'Chạy đua' trong phòng xét nghiệm
Chính xác, nhanh nhạy, đảm bảo an toàn sinh học và tránh nguy cơ lây nhiễm, những cử nhân sinh học của Viện Pasteur Nha Trang luôn trong tâm thế chạy đua với thời gian để có được những kết quả xét nghiệm đáp ứng khẩn cấp công tác phòng, chống dịch Covid-19.
An toàn trên hết
Sáng cuối tuần, khu vực xét nghiệm của Khoa Vi sinh miễn dịch sáng đèn từ trong ra ngoài; trên bàn 4 mẫu bệnh phẩm được gửi tới vào rạng sáng đã sẵn sàng để tiến hành các bước xét nghiệm. Không ồn ào như các khoa điều trị, khám bệnh tại các bệnh viện, phòng xét nghiệm im ắng, vắng lặng, chỉ nghe âm thanh từ các thiết bị xét nghiệm đang vận hành. Người trực tiếp thực hiện xét nghiệm 4 mẫu bệnh phẩm hôm nay là cử nhân Trịnh Hoàng Long - Trưởng Bộ phận xét nghiệm vi rút hô hấp và kỹ thuật viên Nguyễn Đức Duy, những người có kinh nghiệm qua các đợt dịch bệnh Mers-CoV, H1N1 trước đây.
Bước đầu tiên của quá trình xét nghiệm mẫu bệnh phẩm là kiểm tra và mã hóa mẫu để khẳng định thông tin cá nhân, yếu tố dịch tễ… Sau khi mọi thông tin của mẫu bệnh phẩm đạt yêu cầu, cán bộ xét nghiệm thực hiện bước xử lý mẫu, một công đoạn quan trọng và có nguy cơ lây nhiễm cao nhất cho người thực hiện xét nghiệm. “Do mẫu bệnh phẩm có thể chứa vi rút sống nên khi mở mẫu không cẩn thận sẽ lây nhiễm cho người thực hiện. Vì vậy, lúc này điều quan trọng nhất là phải tuân thủ quy trình và đảm bảo an toàn sinh học. Người trực tiếp xét nghiệm phải mặc đồ bảo hộ kín; mẫu bệnh phẩm được đặt và xử lý trong tủ an toàn sinh học cấp độ 3 (có hệ thống hút không khí từ ngoài vào theo một chiều, không đi ngược lại; có màng lọc xử lý các tác nhân gây bệnh phía trên tủ trước khi thải không khí sạch ra ngoài)”, kỹ thuật viên Duy cho biết. Sau bước này, các mẫu bệnh phẩm được thêm vào chất ly giải để tách chiết ARN. Sau mỗi thao tác, người thực hiện luôn vệ sinh dụng cụ, mặt bàn, thiết bị y tế bằng cồn; vệ sinh tủ an toàn sinh học bằng tia cực tím trong thời gian quy định để tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
Vừa lấy sinh phẩm từ tủ lạnh ra để xét nghiệm Covid-19, cử nhân Long chia sẻ, từ lúc có dịch đến nay, khoa đã xét nghiệm hơn 250 mẫu bệnh phẩm, may mắn kết quả đến giờ này chỉ có 1 trường hợp dương tính. Tuy nhiên, với phương châm không để thiếu sinh phẩm và đảm bảo công tác phòng, chống dịch, viện đã nhập về 2.000 test kit dùng cho chẩn đoán Covid-19. Bộ phận xét nghiệm có 5 phòng kín tương ứng với các công đoạn chính của quy trình xét nghiệm là kiểm tra và mã hóa mẫu; xử lý mẫu; chuẩn bị dung dịch phản ứng; tách chiết ARN; chạy máy và phân tích kết quả. Tất cả các phòng đều được thiết kế kín với 2 lớp cửa, có phòng đệm trước khi vào các khu vực xét nghiệm, bên trong phòng xét nghiệm được trang bị đầy đủ các vật dụng kỹ thuật tân tiến. Phòng xét nghiệm đạt chuẩn an toàn sinh học cấp II. Quy trình xét nghiệm trải qua nhiều công đoạn, được thực hiện một cách tỉ mỉ, chính xác.
