Châu Sơn: Phát triển kinh tế từ trồng keoTin khácSáng mãi truyền thống 'uống nước nhớ nguồn'Nghị quyết 68: Kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp và người lao động

Châu Sơn là một trong những xã trọng điểm trồng keo trên địa bàn huyện Đình Lập. Trong những năm qua, cây keo đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ năm 2004, cây keo được người dân xã Châu Sơn đưa từ tỉnh Quảng Ninh về trồng thử nghiệm, nhờ điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp nên cây keo phát triển rất nhanh. Ban đầu chỉ có vài hộ trồng keo, đến nay đã có hơn 400 hộ trồng keo, chiếm 99% tổng số hộ dân trên địa bàn xã. Cây keo được trồng nhiều tại các thôn: Khe Cù, Thống Nhất, Háng Ý, Nà Nát, Khe Pặn Giữa, Khe Pặn Ngọn…

Ông Ôn Văn Ninh, thôn Khe Cù, xã Châu Sơn cho biết: Cây keo được gia đình trồng từ những năm 2004 với diện tích 10 ha. Cứ 5 năm, rừng keo lại cho khai thác, sau khi trừ chi phí, trung bình mỗi năm, rừng keo đem lại nguồn thu 70 triệu đồng. Thu nhập từ trồng keo đã giúp gia đình thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa và dần ổn định cuộc sống.

Người dân Châu Sơn chăm sóc keo

Người dân Châu Sơn chăm sóc keo

Không chỉ gia đình ông Ninh, những năm qua, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng keo mang lại, người dân xã Châu Sơn đã tích cực mở rộng diện tích cây keo. Từ trồng keo, đời sống của đại bộ phần người dân xã Châu Sơn đã được cải thiện rõ rệt. Hộ trồng ít cũng đạt thu nhập 30 triệu đồng một năm, hộ trồng nhiều đạt thu nhập 400 triệu đồng một năm.

Cây keo có đặc tính sinh trưởng và phát triển nhanh, chi phí trồng và chăm sóc thấp, nên hầu hết các hộ dân đều có thể trồng keo để phát triển kinh tế. Mỗi héc -ta, người dân đầu tư từ 15 đến 20 triệu đồng cho chi phí trồng và chăm sóc, sau 5 đến 7 năm, rừng keo đã có thể khai thác. Cây keo từ 5 năm cho thu nhập 40 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí, cây từ 6 năm cho thu nhập 60 triệu đồng/ha và cây trên 7 năm cho thu nhập đến 80 triệu đồng/ha.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm, người dân đều mở rộng diện tích trồng keo. Hằng năm, xã đều trồng rừng đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Năm 2020, toàn xã trồng được 145 ha, vượt chỉ tiêu 95 ha, riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn xã đã trồng mới 143 ha, vượt chỉ tiêu 63 ha. Để giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây trồng này, hằng năm, UBND xã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập và Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện mở 1 hoặc 2 lớp tập huấn hướng dẫn người dân trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc và phòng, chống sâu, bệnh hại trên cây keo. Vì vậy, rừng keo trên địa bàn luôn phát triển tốt. Đồng thời, UBND xã giúp đỡ người dân liên hệ với các cơ sở chế biến gỗ keo, ngăn chặn thương lái ép giá.

Ông Hoàng Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Châu Sơn cho biết: Xác định keo chính là cây trồng thế mạnh của xã, thời gian qua, cấp ủy chính quyền xã đã chỉ đạo các ban, đoàn thể, các thôn, bản đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng keo. Đến nay, toàn đã có hơn 1.300 ha keo. Trong những năm qua, keo là cây trồng giúp giảm nghèo ở xã. Nếu như năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã là 41,2 % thì đến năm 2020 chỉ còn 26,4%, tỉ lệ hộ cận nghèo giảm từ 34,8 % (năm 2016) xuống còn 14,2 % (năm 2020). Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14,7 triệu đồng (năm 2016) lên 32,37 triệu đồng (năm 2020).

Những rừng keo xanh ngát đã và đang mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây. Đất rừng trên địa bàn xã còn nhiều, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Châu Sơn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của xã để mở rộng diện tích trồng keo, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

ĐẠI NGỌC

THANH HUYỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/nong-nghiep/437925-chau-son-phat-trien-kinh-te-tu-trong-keo.html