Khu kinh tế Thái Bình - điểm đến mới đầy tiềm năng
Trong hành trình trở thành địa phương phát triển của khu vực Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Thái Bình đã gỡ vướng nhiều điểm nghẽn, nút thắt trong xây dựng khu kinh tế, qua đó thu hút dòng vốn đầu tư, tạo ra các đột phá phát triển.
Những bước chuyển mạnh mẽ
Là 1 tỉnh thuần nông, kinh tế manh mún, hạ tầng giao thông hạn hẹp, không có nhiều lợi thế cạnh tranh về ưu thế phát triển công nghiệp, nhưng Thái Bình đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Với tâm thế “dọn ổ đón đại bàng tới đầu tư”, tỉnh nỗ lực xây dựng các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) lớn nhất từ trước tới nay. Đồng thời, nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng được đầu tư để phục vụ phát triển KCN.
Từ khu công nghiệp đầu tiên được thành lập cuối năm 2002, sau hơn 20 năm, bức tranh tổng thể các khu công nghiệp đã có sự thay đổi vượt bậc. Thái Bình hôm nay đã sánh vai cùng TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang trở thành 5 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước, với số vốn thu hút gần 3 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn Khu kinh tế và các khu công nghiệp của tỉnh Thái Bình đã có 56 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là gần 7.800 tỷ đồng. Trong đó có 20 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư gần 6.000 tỷ đồng; 18 dự án điều chỉnh về vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư tăng thêm trên 1.800 tỷ đồng. Riêng nguồn vốn FDI đầu tư vào Khu Kinh tế và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm nay có tổng vốn đầu tư trên 208 triệu USD.
Năm 2017 là dấu mốc quan trọng với Thái Bình, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập KKT Thái Bình. Theo quy hoạch, KKT Thái Bình gồm 22 KCN với tổng diện tích 8.020ha; Khu cảng biển Thái Bình rộng 500ha; Trung tâm điện lực Thái Bình 853ha; Khu du lịch, dịch vụ 3.110ha; các khu nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản 4.715ha và 3.000ha đô thị. KKT có vị trí địa lý thuận lợi, cách sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) khoảng 35km, cách cảng biển quốc tế Lạch Huyện khoảng 50km...
Từ dấu mốc đó, Thái Bình đã huy động tối đa nguồn lực để cả hệ thống chính trị bắt tay vào triển khai xây dựng KKT. Những năm qua, KKT Thái Bình đã phát triển mạnh mẽ, được các doanh nghiệp đã và đang đầu tư tại Thái Bình đánh giá cao bởi sự đổi mới nhanh chóng, bắt kịp với xu hướng thời đại. Và Thái Bình đã trở thành địa chỉ tin cậy được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 1 KKT, 10 KCN và 49 cụm công nghiệp đã được thành lập. Đáng chú ý, KCN Liên Hà Thái quy mô hơn 588ha trong KKT Thái Bình đã trở thành đầu tàu, hình mẫu về đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hiệu quả trong thu hút đầu tư với hàng chục dự án lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu thế giới.
5 năm trở lại đây, Thái Bình đã tập trung đầu tư vào nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng: tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường kết nối KCN Liên Hà Thái đi cầu sông Hóa, tuyến đường cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng (CT.08), tuyến đường từ thành phố Thái Bình đi Cồn Vành... và các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong KKT. Những tuyến đường mới được đầu tư đồng bộ, kết nối không chỉ mang lại diện mạo mới, hiện đại mà còn tác động tích cực đến việc thu hút các nhà đầu tư vào KKT Thái Bình...
Điểm đến mới đầy tiềm năng
Những năm gần đây, Thái Bình trở thành điểm đến mới đầy tiềm năng, là địa chỉ tin cậy được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện dự án trên địa bàn. Sức hút của Thái Bình, trước hết là ở sự đồng hành, lắng nghe, giải quyết kịp thời những khó khăn, đề xuất củadoanh nghiệp, với phương châm coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh. Doanh nghiệp đến với tỉnh Thái Bình sẽ luôn được tạo điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình từ nghiên cứu, khảo sát và triển khai thực hiện dự án. Thêm vào đó, Thái Bình có lợi thế về vị trí địa lý và hệ thống giao thông hiện đại đang từng bước hoàn thiện, kết nối với các tỉnh trong vùng Đồng bằng Bắc Bộ và tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.
Hiện nay, Thái Bình đang tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Hưng Yên để định hình tuyến đường mới mang tính huyết mạch nối từ Thái Bình về Hà Nội, còn gọi là tuyến đường xuyên tâm từ Hà Nội về Thái Bình, để rút ngắn khoảng cách về địa lý, thời gian tới Thủ đô.
Bên cạnh đó, Thái Bình cũng xác định chuyển từ “lượng” sang “chất” theo định hướng thu hút vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững, có chiều sâu. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung thu hút các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng mà tỉnh có lợi thế như: công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, hóa chất, chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, điện khí, điện gió và điện tử theo đúng quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư mới có quy mô lớn, giá trị công nghệ cao. Qua đó, từng bước thay đổi mục tiêu từ thu hút các dự án đầu tư lắp ráp, gia công, sử dụng nhiều lao động sang thu hút các dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao cũng như phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ./.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/khu-kinh-te-thai-binh-diem-den-moi-day-tiem-nang-36115.html