Sự hy sinh thầm lặng
Chứng kiến một quy trình xét nghiệm của cán bộ nơi đây, chúng tôi mới thấy rõ những áp lực, hy sinh thầm lặng của những người “chạy đua” trong phòng xét nghiệm. Từ sáng đến tận trưa, dù chỉ thực hiện 4 mẫu bệnh phẩm nhưng cử nhân Long và Duy không lúc nào ngơi nghỉ bởi quy trình có nhiều công đoạn, mỗi công đoạn lại có nhiều bước đòi hỏi sự tỉ mỉ, thận trọng và chính xác tuyệt đối. Vậy mà có những ngày cao điểm, Khoa Vi sinh miễn dịch nhận gần 50 mẫu bệnh phẩm gửi đến từ các tỉnh, thành phố miền Trung. Lúc đó, cán bộ của khoa đã phải căng mình, tập trung cho công tác chống dịch.
Khi 4 mẫu bệnh phẩm vừa được cho vào máy xét nghiệm thì lại nhận được thông báo: “Anh Long ơi, có thêm 1 mẫu bệnh phẩm Covid-19 nhé”. Chưa đầy 30 phút sau, lại có thêm thông báo “Một mẫu Covid-19 nữa nhé”. Anh Long cười: “Trưa nay lại làm xuyên trưa, không được ăn cơm cùng vợ con, lại trung thành với cơm hộp rồi”. Được biết, để thực hiện được việc xét nghiệm bằng kỹ thuật Real time RT - PCR, cán bộ phòng xét nghiệm phải làm việc từ 3 đến 6 giờ liên tục mới có kết quả. Mẫu bệnh phẩm này đang xét nghiệm lại có thêm mẫu mới mà đặc biệt đối với dịch Covid-19, dù có một mẫu cũng phải làm ngay. Do đó, những bữa cơm hộp vội vàng lúc giữa trưa hay chiều muộn là điều thường thấy tại đây. “11 cán bộ làm công việc tìm kiếm vi rút Covid-19 trong các mẫu bệnh phẩm đã không có ngày nghỉ nào kể từ trước Tết Nguyên đán đến nay”, anh Long chia sẻ.
Theo cử nhân Long, đối với các dịch bệnh lây qua vật trung gian như sốt xuất huyết, khả năng lây nhiễm cho người thực hiện xét nghiệm không cao. Tuy nhiên, đối với dịch bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt với dịch Covid-19 là bệnh dịch ở cấp độ nguy hiểm thì khả năng lây nhiễm rất cao. Do đó, tuân thủ quy trình an toàn sinh học là yếu tố quan trọng nhất trong phòng xét nghiệm để giữ an toàn cho người thực hiện, đồng nghiệp thực hiện các xét nghiệm sau, cho mẫu bệnh phẩm khác (lây nhiễm chéo) và cả cộng đồng.
Phát huy vai trò vì cộng đồng
Viện Pasteur Nha Trang là một trong những đơn vị được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm Covid-19. Là đơn vị xét nghiệm top đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, viện đã có những động thái nhanh nhạy, kịp thời đối phó với dịch Covid-19. Ông Lê Xuân Huy - Phó Viện Trưởng Viện Pasteur Nha Trang cho biết, ngay từ những ngày đầu có thông tin về tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, viện đã có nhiều công văn gửi cho 11 tỉnh, thành khu vực miền Trung về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đồng thời kiện toàn 2 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh, mỗi đội gồm 7 người, do các lãnh đạo của viện làm đội trưởng. Song song đó, viện cử cán bộ trực dịch, trực xét nghiệm 24/24 giờ, đảm bảo thời gian nhanh nhất cho công tác phòng, chống dịch; kích hoạt Văn phòng đáp ứng khẩn cấp với sự kiện y tế công cộng khu vực miền Trung. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, viện đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát hỗ trợ các tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Viện cũng đã hỗ trợ một số trang thiết bị và hóa chất cho một số tỉnh, đã cấp 600 bộ trang phục phòng, chống dịch, trong đó tỉnh Khánh Hòa được cấp 200 bộ; tổ chức 2 đoàn làm việc với các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Huế về công tác ứng phó với dịch bệnh.
Thời gian tới, viện tiếp tục tăng cường giám sát các tỉnh trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là việc cách ly, giám sát, theo dõi sức khỏe tại cộng đồng. Viện sẽ phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của Mỹ tổ chức lớp tập huấn về lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh cho 11 tỉnh khu vực miền Trung. Đồng thời, sẽ hỗ trợ những tỉnh được Bộ Y tế cho tiến hành xét nghiệm Covid-19 trong công tác chuyên môn theo hướng cầm tay chỉ việc.
DUNG LY
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202002/chay-dua-trong-phong-xet-nghiem-8149920/