Chạy đua 'vũ trang mới'

Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (trụ sở tại Washington, Mỹ) có bài phân tích với đại ý rằng, dường như đang diễn ra một 'cuộc chạy đua vũ trang mới' giữa các cường quốc thông qua các biện pháp trừng phạt, chính sách kiểm soát xuất khẩu.

Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) chịu ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ

Tập đoàn Huawei (Trung Quốc) chịu ảnh hưởng bởi chính sách kiểm soát xuất khẩu của Mỹ

Thường xuyên và phức tạp

Theo tác giả bài viết, việc sử dụng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu như là công cụ trong chính sách đối ngoại, cả đơn phương lẫn đa phương, ngày càng thường xuyên và phức tạp hơn.

Tại Mỹ, sự chú ý ngày càng tăng dành cho các biện pháp kiểm soát tái xuất khẩu/tái chuyển giao và người dùng cuối đã khiến các công ty thêm khó khăn trong kiểm soát rủi ro cũng như tuân thủ quy định. Tác giả bài viết nhận định, vì Mỹ tiếp tục khai thác phạm vi ảnh hưởng của họ bên ngoài lãnh thổ, nên nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua “vũ trang” ngày càng tăng, đặc biệt là với Trung Quốc, khiến môi trường kinh doanh càng căng thẳng hơn.

Các biện pháp trừng phạt bổ sung, như việc cấm các bên thứ ba, bao gồm cả các thực thể nước ngoài, làm ăn với các thực thể bị trừng phạt, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính sách gây áp lực. Mặc dù không phải là một biện pháp trừng phạt, nhưng Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài đã được Mỹ triển khai vào năm 2020 nhằm ngăn chặn Tập đoàn Công nghệ Huawei (Trung Quốc) cùng nhiều công ty con tiếp cận con chip của Mỹ. Các công ty phải chịu áp đặt yêu cầu về giấy phép đối với một số mặt hàng sản xuất ở nước ngoài sử dụng phần mềm, công nghệ hoặc thiết bị có xuất xứ từ Mỹ, nếu những mặt hàng này được chuyển tới các thực thể bên trong Danh sách thực thể bị trừng phạt. Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài gần đây đã được mở rộng, để bổ sung các thực thể ở Nga và Belarus vào danh sách trên.

Những thay đổi này dẫn tới suy đoán rằng, các ngân hàng và công ty Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt bổ sung mà Mỹ áp đặt bên ngoài lãnh thổ nếu họ tham gia các giao dịch bị cấm với Nga. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã tuyên bố, Mỹ có thể từ chối xuất khẩu thiết bị và phần mềm cho các nhà sản xuất Trung Quốc bị phát hiện cung cấp con chip và các mặt hàng khác cho Nga. Ngay sau đó, Bộ Thương mại Mỹ công bố danh sách 100 máy bay tư nhân và thương mại do Nga hay công dân Nga sở hữu hoặc kiểm soát, được bay từ một nước thứ ba đến Nga. Theo đó, việc phục vụ những chiếc máy bay này ở bất kỳ nơi nào trên thế giới sẽ vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Trả đũa

Tháng 6-2021, Trung Quốc ban hành Luật chống các biện pháp trừng phạt của nước ngoài, nhằm tạo ra một cơ chế pháp lý để kiểm duyệt các công ty và cá nhân nước ngoài thực hiện hoặc tuân thủ các lệnh trừng phạt của một thế lực nước ngoài, khi các lệnh trừng phạt đó ảnh hưởng xấu đến công dân Trung Quốc hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Trước đó, vào tháng 1-2021, Bộ Thương mại Trung Quốc công bố các quy tắc chống lại việc các nước áp dụng một cách vô lý luật lệ cũng như những biện pháp khác bên ngoài lãnh thổ. Hồi tháng 9-2020, Trung Quốc cũng đã thiết lập một cơ chế cho việc xây dựng Danh sách thực thể không đáng tin cậy (gồm các công ty nước ngoài bị cho là gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc), tiếp theo là ban hành Luật Kiểm soát xuất khẩu. Cho đến nay, Trung Quốc chưa đưa bất kỳ thực thể nào vào danh sách này.

Luật Kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc đã hệ thống hóa một khuôn khổ hành chính và thực thi để điều chỉnh các mặt hàng trong diện bị kiểm soát (bao gồm cả công nghệ); và các điều khoản rõ ràng về cấp phép xuất khẩu, kiểm soát tái xuất khẩu. Có thể thấy, các điều khoản tương tự trong Quy định quản lý xuất khẩu của Mỹ và Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế - vốn kiểm soát việc vận chuyển các sản phẩm quốc phòng, vũ khí, dữ liệu kỹ thuật, phần mềm và dịch vụ quốc phòng. Câu hỏi được đặt ra là: liệu phiên bản Trung Quốc của “quy tắc nhìn thấu” (quy định mọi sản phẩm có chứa một bộ phận hoặc thành phần được liệt kê trong Danh sách vũ khí của Mỹ đều trở thành đối tượng áp dụng của Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế) có phải là văn bản pháp lý sắp được ban hành hay không? Ảnh hưởng rộng lớn của luật pháp Trung Quốc khiến người ta e ngại về những hậu quả có thể tác động lớn đến hoạt động thương mại xuyên biên giới.

Nhìn bề ngoài, các quy định nêu trên (Luật chống các biện pháp trừng phạt của nước ngoài, Quy tắc chống lại việc các nước áp dụng một cách vô lý luật lệ và các biện pháp khác bên ngoài lãnh thổ, Luật kiểm soát xuất khẩu và Danh sách các thực thể không đáng tin cậy) có vẻ giống với các quy định mang tính ngăn chặn của EU nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của nước ngoài và phạm vi ảnh hưởng của các quy định kiểm soát xuất khẩu bên ngoài lãnh thổ. Nếu Mỹ nhận thấy việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các công ty Trung Quốc là cần thiết, thì không khó để hình dung một phản ứng quyết đoán không kém từ phía Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc chưa thực thi đầy đủ các đạo luật mang tính ngăn chặn. Tuy nhiên, những biện pháp đối phó này sẽ được kích hoạt hoặc tiếp tục phát triển, ngay cả khi các lệnh trừng phạt bổ sung hoặc các biện pháp kiểm soát xuất khẩu không được áp dụng đối với Trung Quốc hoặc các thực thể của nước này.

Theo Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược, cuộc chạy đua “vũ trang mới” với vũ khí là các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu chỉ vừa bắt đầu. Vẫn còn phải xem liệu Mỹ có thể duy trì liên minh đa phương của mình trong bao lâu, và quan trọng hơn là liệu có thể áp dụng các biện pháp này trong bối cảnh các mối quan hệ đang diễn biến phức tạp hay không.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//chay-dua-vu-trang-moi-810384.html