Châu Thành cần được đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông
Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, một trong những nhiệm vụ được Đảng bộ huyện Châu Thành đề ra trong phương hướng, mục tiêu đến năm 2025 là phấn đấu đưa huyện trở thành huyện biên giới nông thôn mới. Nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ huyện ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2020-2025 là: Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị.
Từng bước thay đổi diện mạo huyện nghèo
Theo đó, huyện triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, quan tâm phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn; tập trung đẩy mạnh phát triển sản suất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở khai thác hiệu quả dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; phát triển hàng hóa, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm; thúc đẩy phát triển một số vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả, rau ăn lá, chăn nuôi tập trung chất lượng cao…
Huyện sẽ phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư phát triển công nghiệp-thương mại, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo ưu thế về nông sản có giá trị kinh tế cao; đầu tư phát triển hạ tầng thương mại biên giới, nhất là tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu Phước Tân, kêu gọi đầu tư công trình bãi xe và kho bãi tập kết hàng hóa (bãi sang hàng) để trao đổi hàng hóa biên giới tại cửa khẩu chính; mở rộng 2 cụm công nghiệp Ninh Điền và Hòa Hội; tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư, ưu tiên cho các ngành có hàm lượng công nghệ cao, chế biến nông sản, sản xuất sản phẩm tinh chế.
Huyện cũng đặt mục tiêu phát triển khu vực dịch vụ tiềm năng như thương mại, vận tải, tín dụng, ngân hàng; kêu gọi đầu tư xây dựng các chợ Thái Bình, Thanh Điền, Ninh Điền, Biên Giới và một số chợ xã; nâng cao chất lượng hoạt động các chợ biên giới, phát triển giao thương biên mậu; tăng cường quảng bá, kêu gọi nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái rừng Hòa Hội, gắn với khai thác hiệu quả và bảo tồn tài nguyên rừng, kết hợp với các điểm dừng chân du lịch trên tuyến sông Vàm Cỏ Đông…
Lấy giao thông làm "đòn bẩy" phát triển kinh tế, xã hội
Theo UBND huyện, mạng lưới giao thông đường bộ trên toàn địa bàn có tổng chiều dài khoảng 568 km. Về đường thủy, huyện có hơn 55km đường sông và 59 tuyến kênh, rạch.
Trong hơn 5 năm gần đây, việc đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện có chuyển biến vượt bậc. Nhiều công trình, dự án mang tính đột phá, chiến lược được tập trung đầu tư như xây mới 5 cây cầu, trong đó có 2 cầu qua sông Vàm Cỏ Đông. Huyện cũng được đầu tư xây dựng và nâng cấp hàng chục tuyến đường gồm, dài hàng trăm cây số, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế- xã hội, kết nối liên thông giữa các vùng sản xuất hàng hóa trong và ngoài huyện, thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển thương mại. Hạ tầng giao thông khởi sắc còn góp phần đô thị hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển, đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển của Nhân dân. Từ đó, bộ mặt của huyện có nhiều thay đổi, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị - nông thôn và khoảng cách với các địa phương khác trong tỉnh.
Tuy vậy, đến năm 2022, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện Châu Thành vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư đồng bộ. Huyện có nhu cầu đầu tư mới và nâng cấp các công trình, dự án giao thông quan trọng và cấp thiết như: Đường Trưng Nữ Vương nối dài (từ quốc lộ 22B đến đường tỉnh 781), dự kiến chiều dài khoảng 6km, nền đường rộng 12m, tổng mức đầu tư dự kiến 160 tỷ đồng. Kế đến là đường và cầu qua sông Vàm Cỏ Đông (từ Bến Trường đi Hòa Hội, đầu tư cầu tại Bến Trường). Đường và cầu qua sông Vàm Cỏ (nối liền 2 xã Ninh Điền - An Bình, đầu tư cầu tại bến Gò Nổi). Nâng cấp, mở rộng nhiều công trình giao thông khác, trong đó có nhu cầu xây mới cầu Hòa Bình (nằm trên Đường huyện 7, ranh giữa hai xã Hòa Hội - Hòa Thạnh); xây mới cầu Nàng Dình (nằm trên Đường huyện 7, ranh giữa hai xã Hòa Thạnh - Biên Giới)...
"Nếu phải liệt kê các công trình, dự án cần đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện hiện nay thì đó là một danh mục khá dài và cần rất nhiều kinh phí. Do đặc thù địa hình tự nhiên nên hệ thống đường giao thông của huyện cũng có những điểm riêng, nhiều khó khăn hơn so với các địa phương khác do bị chia cắt giữa 2 bờ sông Vàm Cỏ Đông. Tuy nhiên, huyện cố gắng nỗ lực hết khả năng có thể để cùng các cấp, các ngành sớm đẩy nhanh tốc độ đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn" - một cán bộ huyện Châu Thành chia sẻ.
Về giao thông đường thủy (bến cảng thủy nội địa), Châu Thành định hướng phát triển 11 bến cảng tại các khu vực sau: Cảng Gò Chai (đường xuống Trường cấp 2 xã Long Vĩnh); cảng Ninh Điền (cặp cây xăng xã Ninh Điền cũ); cảng Trà Sim xã Ninh Điền; cảng An Bình; cảng Thanh Điền (bến đò cũ); cảng khu vực rạch Tây Ninh thuộc ấp Thanh Trung xã Thanh Điền (phía sau Khu công nghiệp Thanh Điền); cảng Trí Bình (khu vực công ty phân vi sinh); cảng khu vực nhà làm việc Trạm Kiểm Lâm thuộc xã Trí Bình; cảng khu vực cầu Cây Ổi xã Hòa Thạnh; cảng cây Phước Vinh (khu vực cầu Cây Ổi); cảng Băng Dung.
Về vận tải khách, lãnh đạo UBND huyện Châu Thành cho biết, trong thời gian tới, huyện cần bổ sung và đầu tư 2 bến xe khách tại khu vực cửa khẩu Phước Tân thuộc xã Thành Long và khu vực cửa khẩu Vàm Trảng Trâu thuộc xã Biên Giới.
Trước mắt, Châu Thành kiến nghị các cấp, ngành có liên quan sớm quan tâm đầu tư cho huyện một số công trình cần kíp như: Đường Trưng Nữ Vương nối dài; đường và cầu qua sông Vàm Cỏ nối liền 2 xã Ninh Điền - An Bình; đường và cầu qua sông Vàm Cỏ từ Bến Trường đi Hòa Hội; đường và cầu qua sông Vàm Cỏ từ Phước Vinh đi Biên Giới...