Châu Phi đang bị xé làm đôi bởi hoạt động địa chất
Một vết nứt khổng lồ đang dần chia cắt châu Phi, lục địa lớn thứ hai trên thế giới. Hậu quả là châu Phi có thể bị tách thành hai lục địa trong tương lai.
Theo Hiệp hội Địa chất London, vùng trũng này - được gọi là Khe nứt Đông Phi - là một mạng lưới các thung lũng trải dài khoảng 3.500 km, từ Biển Đỏ đến Mozambique.
Khe nứt từ bao giờ
Vậy liệu châu Phi có bị chia cắt hoàn toàn không và nếu có thì khi nào Lục địa Đen sẽ bị chia cắt? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét các mảng kiến tạo của khu vực, các phần vỏ bên ngoài của bề mặt hành tinh có thể va chạm vào nhau, tạo thành các ngọn núi hoặc kéo ra xa nhau, tạo ra các lưu vực rộng lớn.
Đài quan sát trái đất của NASA cho biết dọc theo khe nứt khổng lồ này ở phía đông châu Phi, mảng kiến tạo Somalia đang bị kéo về phía đông khỏi phần lớn hơn, cổ xưa hơn của lục địa, tức là mảng kiến tạo Nubian (mảng Nubian còn được gọi là mảng châu Phi).
Các mảng Somali và Nubia cũng đang tách khỏi mảng thuộc bán đảo Ả Rập ở phía bắc. Hiệp hội Địa chất London lưu ý rằng những mảng kiến tạo này giao nhau ở khu vực Afar của Ethiopia, tạo ra một hệ thống rạn nứt hình chữ Y.
Theo Cynthia Ebinger, Chủ nhiệm Khoa Địa chất tại Đại học Tulane ở New Orleans và là cố vấn khoa học cho Cục các vấn đề châu Phi của Bộ Ngoại giao Mỹ, khe nứt Đông Phi bắt đầu hình thành khoảng 35 triệu năm trước giữa Ả Rập và vùng Sừng châu Phi ở phía đông của lục địa. Khe nứt này theo thời gian kéo dài về phía nam, đến phía bắc Kenya vào 25 triệu năm trước.
Khe nứt gồm hai tập hợp các vết nứt song song trong lớp vỏ trái đất. Hiệp hội Địa chất London lưu ý rằng vết nứt phía đông đi qua Ethiopia và Kenya, trong khi vết nứt phía tây chạy theo hình vòng cung từ Uganda đến Malawi. Theo Đài quan sát trái đất của NASA, nhánh các khe nứt phía đông đi qua những vùng khô cằn, trong khi nhánh phía tây nằm trên biên giới của rừng nhiệt đới Congo.
Ebinger cho biết, sự tồn tại của các khe nứt phía đông và phía tây cũng như việc phát hiện ra các khu vực động đất và núi lửa ngoài khơi cho thấy châu Phi đang dần bị “xé toang ra” dọc theo một số đường rãnh, với tốc độ lên tới hơn 6,35 mm mỗi năm.
Ken Macdonald, giáo sư danh dự về khoa học trái đất tại Đại học California, Santa Barbara thì khẳng định: “Quá trình nứt hiện tại diễn ra rất chậm, tương đương với tốc độ mọc móng chân của con người”.
Theo Hiệp hội Địa chất London, khe nứt Đông Phi rất có thể được hình thành do nhiệt truyền lên từ quyển mềm - phần nóng hơn, sốp hơn, phía trên của lớp phủ của trái đất - giữa Kenya và Ethiopia. Đài quan sát trái đất của NASA lưu ý: Sức nóng này làm cho lớp vỏ bên trên bị giãn nở và trồi lên, dẫn đến sự kéo giãn và nứt vỡ của lớp đá giòn. Điều này sau đó dẫn đến hoạt động núi lửa đáng kể, gồm cả sự hình thành của Kilimanjaro, ngọn núi cao nhất ở châu Phi.
Nếu châu Phi bị chia đôi
Nếu châu Phi thực sự bị chia cắt, sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về việc nó sẽ xảy ra như thế nào. Một kịch bản là phần lớn mảng kiến tạo Somali tách khỏi phần còn lại của lục địa châu Phi, với một eo biển hình thành giữa chúng. Ebinger cho biết vùng đất mới này sẽ bao gồm lãnh thổ của các quốc gia Somalia, Eritrea, Djibouti, Kenya, Tanzania, Mozambique và phần phía đông của Ethiopia. Hoặc một kịch bản khác chỉ có phía đông Tanzania và Mozambique được tách ra.
Ebinger cho biết nếu lục địa châu Phi bị đứt gãy thì "khe nứt ở Ethiopia và Kenya có thể tách ra để tạo ra mảng Somali trong vòng 1 triệu đến 5 triệu năm tới".
Tuy nhiên, châu Phi có thể không chia đôi. Ebinger cho biết, các lực địa chất thúc đẩy sự rạn nứt có thể quá chậm để tách rời các mảng kiến tạo Somalia và Nubian. Một ví dụ đáng chú ý về vết nứt không tách lục địa thành công là Khe nứt Keweenawan, uốn lượn khoảng 3.000 km qua Thượng Trung Tây của lục địa Bắc Mỹ. Ebinger nói thêm: "Các rạn nứt thất bại (tách lục địa) có khắp ở các lục địa trên toàn thế giới".
Theo Hiệp hội Địa chất London, nhánh phía đông của Vết nứt Đông Phi là một vết nứt không thành công. Tuy nhiên, nhánh phía Tây vẫn hoạt động.
Macdonald nhận định: “Điều chúng ta không biết là liệu sự rạn nứt này có tiếp tục với tốc độ hiện tại để cuối cùng mở ra một vùng biển, như Biển Đỏ, rồi sau đó là một thứ gì đó lớn hơn nhiều, như một phiên bản nhỏ của Đại Tây Dương hay không?".
Năm 1912, Alfred Wegener đã nhận thấy rằng hình dáng của các lục địa ở hai bên bờ của Đại Tây Dương có thể được xếp khít vào nhau (ví dụ Châu Phi và Nam Mỹ). Sau đó, Benjamin Franklin cũng có nhận xét tương tự. Sự tương đồng giữa các cấu trúc địa lý và hóa thạch ở các lục địa làm cho các nhà địa chất, vào năm 1900, cho rằng các lục địa đã từng xuất phát từ một "siêu lục địa" với tên gọi là Pangaea.
Ban đầu, giả thuyết đó không được chấp nhận rộng rãi vì người ta không hiểu tại sao các lục địa lại có thể trôi dạt ra xa nhau. Cho đến tận thập niên 1950 nó mới được chấp nhận ở châu Âu và phải đến thập niên 1960 nó mới được chấp nhận ở Bắc Mỹ. Giả thuyết trôi dạt lục địa trở thành một bộ phận của một lý thuyết lớn hơn là lý thuyết kiến tạo mảng.