Chạy theo những chuyến tàu xuyên qua nước Mỹ
Bộ ảnh của Justine Kurland không chỉ là bản ghi về chuyến du lịch cùng con trai, mà còn là tiếng nói phá vỡ khuôn mẫu định kiến về gia đình truyền thống.
Columbia River | Sông Columbia: This Train (tạm dịch: Chuyến Tàu) - cuốn sách ảnh được xuất bản vào tháng 2 vừa qua của Justine Kurland - mô tả cuộc sống du lịch cùng một đứa trẻ trên những cung đường dọc theo nước Mỹ. Bộ ảnh được ghi lại từ năm 2005 đến 2010 với nhân vật là Casper - con nhỏ và bạn đồng hành cùng Kurland. Dưới góc nhìn của một người phiêu du và là mẹ đơn thân, cô tái hiện các yếu tố cũ còn tồn tại trong xã hội Mỹ ngày nay: gia đình hạt nhân (kiểu mẫu gia đình truyền thống với cha, mẹ và con cái), con đường mênh mông, bạo lực và sức mạnh tự thân của những vùng đất hoang dã.
Hippy Stir Fry | Món xào kiểu Hippy, 2008: Cuốn sách ảnh kể một câu chuyện với 2 phần xen kẽ nhau. Phần đầu tiên là các bức ảnh ghi lại cuộc sống của Kurland và Casper khi họ tách biệt khỏi đô thị, bao gồm đường phố, đường sắt, nhà cửa và những người bạn bè. Phần còn lại của câu chuyện là về các tuyến đường sắt chạy xuyên qua nước Mỹ. Đây là sự chiêm nghiệm về tầm ảnh hưởng của tuyến đường sắt lên cảnh quan, để lại những vệt nứt của thời gian trên bề mặt nhựa, nhuốm màu ánh nắng mặt trời.
Days Inn | Nhà trọ ban ngày, 2007: Kurland khuyến khích độc giả nên nhìn nhận bộ ảnh của mình như tấm gương phản chiếu về cách một gia đình du lịch, thay vì chỉ là một bộ album gia đình truyền thống.
Wind Blowing Through Columbia Gorge | Gió Thổi Qua Hẻm Núi Columbia, 2008: "Trước khi Casper ra đời, tôi đã có hơn một thập kỷ để đi và chụp lại những ảnh trong hành trình. Sau đó, tôi tiếp tục đi trên con đường đó thêm một thập kỷ nữa. Từ khi Casper mới 6 tháng tuổi cho đến khi 6 tuổi, chúng tôi sống trong một chiếc xe tải suốt 8 tháng mỗi năm. Trong thời gian đó, tôi chụp nhiều chủ đề khác nhau. Sự quan tâm của Casper dần chuyển từ xe tải sang tàu hỏa, đó cũng là điểm khởi đầu để tôi quyết định chụp những This Train", Justine Kurland chia sẻ.
Empty Flat Cars | Những Chiếc Xe Phẳng Trống Rỗng, 2007: Kurland thường đặt máy ảnh 4x5 của mình dọc theo đường sắt, thường là ở những địa điểm đẹp được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội. Những góc chụp này cho thấy sự thay đổi khi đoàn tàu đi qua những con đèo hoặc qua các hầm đào xuyên núi đá. Kurland thậm chí chờ đợi cả ngày để bắt trọn khoảnh khắc một tàu hỏa đi qua.
Violin and Legos | Đàn Violin và Đồ Chơi Lego, 2010: "Tôi chụp ảnh Casper trong những lúc đợi tàu hoặc vui chơi tại các khu cắm trại. Điều này tạo ra một liên kết đặc biệt giữa chúng tôi. Bạn bè cảnh báo tôi về việc chụp ảnh con và tôi hiểu đó là một công việc cần cân nhắc. Giáo viên Laurie Simmons của tôi, một nhiếp ảnh gia danh tiếng, chia sẻ rằng các nghệ sĩ phải giả vờ như họ chưa có con để tránh bị phê phán về việc làm phụ nữ. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Việc làm mẹ vẫn là một trải nghiệm phụ nữ phải đối diện, từ việc nuôi dưỡng, chăm sóc, khiến hầu hết mọi người cảm thấy không thoải mái", Justine Kurland thú nhận.
