cảm hậu phương từ Thủ đô Hà Nội đến Trường Sa, để Hà Nội - Trường Sa mãi mãi ân nặng tình sâu.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ha-noi-truong-sa-an-nang-tinh-sau-329874.htm