Cháy rừng đẩy Canada vào Top 4 nước phát thải carbon nhiều nhất thế giới
Theo nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố ngày 28/8, số vụ cháy rừng kỷ lục năm ngoái đã khiến Canada trở thành một trong 4 quốc gia có lượng phát thải carbon lớn nhất thế giới. Điều này cũng gây hoài nghi về khả năng thu giữ và lưu trữ lượng lớn CO2 trong tương lai của các khu rừng ở nước này.
Nhóm nghiên cứu của NASA đã sử dụng dữ liệu quan sát của các vệ tinh cùng công nghệ tính toán tiên tiến để đo lượng khí thải carbon từ các đám cháy xảy ra trong giai đoạn từ tháng 5 - 9/2023. Kết quả cho thấy cháy rừng trong giai đoạn này đã thải ra 2.371 triệu tấn carbon, khiến Canada xếp thứ 4 trong số những nước phát thải carbon nhiều nhất thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và Ấn Độ.
Lượng khí thải từ các vụ cháy rừng ở Canada trong thập kỷ qua thường dao động từ 29 - 121 triệu tấn. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu do việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang dẫn đến điều kiện thời tiết khô hơn và nóng hơn, gây ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng. Riêng trong năm 2023, cháy rừng đã thiêu rụi 15 triệu ha rừng, tương đương khoảng 4% diện tích rừng của Canada và khiến trên 200.000 người phải rời bỏ nhà cửa.
Rừng phương Bắc của Canada, một vùng đất rộng lớn trải dài từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương, chứa một lượng lớn CO2. Khi những khu rừng bị cháy mọc lại trong nhiều thập kỷ, lượng CO2 do cháy rừng thải ra thường được tái hấp thụ. Tuy nhiên, sự gia tăng về quy mô và số lượng các vụ cháy hằng năm trong thời qua, cùng với tình trạng hạn hán ở một số khu vực, có thể khiến rừng mất nhiều thời gian hơn để phát triển trở lại, từ đó “có thể ngăn cản sự hấp thụ carbon của rừng”. Theo nghiên cứu, thời tiết khô nóng sẽ trở thành “hiện tượng bình thường” vào năm 2050 và có nguy cơ làm gia tăng các vụ cháy rừng, qua đó có thể tác động đến khí hậu toàn cầu.
Nghiên cứu kết luận Chính phủ Canada cũng sẽ phải điều chỉnh giảm mức phát thải nhiên liệu hóa thạch được cho phép theo quy định để “bù đắp cho việc giảm lượng carbon hấp thụ của rừng”. Trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Ottawa đã nhất trí đến năm 2030 sẽ giảm 40 - 45% lượng khí thải carbon so với mức năm 2005. Theo dữ liệu của Chính phủ Canada, tổng lượng khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch ở nước này năm 2022 là 708 triệu tấn.
Tình trạng cháy rừng ở Canada từ đầu năm đến nay tuy đã dịu bớt, nhưng vẫn nghiêm trọng ở một số nơi, trong đó thị trấn du lịch Jasper ở phía Tây Canada bị phá hủy một phần vào tháng 7 vừa qua.