Chạy đua tìm người sống sót sau vụ rơi máy bay ở Trung Quốc

Lực lượng cứu hộ đang đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, chạy đua cùng thời gian với hy vọng tìm thấy người sống sót trên chuyến bay gặp nạn ở khu vực miền núi phía nam Trung Quốc.

Ngày 22/3, các nhân viên tập trung làm công tác cứu hộ trong vụ tai nạn máy bay chở 132 người rơi xuống thung lũng núi hẻo lánh ở phía nam Trung Quốc hôm 21/3.

“Các mảnh vỡ của máy bay đã được tìm thấy tại hiện trường, nhưng cho đến nay, chưa tìm thấy bất cứ ai trong số những người trên máy bay bị mất liên lạc”, đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết vào sáng 22/3, hơn 18 giờ sau vụ tai nạn.

Hãng hàng không China Eastern Airlines, công ty vận hành chiếc Boeing 737-800, và chính phủ Trung Quốc đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Đây có thể coi là thảm họa hàng không lớn nhất của đất nước này trong hơn một thập niên.

Trung Quốc được đánh giá là quốc gia thuộc nhóm an toàn hàng không hàng đầu thế giới.

New York Times nhận định vụ tai nạn gây thêm một nỗi lo khác về sự an toàn của người dân đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông đang phải tìm cách kiểm soát đợt bùng dịch Covid-19 lớn nhất kể từ đầu năm 2020.

Đối với Boeing, vụ tai nạn có thể đổi mới quy trình giám sát, giống như sau hai vụ tai nạn trong những năm gần đây liên quan đến chiếc máy bay 737 Max.

Mới tìm thấy mảnh vụn máy bay

Chuyến bay MU-5735 cất cánh từ Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam phía tây nam, lúc 13h11, theo Flightradar24. Máy bay chở 132 người, bao gồm 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. Hãng hàng không xác nhận không có hành khách nước ngoài nào trên máy bay.

Theo dữ liệu chuyến bay, sau khi cất cánh, chiếc máy bay khoảng 7 năm tuổi này đang di chuyển ở độ cao gần 9.000 m thì bất ngờ bổ nhào xuống hơn 6.000 m chỉ trong hơn một phút.

 Đường đi của máy bay số hiệu MU5735 thuộc hãng China Eastern trước khi rơi ở phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: Flightradar.

Đường đi của máy bay số hiệu MU5735 thuộc hãng China Eastern trước khi rơi ở phía tây nam Trung Quốc. Ảnh: Flightradar.

Hơn hai phút sau, dữ liệu cho thấy máy bay ở độ cao hơn 2.700 m. Trong 20 giây tiếp theo, độ cao cuối cùng được ghi nhận là gần 1.000 m. Máy bay mất liên lạc với hệ thống giám sát tại vị trí phía tây nam thành phố Ngô Châu lúc 14h21.

Sau đó, một tiếng động lớn như tiếng sấm nổ vang dội qua thung lũng phủ đầy cây. Ở đây, người dân thường chỉ nghe những tiếng động lớn phát ra từ bầy côn trùng hoặc động cơ xe máy. Ban đầu, cư dân của huyện Đằng thuộc khu vực Quảng Tây cảm thấy bối rối trước vụ nổ.

 Mảnh vụn chuyến bay MU-5735 của China Eastern. Ảnh: AP.

Mảnh vụn chuyến bay MU-5735 của China Eastern. Ảnh: AP.

Những làn khói bay lơ lửng trên những khóm tre, khóm chuối. Những người nông dân đã tìm thấy một số mảnh vỡ vụn, có vẻ như từ cánh và thân máy bay, một số có in dòng chữ China Eastern. Dân làng bắt đầu tập trung lại để dập tắt một số đám cháy bùng phát trên các ngọn đồi.

Hàng trăm nhân viên cứu hộ đã được điều động. Tuy nhiên, họ chỉ thấy những mảnh vỡ - bao gồm bộ phận cánh máy bay và các mảnh vải cháy - trong khu vực hẻo lánh, nhiều cây cối rậm rạp.

Hình ảnh và video cho thấy hoạt động cứu hộ vẫn diễn ra với cường độ cao vào ban đêm. Lực lượng cứu hộ đã lắp ráp lều và trạm chỉ huy, thiết lập nguồn điện và đèn chiếu sáng, đồng thời xếp hàng chục xe cứu thương với hy vọng tìm thấy bất kỳ ai còn sống. Hàng chục tình nguyện viên địa phương đi xe máy chở nước, thức ăn và lều trại.

Dự báo cho thấy mưa sẽ kéo dài ít nhất cho đến hết đêm 22/3. Tuy nhiên, mưa rào vào thời điểm này sẽ cản trở việc tìm kiếm trên các sườn đồi được bao phủ bởi bụi rậm, dương xỉ và tre.

