Châu Thành tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Năm 2020, huyện Châu Thành đã tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới (NTM). Với nhiệm vụ cụ thể, giải pháp tập trung, quyết liệt, ngành nông nghiệp huyện Châu Thành đã đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Đoàn Đức Dịnh cho biết, năm 2020 là một năm đầy thử thách đối với ngành nông nghiệp, khi phải đối mặt với những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, dịch bệnh, biến động thị trường… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện, ngành nông nghiệp đã nỗ lực triển khai khá hiệu quả công tác cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của huyện.

Giá trị sản xuất (GO) hiện hành lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 đạt trên 6.772 tỷ đồng (đạt 110,13% so với cùng kỳ). Tổng diện tích gieo trồng năm 2020 đạt trên 81.648ha; tổng sản lượng lúa đạt gần 522.000 tấn. Diện tích sản xuất lúa áp dụng chương trình xã hội hóa sản xuất giống lúa đạt 8,47%, chương trình “3 giảm, 3 tăng” đạt 96,48%, chương trình “1 phải, 5 giảm” đạt 62,71% diện tích xuống giống. Diện tích sản xuất lúa theo mô hình “Cánh đồng lớn” trên 4.376ha. Huyện có 1 sản phẩm “Gạo thơm Ngọc Nhân” được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao…

Thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Châu Thành đã quy hoạch và triển khai thực hiện các vùng và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực, như: lúa - gạo, xã hội hóa giống lúa, chăn nuôi, thủy sản, rau màu, nấm dược liệu, hoa - cây kiểng, cây ăn trái… Năm 2020, huyện thực hiện 12 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, với tổng kinh phí 600 triệu đồng (từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện).

Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả

Ngoài ra, huyện đang triển khai thực hiện 3 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ xây dựng NTM (từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh), gồm: đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời phục vụ trang trại chăn nuôi và trồng cây ăn trái ứng dụng công nghệ sinh học tại xã Bình Hòa; liên kết ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời cho cây na Hoàng Hậu tại xã Vĩnh Hanh; ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng điện thoại thông minh (smartphone) kết hợp pin năng lượng mặt trời cho cam, quýt ở điểm chưa có điện tại xã Vĩnh An, với tổng kinh phí trên 580 triệu đồng.

Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Thành từng bước xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, với từng vùng, từng địa phương và thích ứng biến đổi khí hậu. Đồng thời, khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp. Tổng diện tích trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng rau, màu và cây ăn trái đến cuối năm 2020 trên địa bàn huyện hơn 770ha (trong đó, gần 339ha rau, màu và trên 431ha cây ăn trái). Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã xuất hiện một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao được địa phương duy trì và nhân rộng. Qua đó, tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận những tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Cù Minh Trọng nhấn mạnh, thời gian tới, huyện tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM. Đồng thời, khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ, khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đặc biệt, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng NTM, cải thiện nhanh hơn đời sống của người nông dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển…

TRUNG HIẾU

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chau-thanh-tai-co-cau-nganh-nong-nghiep-a291852.html