California Wild Flowers | Hoa Dại California, 2009: Với Kurland, những album ảnh gia đình thường có vẻ giống nhau với những bữa tối ngày lễ, tiệc sinh nhật, trẻ em ngồi bên hoa hồng hoặc cảnh gia đình thể hiện sự giàu sang hay toát lên vẻ ngoài bình dị, lấy cảm hứng từ các cảnh trong các bộ phim sitcom truyền hình. Nhưng album gia đình của một bà mẹ đơn thân sống trên đường cùng con mình sẽ trông như thế nào?
Georgetown Loop | Đường Vòng Georgetown, 2009: "Bộ ảnh của tôi hoàn toàn trái ngược với truyền thống chụp ảnh du lịch. Tôi thừa hưởng lối sống từ mẹ: sống du mục, có một chiếc xe tải và coi nuôi dạy con cái như một phần của công việc kinh doanh. Những bức ảnh này đặc biệt với tôi không chỉ vì chúng ghi lại khoảnh khắc giữa tôi và con trai, mà còn là sự khẳng định hợp pháp, hợp lý cho một hình mẫu gia đình phi truyền thống", Kurland viết.
Byers Canyon Coal Cars | Xe Than Byers Canyon, 2008: Trong quá trình chụp ảnh các đoàn tàu, Kurland chứng kiến một phần tối của miền Tây nước Mỹ. Các đoàn tàu lăn bánh qua những vùng lãnh thổ và địa điểm của người bản địa cực đoan. Nhiều cư dân Mỹ gốc Á tham gia xây dựng tuyến đường sắt đã tử vong vì điều kiện lao động nguy hiểm, bệnh tật và thiếu hỗ trợ y tế. Vào năm 1882, chính phủ Mỹ từng ban hành nhiều đạo luật nhằm hạn chế quyền công dân của họ.
Go Dog Go, 2010: Casper học cách đọc từ các biển báo dọc theo đường cao tốc. Trong bức ảnh này, cậu bé đọc to cuốn Go, Dog, Go (sách thiếu nhi phổ biến tại Mỹ). Kurland cùng con khỏa thân vì cái nóng gay gắt. Vì sự xa cách với thế giới ngoài kia, họ càng thấu hiểu sự tồn tại động vật hoang dã và tầm quan trọng của việc bảo vệ chúng.
Door Sill Train Track | Đường Ray Bên Ngưỡng Cửa, 2008: Casper coi việc sống trong một chiếc xe tải là điều bình thường. Cậu nghĩ rằng những bà mẹ khác cũng chất đống hàng hóa ở các trạm nghỉ trên đường cao tốc và những đứa trẻ khác cũng xếp đá trong khi cha mẹ mình bận sáng tạo ảnh đẹp. Mọi người thường nghĩ gia đình Kurland là những người vô gia cư. Các bậc cha mẹ khác thường cho con cái họ tránh xa Casper trong sân chơi. Cậu bé luôn là tâm điểm chú ý của Kurland ngay cả khi cô làm việc.
Counting Boxcars in the Cajon Pass | Đếm Xe Chở Hàng Ở Đèo Cajon, 2010: "Có quá nhiều biến cố trong giai đoạn thực hiện bộ ảnh. Sự thay đổi của Casper và việc đưa con trở lại cuộc sống bình thường để có thể hòa nhập với những đứa trẻ khác không hề dễ dàng. Việc nuôi dạy con cái không bao giờ đơn giản. Nhìn lại những bức ảnh này, tôi thấy sự kiên cường của Casper và cách một đứa trẻ đã đóng góp cho tác phẩm. Đây là kỷ niệm của một thời niên thiếu đã trôi qua từ lâu. Tôi biết ơn những khoảnh khắc bên nhau này", Justine Kurland chia sẻ.