Châu Phi trong chính sách của các nước lớn năm 2023
Cuộc cạnh ảnh hưởng của các cường quốc ở châu Phi cũng là cơ hội quan trọng để các nước ở lục địa này xây dựng quan hệ đối tác đa dạng và cân bằng với các nước lớn mà không đứng về một bên hoặc thay thế quan hệ đối tác với một cường quốc bằng các cường quốc khác.
Châu Phi nhận được những gì?
Châu Phi đã trở thành một sân khấu lớn của thế giới. Các cường quốc đang cố gắng thiết lập vai trò và ảnh hưởng ở châu lục này. Nhưng các quy tắc của trò chơi dường như đã thay đổi đáng kể trong thời gian qua. Nếu như Nga chú trọng an ninh và kinh tế, thì Trung Quốc lại mở rộng ảnh hường với các chính sách mềm mỏng thông qua đầu tư kinh tế còn Mỹ gần đây chuyển bước quan trọng trong chính sách với châu Phi từ sự thờ ơ, khác biệt và vắng mặt sang hiện diện và khôi phục quan hệ với các nước châu Phi.
Trung Quốc và Nga từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng về chính trị, quân sự và kinh tế của châu Phi và cả hai tiếp tục nắm bắt cơ hội để mở rộng ảnh hưởng của mình trên khắp lục địa. Sự xâm nhập của ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng an ninh của Nga vào lục địa châu Phi đã trở thành mối lo ngại ngày càng tăng đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ.
Trung Quốc đã tổ chức Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi tại Bắc Kinh 3 năm một lần kể từ năm 2000, đây được coi là một cách quan trọng để thúc đẩy các lợi ích ngoại giao và thương mại của Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và là nhà đầu tư nổi bật trong các dự án khai thác và cơ sở hạ tầng. Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đạt hơn 254 tỷ USD vào năm 2021, tăng 35,3% so với năm trước. Trong khi khối lượng thương mại giữa Mỹ và châu Phi chỉ đạt hơn 64 tỷ đô la trong năm 2021. Trung Quốc cũng đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên cung cấp viện trợ phát triển khổng lồ cho lục địa châu Phi, đồng thời cho vay đến lớn, điều này làm dấy lên một số lo ngại về việc tạo cho Trung Quốc một lợi thế quan trọng trong đàm phán các thỏa thuận lớn. Trung Quốc ưu tiên giành được những dự án khổng lồ như mỏ sắt và vật liệu chính khác.
Ngoại trưởng Trung Quốc vừa có chuyến thăm khu vực châu Phi đầu năm 2023 này thì vài ngày sau đó Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng có chuyến thăm tới khu vực. Cả hai chuyến thăm cho thấy một sự khởi đầu mới và hành động của cả Mỹ và Trung Quốc sau các cam kết và lời hứa trước đó. Nếu chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc là nhằm đánh giá lại chính sách và quan hệ của mình với các đồng minh trước sự cạnh tranh của Nga và Mỹ thì chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ là sự khởi đầu của các cam kết, hành động sau hội nghị thượng đỉnh hồi cuối năm 2022 vừa qua. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ châu Phi hồi cuối năm 2022 đánh dấu sự trở lại khu vực đen của Mỹ với các chính sách mới, cùng các cam kết, trong đó nổi bật là Mỹ cam kết cung cấp 55 tỷ USD viện trợ cho các nước châu Phi trong 3 năm tới, cũng như phân bổ 2,5 tỷ đô la để tăng cường an ninh lương thực và giúp đỡ các quốc gia ở châu Phi khắc phục hạn hán, khan hiếm mưa và nguy cơ nạn đói, phân bổ nửa tỷ đô la cho các nước châu Phi để đối mặt với biến đổi khí hậu và chuyển sang năng lượng sạch. Tổng thống Biden nói rằng Mỹ sẽ trở thành đồng minh lớn của các nước châu Phi trong những năm tới và coi thành công của châu Phi là một phần thành công của Mỹ và thế giới. Ông hứa sẽ ký một biên bản ghi nhớ lịch sử về thương mại tự do với châu Phi.
Nếu như trước đây Mỹ chỉ chú trọng vào an ninh, khủng bố và mua bán vũ khí với một số quốc gia châu Phi thì Trung Quốc đã mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư với tất cả 53 quốc gia ở châu lục này. Năm 2018, Trung Quốc cũng đã tổ chức hội nghị Trung Quốc Châu Phi, và đã tuyên bố sẽ cung cấp khoản tài chính với tổng trị giá 60 tỷ đô la cho các quốc gia châu phi .Tài chính sẽ được cung cấp dưới hình thức viện trợ của chính phủ, đầu tư và tài trợ bởi các tổ chức tài chính và công ty. Trung Quốc theo đuổi chính sách xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-Châu Phi với một tương lai chung có trách nhiệm, hợp tác cùng có lợi, tận hưởng sự thịnh vượng về văn hóa và đảm bảo an ninh.
Nga cũng hợp tác với khu vực này khi 3 năm tổ chức hội nghị thượng đỉnh một lần và ra tuyên bố chung hợp tác về an ninh, kinh tế, môi trường. Nga tiếp cận càng nhiều quốc gia châu Phi càng tốt và xây dựng dựa trên khẩu hiệu “Vì Hòa bình, An ninh và Phát triển”, đồng thời dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi lần thứ hai vào giữa năm sau 2023. Nga đã mở rộng sự hiện diện của mình ở châu Phi, tập trung chung vào việc bán vũ khí và huấn luyện quân sự thông qua các công ty bán quân sự của Nga, bên cạnh việc chia sẻ thông tin tình báo và tiếp cận khoáng sản, đặc biệt là uranium và bạch kim. Nga cũng đã trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của châu Phi và hướng tới xây dựng ảnh hưởng rộng rãi thông qua quan hệ đối tác an ninh.