Theo truyền thông nhà nước, thành viên gia đình phi hành đoàn đã tới văn phòng của hãng hàng không ở Côn Minh, trong khi người thân các hành khách có mặt tại sân bay Quảng Châu, điểm đến của chuyến bay.

"Nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay vẫn đang được điều tra. Công ty sẽ tích cực hợp tác trong các cuộc điều tra liên quan", China Eastern cho biết trong một tuyên bố. “Công ty xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới các hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng trong vụ tai nạn”.

Hãng hàng không có trụ sở tại Thượng Hải là hãng bay lớn thứ hai ở Trung Quốc tính theo số lượng hành khách. Nằm trong 3 hãng hàng không hàng đầu cùng với China Southern và Air China, China Eastern do chính phủ kiểm soát.

Hệ thống giám sát chặt chẽ của hàng không Trung Quốc

Ngành công nghiệp hàng không của Trung Quốc là một trong những ngành lớn nhất thế giới trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Tuy nhiên, con đường phát triển thì không hề suôn sẻ khi Trung Quốc chứng kiến hàng loạt vụ tai nạn máy bay gây thương vong lớn trong những năm 1980-1990. Từ đó, nước này thắt chặt giám sát và trở thành nước thuộc nhóm an toàn hàng không hàng đầu thế giới.

Trước đại dịch, các hãng hàng không Trung Quốc đã thuê khá nhiều phi công nước ngoài vì du lịch hàng không phát triển nhanh hơn khả năng đào tạo phi công. Trung Quốc nổi tiếng với chính sách lương cao nhất thế giới cho các phi công nước ngoài đã có kinh nghiệm.

Tuy nhiên, nhiều phi công nước ngoài đã trở về nước trong hai năm qua do Trung Quốc đã tạm dừng hầu hết chuyến bay quốc tế trong thời kỳ đại dịch, trong khi du lịch nội địa cũng gặp nhiều hạn chế. Hiện tại, các hãng hàng không Trung Quốc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào phi công trong nước.

Trung Quốc đang thiết kế phương án riêng thay thế cho chiếc Boeing 737-800 bị rơi hôm 21/3. Mô hình C919 đang được chế tạo ở Thượng Hải bởi một công ty nhà nước. China Eastern sẽ trở thành hãng hàng không đầu tiên vận hành C919 trong những tháng tới, thông qua một trong các công ty con của hãng.

 Một chiếc C919 được thiết kế và chế tạo tại Trung Quốc vào năm 2017. Ảnh: Reuters.

Một chiếc C919 được thiết kế và chế tạo tại Trung Quốc vào năm 2017. Ảnh: Reuters.

Vụ tai nạn có thương vong cuối cùng của China Eastern là vào năm 2004, khi một chiếc Bombardier CRJ-200 bay từ thành phố Bao Đầu ở Nội Mông đến Thượng Hải lao xuống hồ nước đóng băng ngay sau khi cất cánh, khiến 55 người thiệt mạng. Các cơ quan quản lý an toàn cho biết nguyên nhân của thảm họa là do băng trên cánh máy bay.

Theo Flightradar24, chiếc máy bay Boeing gặp nạn hôm 21/3 đã được giao cho China Eastern vào năm 2015. Đó là chiếc 737-800 NG, dòng chiếm khoảng 17% trong số gần 25.000 máy bay chở khách đang phục vụ trên toàn thế giới, theo nhà cung cấp dữ liệu hàng không Cirium.

Chiếc máy bay một lối đi của Boeing 737 Max đã gặp phải sự kiểm soát gắt gao sau khi có 2 vụ tai nạn, một ở Indonesia vào cuối năm 2018 và một ở Ethiopia.

Mẫu máy bay này đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới sau vụ tai nạn thứ 2 vào tháng 3/2019. Boeing đã thực hiện một loạt thay đổi đối với dòng máy bay này trước khi phê duyệt sử dụng phục vụ thương mại trở lại ở hầu hết quốc gia 20 tháng sau đó.

Tuy nhiên, thời gian Trung Quốc phê duyệt cho phép sử dụng trở lại 737 Max lâu hơn các quốc gia khác. Các nhà quản lý hàng không của Trung Quốc đã đồng ý vào đầu tháng 12/2021, nhưng yêu cầu các hãng hàng không chứng minh họ đã thực hiện tất cả thay đổi Boeing yêu cầu trước khi bắt đầu dùng lại dòng này trên các tuyến thương mại.

Người mẹ bật khóc khi nghe tin con ở trên máy bay rơi tại Trung Quốc Lực lượng cứu hộ đang gấp rút tìm hộp đen chiếc máy bay của hãng China Eastern chở theo 132 người bị rơi, trong khi người thân tập trung ở sân bay Quảng Châu chờ tin tức.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chay-dua-tim-nguoi-song-sot-sau-vu-roi-may-bay-o-trung-quoc-post1304181.html