Châu Phi thành lập cơ quan vũ trụ đầu tiên với nhiều kỳ vọng mới

Châu Phi đã thành lập cơ quan vũ trụ đầu tiên của lục địa này nhằm thúc đẩy hoạt động quan sát Trái Đất và chia sẻ thông tin dữ liệu về khí hậu và thời tiết.

Cơ quan Vũ trụ Châu Phi tại Cairo. Ảnh: Getty Images

Cơ quan Vũ trụ Châu Phi tại Cairo. Ảnh: Getty Images

Theo trang tin Bloomberg ngày 20/5, Cơ quan Vũ trụ châu Phi đã chính thức đi vào hoạt động vào tháng trước dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Phi và có trụ sở chính tại Cairo (Ai Cập). Tổ chức này hiện vẫn đang trong quá trình thành lập và tuyển dụng nhân sự vào các vị trí chủ chốt. Tổ chức mới sẽ có vai trò điều phối các chương trình vũ trụ hiện có của các quốc gia và hoạt động với mục tiêu cải thiện cơ sở hạ tầng vũ trụ của châu Phi thông qua việc phóng vệ tinh, thiết lập các trạm thời tiết và đảm bảo dữ liệu có thể được chia sẻ trên khắp châu lục và phạm vi xa hơn nữa.

"Các hoạt động không gian trên lục địa này diễn ra rất rời rạc", ông Meshack Kinyua, một kỹ sư không gian và chuyên gia kỳ cựu về chính sách không gian của châu Phi, hiện đang phụ trách việc phát triển nhân lực, năng lực tại cơ quan này, cho biết. Ông nói: "Cơ quan Vũ trụ châu Phi mang đến một cơ chế phối hợp và lợi thế kinh tế về quy mô. Cơ quan này đặt tất cả các thành viên của Liên minh châu Phi ở vị thế bình đẳng về mặt thu thập dữ liệu mà họ có thể truy cập theo nhu cầu của mình".

Châu Phi được đánh giá là lục địa nghèo nhất trên thế giới và người dân ở đây nằm trong những nhóm dễ bị tổn thương nhất trước các hiện kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra. Trong khi đó, châu Phi lại là nơi đóng góp rất ít vào tình trạng ấm lên của Trái đất với các nước phát triển. Việc thiếu dữ liệu có chất lượng cao về thời tiết và khí hậu đã khiến chính phủ các nước trong khu vực khó có thể cảnh báo tốt cho người dân trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sắp xảy đến. Điều này cũng khiến các nhà khoa học không thể dự đoán chính xác các xu hướng dài hạn do dữ liệu trong các mô hình dự báo thiếu chi tiết.

Theo ông Kinyua, việc thành lập Cơ quan Vũ trụ châu Phi là một bước tiến nhằm thay đổi những điều đó. Ông cho biết thêm, cơ quan này cũng hướng đến mở rộng quy mô một số sáng kiến đang được triển khai thành công trên khắp lục địa, bao gồm các hệ thống cảnh báo sớm dành cho ngư dân ở khu vực Tây Phi và lưu vực sông Congo.

Ý tưởng thành lập cơ quan này đã có từ lâu, nhưng điều này đã diễn ra ngay sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), một trong những nhà tài trợ quan trọng cho nhiều chương trình khác nhau tại châu Phi. Với động thái trên, chính quyền Mỹ đã hủy bỏ khoảng 80% các dự án của USAID, trong số đó có cả SERVIR - một sáng kiến hợp tác giữa USAID, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và các tổ chức không gian tại các nước đang phát triển nhằm giúp quản lý biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và thiên tai.

Ông Kinyua cho biết: "Chúng ta cần đảm bảo rằng các vệ tinh của châu Phi có thể cải thiện các phép đo và lấp đầy các khoảng trống dữ liệu. Những khoảng trống này sẽ luôn tồn tại và chúng ta cần tự mình lấp đầy một số khoảng trống đó, đồng thời hợp tác với các cơ quan khác".

Cơ quan này của châu Phi đã hợp tác với Cơ quan Vũ trụ châu Âu trong đào tạo các chuyên gia và chia sẻ kiến thức trong xử lý dữ liệu cũng như chế tạo vệ tinh. Bên cạnh đó, các nước tại châu Phi cũng có thể học hỏi mô hình tại châu Âu trong việc cùng nhau chia sẻ chi phí phóng vệ tinh và chia sẻ dữ liệu thu thập được từ các vệ tinh được phóng lên quỹ đạo.

Tại châu Âu, các cơ quan vũ trụ quốc gia đã cùng chia sẻ khoản chi phí phóng vệ tinh quan sát Trái đất – con số này có thể lên tới 800 triệu euro, theo trao đổi từ ông Benjamin Koetz, người đứng đầu bộ phận hành động dài hạn tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu. Sau đó, các quốc gia nay cũng chia sẻ thông tin thu thập được từ các vệ tinh. "Không phải quốc gia nào cũng cần đầu tư và chế tạo cùng một loại vệ tinh", ông Koetz nhấn mạnh.

Ai Cập là quốc gia đầu tiên tại châu Phi phóng vệ tinh vào năm 1998. Kể từ đó, hơn 20 quốc gia châu Phi khác cũng đã thành lập các cơ quan vũ trụ riêng. 18 trong số các quốc gia này đã phóng tổng cộng 63 vệ tinh. Liên minh châu Phi sẽ tài trợ cho Cơ quan Vũ trụ châu Phi theo từng dự án cụ thể.

Ông Kinyua cho biết: "Việc tìm kiếm nguồn tài chính là một thách thức, bởi chúng tôi có quá nhiều việc cần làm và nguồn lực của chúng tôi còn hạn chế. Nhưng chúng tôi phải thực hiện từng bước nhỏ trước khi bắt đầu chạy".

Phó giáo sư Danielle Wood, người chỉ đạo Nhóm nghiên cứu về không gian tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho biết rằng những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực không gian của châu Phi - bao gồm Nigeria, Ai Cập và Nam Phi - đã mất nhiều thời gian để thành lập các cơ quan và bắt đầu hoạt động vì họ bắt đầu từ con số 0.

Bà nói: "Giờ đây, sẽ không mất nhiều thời gian như vậy khi nhiều quốc gia châu Phi đã có kinh nghiệm về không gian, và hy vọng kết quả tốt nhất là các quốc gia mới có thể học hỏi từ các ví dụ sẵn có và phối hợp để tiến nhanh hơn. Những bên khác như Mỹ và châu Âu sẽ có chương trình nghị sự riêng. Cơ quan Vũ trụ châu Phi sẽ tập trung vào châu Phi, vì vậy sẽ giúp ích cho mọi quốc gia ở châu Phi".

Minh Hưởng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chau-phi-thanh-lap-co-quan-vu-tru-dau-tien-voi-nhieu-ky-vong-moi-20250520162028254.htm