'Chạy đua' vắcxin, càng tin thắng kép
'Vắc-xin' và 'vắc-xin', hai từ đó vang lên dồn dập nức lòng dư luận những ngày qua. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thúc giục Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao thần tốc, thần tốc hơn nữa, trong khi thế giới đang rất nóng. Có vắc-xin thì mới tự tin phát triển kinh tế, tự tin vào chiến thắng kép.
Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vừa được ban hành, 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới được quyết nghị là tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắc-xin Covid-19 cho cộng đồng.
Tốc độ nhanh nhất
Cuộc chiến chống đại dịch tại Việt Nam sang chặng đường mới, khí thế mới khi ngày 24/2/2021, hơn 117.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên về tới sân bay Tân Sơn Nhất, sớm hơn 4 ngày so với kế hoạch. Đây là vắc-xin AstraZeneca của Anh, được các cơ quan chức năng tạo điều kiện nhập khẩu với mức độ thần tốc.
Một ngày sau đó, ngày 25/2, Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đã họp và nhất trí đề xuất Bộ Y tế phê duyệt cho thêm 2 loại vắc-xin phòng Covid-19, bao gồm vắc-xin của Moderna (Hoa Kỳ) và vắc-xin của Công ty JSC Generium (Nga), để sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Với vắc-xin “made in Việt Nam”, ngày 26/2, Viện Nghiên cứu y dược học quân sự (Học viện Quân y) tiến hành giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nanocovax trên người. Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày, cuộc chạy đua vắc-xin đã đạt được tốc độ cao nhất có thể để tiến đến cái đích có 150 triệu liều vắc-xin sử dụng cho toàn dân năm 2021.
Đã qua thời “nín thở”
Nếu như vào những ngày này tròn một năm trước, cả nước trong tình trạng “nín thở” chờ đợi, mọi hoạt động gần như bị đình trệ vì một tinh thần cảnh giác rất cao trước virut Corona thì giờ đây, tình hình đã hoàn toàn khác mặc cho sự trở lại của con virut này dữ dằn nhất trong một năm qua.
Ký chỉ thị về phát triển kinh tế sau Tết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra mệnh lệnh thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực, địa bàn, tạo khí thế phấn khởi ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Việt Nam đang đi những bước vững chắc để bảo toàn và duy trì chiến thắng kép. Cuộc thăm dò trực tuyến “Tình hình Đông Nam Á năm 2021” do Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Singapore thực hiện từ ngày 18/11/2020 đến ngày 10/1/2021, đưa ra kết quả, Việt Nam dẫn đầu về mức độ hài lòng của người dân với Chính phủ trong cuộc chiến này, với tỷ lệ ủng hộ lên tới 96,6%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Ngoại giao (nhất là với các đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài) trong việc tiếp cận nguồn cung vắc-xin. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận, phân phối vắc-xin bảo đảm kịp thời, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Công văn số 50 ngày 19/2/2021 và của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 312 ngày 8/2/2021.
Thủ tướng cũng đã đồng ý với đề xuất của một số địa phương (Hà Nội, Hải Phòng…) về việc mua vắc-xin theo phương thức xã hội hóa, như tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Thủ tướng Chính phủ; giao Bộ Y tế hướng dẫn kịp thời, cụ thể.
Cấp tập kịch bản
Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, Bộ Y tế nhanh chóng tổ chức tiêm vắc-xin, trước hết cho các đối tượng ưu tiên theo nghị quyết của Chính phủ. Đồng thời, bộ này tiếp tục rà soát, thúc đẩy đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó quán triệt tinh thần chủ động, tích cực, không chủ quan, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tại Hải Dương, Hải Phòng và sớm xử lý dứt điểm các ổ dịch hiện có.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất tiến độ quý I/2021 mua 1,3 triệu liều vắc-xin; quý II là 9,5 triệu liều; quý III là 25,9 triệu liều và quý IV là 51,1 triệu liều. Theo phương án này, ngay trong năm nay, Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vắc-xin, đảm bảo đủ tiêm cho hầu hết người dân.
Về nguồn vắcxin trong năm nay, nguồn thứ nhất là Covax có thể cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều. Nguồn thứ hai là nhập khẩu của Astra Zeneca với số lượng 30 triệu liều. Nguồn thứ ba là của nhà sản xuất Pfizer, hãng có thể cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều. Với vắc-xin của Nga, thông tin ban đầu cho thấy, Nga có thể cung cấp tới 60 triệu liều cho Việt Nam. Đối với vắc-xin do Việt Nam sản xuất thì đang theo tiến độ và đến năm 2022 thì Việt Nam sẽ có vắc-xin.
“Trên cơ sở như vậy, chúng tôi đảm bảo không có chuyện thiếu hụt vắc-xin. Vì vậy, quan trọng nhất lúc này là Bộ Y tế nỗ lực triển khai tiêm phòng. Và lần này triển khai sẽ là quy mô tiêm phòng lớn nhất từ trước đến nay, với trên 100 triệu liều. Bộ đang cấp tập chuẩn bị kịch bản tiêm với phương châm huy động tất cả những đơn vị cả trong và ngoài ngành y tế, các đơn vị quân đội, công an và các lực lượng khác tham gia vào tiến trình này để đẩy nhanh tiến trình tiêm phòng, đảm bảo độ bao phủ” - ông Long nói và cho rằng: “Chúng ta càng bao phủ nhanh càng tốt để mở cửa nhanh cho nền kinh tế".
Không chủ quan nhưng cũng không “ngăn sông, cấm chợ”
Nhắc nhở tất cả tỉnh, thành phố trên cả nước không được lơi lỏng việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế, Thủ tướng cũng ra sức “hàn gắn” tinh thần đoàn kết giữa các địa phương, nhất là các địa phương láng giềng sát vách đang lao đao vì Covid-19 như Hải Phòng và Hải Dương. Ông đánh giá cao cả hai địa phương này về tinh thần “chống dịch như chống giặc”; đồng thời biểu dương một số địa phương khác như Hà Nội về tinh thần “nghĩa hiệp” thu mua, giải cứu nông sản cho bà con Hải Dương.
Những ngày qua, cùng nóng với diễn biến đại dịch phức tạp, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại cửa ngõ ra vào các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hóa ra vào Hải Dương. Đặc biệt là Hải Phòng với hàng loạt quy định siết chặt thông thương với Hải Dương.
Bị ách tắc, nông sản của bà con Hải Dương bị đổ bỏ hàng loạt, vật nuôi, con giống bị quá hạn xuất chuồng nhưng không vận chuyển được thức ăn đến để tiếp tục nuôi sống đàn; nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất không có để công nhân sản xuất. Đáng chú ý, hàng xuất khẩu đến hạn phải giao hàng nhưng không chuyển được, tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chủ động quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với các mức nguy cơ đối với từng khu vực, địa điểm cụ thể trên địa bàn, bảo đảm không chủ quan, nhưng cũng không “ngăn sông, cấm chợ”, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến hoạt động lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Các bộ xắn tay vào cuộc theo yêu cầu của Thủ tướng. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Y tế ban hành ngay quy chế bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải qua lại, đi đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch, nhất là tại địa bàn kinh tế trọng điểm như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương. Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình về thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.
Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hải Phòng đã nới lỏng các quy định các chuyến hàng đến và đi từ Hải Dương. Quảng Ninh đã và đang đón nhận lao động Hải Dương đến làm việc mà không có sự cản trở nào. Để phòng dịch, lao động sẽ được cách ly 14 ngày và tiến hành xét nghiệm theo quy định.