Chính sách của các nước lớn
Châu Phi vẫn luôn là nơi cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc. Tuy nhiên, sự cạnh tranh đó có những thay đổi do chính sách của các nước lớn và những tác động về địa chính trị toàn cầu. Mối quan hệ hợp tác và cởi mở của Mỹ đối với châu Phi được áp đặt bởi những cân nhắc về chính trị và kinh tế, khi Mỹ tìm cách đạt được sự phục hồi kinh tế sau các cuộc khủng hoảng toàn cầu và đại dịch bằng cách thiết lập quan hệ đối tác kinh tế với châu Phi, lục địa giàu tài nguyên, nguồn nhân lực lớn và có tốc độ phát triển nhanh. Sự hiện diện và lan rộng của Trung Quốc ở châu Phi ở cấp độ kinh tế và thương mại cũng kích thích và thúc đẩy Mỹ thay đổi chính sách thờ ơ mà họ đã theo đuổi trong những năm qua, đặc biệt là sau sự kiện khủng bố 11/9/2001 mà Mỹ chỉ tập trung vào về các khía cạnh an ninh và quân sự và cuộc chiến chống khủng bố.
Về chính trị, Trung Quốc tìm cách lấp đầy và đã thành công bằng cách thiết lập các dự án khổng lồ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, cảng, sân bay, bệnh viện, đường xá, v.v., là những dự án có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân châu Phi. Trái ngược với lợi ích của Mỹ trong lĩnh vực y tế, dịch bệnh và giáo dục, được đặc trưng bởi lợi ích gián tiếp của họ trong thời gian dài là sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Châu Phi. Tuy nhiên, có thể nói Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc cân bằng sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc tại lục địa đen. Các khoản viện trợ và sáng kiến của Mỹ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh chỉ giới hạn ở 54 quốc gia châu Phi. Nước Mỹ cũng chủ yếu dựa vào khu vực tư nhân trong đầu tư nước ngoài, điều này đòi hỏi chính quyền Mỹ phải rất nỗ lực thuyết phục các công ty khổng lồ và các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đầu tư vào châu Phi tương tự như những gì đã xảy ra ở châu Á, điều này có vẻ khó khăn với những mâu thuẫn, xung đột vẫn tiếp diễn ở các nước châu Phi, đặc biệt là châu Phi cận Sahara, không giống như Trung Quốc, nơi nước này trực tiếp hướng các khoản đầu tư khổng lồ của mình ra nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vốn cũng là những dự án mà các công ty Mỹ khó tham gia.
Ngoài ra, châu Phi không cần sự phân bổ viện trợ của Mỹ nhiều như châu Phi cần sự hỗ trợ của Mỹ trong việc đạt được sự trao quyền và phát triển kinh tế cũng như việc sử dụng các nguồn lực của châu Phi. Ngoài ra còn có thách thức liên quan đến việc Mỹ áp đặt điều kiện chính trị đối với viện trợ kinh tế cho các nước châu Phi và gắn nó với các vấn đề nhân quyền, cải cách chính trị và dân chủ như một quân bài gây sức ép, bề ngoài nhân từ, bên trong can thiệp vào công việc các quốc gia dẫn đến sự leo thang của mối đe dọa khủng bố và sự lan rộng của các cuộc nội chiến đã cản trở Châu Phi đạt được sự phát triển. Trong khi đó, Trung Quốc không áp đặt bất kỳ điều kiện nào đối với viện trợ hoặc đầu tư vào châu Phi, cũng như không can thiệp trong công việc của các nước châu Phi.
Quan điểm của các quốc gia châu Phi
Cuộc cạnh ảnh hưởng của các cường quốc ở châu Phi là cơ hội quan trọng để các nước ở lục địa này xây dựng quan hệ đối tác đa dạng và cân bằng với các nước lớn mà không đứng về một bên hoặc thay thế quan hệ đối tác với một cường quốc bằng các cường quốc khác. Các quốc gia châu Phi luôn ưu tiên hợp tác đầu từ và phát triển, cũng hợp tác để giải quyết những thách thức về an ninh, khủng bố, an ninh lương thực và khí hậu. Do đó, châu Phi luôn sẵn sàng hợp tác đa phương cùng có lợi và tránh bị phụ thuộc vào một cường quốc hoặc một trục.
Các quốc gia châu Phi sẽ tiếp tục theo đuổi các sáng kiến đổi mới và cải cách kinh tế để giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội. Thông qua các chính sách kinh tế mới và cải cách chính phủ, châu Phi có thể xây dựng lại nền tảng của mối quan hệ giữa quyền lực cầm quyền, cộng đồng bộ lạc và các nhà lãnh đạo địa phương để giảm bớt xung đột và bạo lực. Khu vực này sẽ hợp tác và hợp nhất tất cả các quốc gia của lục địa thành một thị trường duy nhất bao gồm 1,2 tỷ người và tổng sản phẩm quốc nội trị giá 3.400 tỷ USD.
Tất cả các quốc gia ngoại trừ Eritrea đã ký các văn bản pháp lý của thỏa thuận. Khi hiệp định có hiệu lực, châu Phi sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới được thành lập vào năm 1995. Với tầm nhìn địa chính trị toàn diện hơn, điều này có thể mang lại những thay đổi đáng kể trong cấu trúc của hệ thống quốc tế. Điều này có thể đẩy Mỹ và Liên minh châu Âu rút lui để ủng hộ các cường quốc mới nổi, dẫn đầu là Trung Quốc và Nga./.