Chạy đua với yêu cầu phân loại rác tại nguồn
Đã có những chuyển biến tích cực khi hàng ngàn hộ dân ở Hà Nội tiến hành phân loại rác ngay từ nhà, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để hiện thực hóa mục tiêu bắt buộc phân loại rác tại nguồn
Hơn 20 năm nay, nhiều phụ nữ ở quận Long Biên (TP Hà Nội) đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Ban đầu, con số chỉ vài người tới nay đã tăng lên hơn 2.000 hộ dân tham gia.
Từ "điểm sáng" Long Biên
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trần Thị Việt Hoa, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Long Biên, cho biết vào tháng 5-2002, khi hội bắt đầu triển khai thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nhà, đã gặp phải rất nhiều khó khăn. "Lúc đó, rất nhiều người phản đối với lý do làm gì có ai để rác trong nhà, nhưng nhờ quyết tâm của lãnh đạo hội như tuyên truyền, đồng hành, thực hiện các mô hình phân loại rác tái chế bán lấy tiền, tạo phân hữu cơ... đã giúp nhiều chị em nhìn thấy lợi ích" - bà Hoa nói.
Từ mô hình phân loại rác tại nhà, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Long Biên đã triển khai nhiều mô hình khác từ rác như tái chế rác thải nhựa, hội thi tái chế rác thải nhựa... nhận được sự tham gia đông đảo của chị em. Đặc biệt, bà Hoa cho biết mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đã liên kết với một số công ty tái chế rác thải để tạo dựng đầu ra bền vững cho quá trình thu gom, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hướng đi của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Long Biên được xem là một điểm sáng bởi theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), muộn nhất đến ngày 31-12-2024, người dân không chỉ ở quận hay TP Hà Nội mà cả nước phải phân loại rác tại nhà thành 3 loại: rác tái chế, rác hữu cơ và rác vô cơ. Phân loại rác tại nguồn nhằm tận dụng phế liệu tái chế, phân hữu cơ, giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Theo Nghị định 45/2022, hộ dân không phân loại rác có thể bị phạt đến 1 triệu đồng.
Nhiều trở ngại
Phân loại rác thải tại nguồn sắp là yêu cầu bắt buộc nhưng thực tế vẫn gặp nhiều trở ngại. Bà Trần Thị Việt Hoa cho biết: "Mô hình của phụ nữ quận Long Biên là do hội chủ động đứng ra làm và cùng thực hiện. Tuy nhiên, nếu để mở rộng ra cả cộng đồng thì trước hết phải giải được bài toán đồng bộ giữa các khâu". Nếu như các hộ dân đã phân loại rác thải tại nhà nhưng khi đưa ra xe thu gom rác mà nhân viên môi trường đổ trộn vào nhau thì công sức của mọi người bằng 0.
Thực tế trên đây cũng chính là một bất cập khiến không ít dự án, chương trình phân loại rác thải tại nguồn thất bại dù trước đó được tuyên truyền rầm rộ. Phường Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là một trong những đơn vị cấp xã phường thí điểm phân loại rác tại nguồn đầu tiên của cả nước. Ban đầu người dân rất hưởng ứng tham gia, thực hiện quy củ. Tuy nhiên, khi chứng kiến một số công nhân môi trường sau đó lại đổ chung rác đã phân loại vào thùng xe thu gom thì người dân không phân loại nữa. Sau khi kết thúc 2 năm thí điểm thì hầu như không còn ai phân loại rác tại nguồn.
"Đây là thách thức cho việc thực hiện phân loại rác tại nguồn thời gian tới" - TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Môi trường thuộc Bộ TN-MT) - nhìn nhận. Thế nhưng, ông Tùng cho rằng khó nhưng buộc phải làm trong thời gian tới.
Xác định rõ trách nhiệm
Theo TS Hoàng Dương Tùng, muốn hiện thực hóa việc phân loại rác tại nguồn, cơ quan chức năng trước hết cần phải có hướng dẫn cụ thể về phân loại rác, cách làm, cách xử lý để người dân nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, cần phải quy định rõ trách nhiệm của người dân, chính quyền, công ty môi trường... cũng như có chế tài xử lý đi kèm.
Theo chuyên gia này, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của một số nước đi trước và đã thành công như Hàn Quốc phân loại rác theo túi, theo màu; hay Trung Quốc, nơi có nhiều chung cư cũ, mới, nhà cao tầng, thấp tầng giống Việt Nam, đã triển khai phân loại rác thành công nhờ yêu cầu phải xây dựng chỗ đổ rác, đổ đúng giờ, nếu không đúng giờ thì phòng đổ rác không mở, ai không thực hiện bị xử phạt.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hoàng My, Phó Giám đốc Công ty Vietcycle (đơn vị chuyên thu, tái chế rác thải), cho biết không phân loại rác tại nguồn chính là để thất thoát tài nguyên, bởi có những loại rác giá trị thấp như túi ni-lông, nhựa mềm... đều có thể tái chế. Song, nếu không phân loại mà ném chung vào túi rác, khi đưa ra bãi rác sẽ bị đốt chung, như vậy rất lãng phí.
Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ TN-MT, cho biết hiện nay, nước ta gặp khó khăn trong kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các nhà máy xử lý đốt phát điện và phân loại, xử lý rác tại các nhà máy. Bởi vì, chúng ta chưa có phân loại rác tại nguồn, chưa làm được triệt để, chưa triển khai làm.
Bởi thế, Bộ TN-MT mới đây đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về phân loại rác tại nguồn. Trong thời gian tới, bộ đề nghị các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn. "Khi phân loại rác tại nguồn chúng ta sẽ tách và xử lý được rác thải triệt để" - người đứng đầu Bộ TN-MT nói.
Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Công ty VietCycle, kiến nghị xây dựng chính sách hợp tác công tư, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, phân loại, tái chế rác. Chính phủ cần hỗ trợ lực lượng thu gom rác thải phi chính thức tham gia như một bên chính thức trong hệ thống quản lý chất thải.