Chạy về phía mùa xuân

Loan bàng hoàng nhìn theo lưng áo ướt mồ hôi của người lính trẻ. Dường như cậu ấy đang chạy về phía mùa xuân.

Giữa tháng chạp, thời tiết bắt đầu thay đổi. Những đợt gió mùa đông bắc đã bớt lạnh lẽo, trời ấm dần lên, nồng nàn đâu đó hương vị mùa Tết.

Chủ nhật, đơn vị tập trung hai tiếng đồng hồ vệ sinh toàn doanh trại. Tranh thủ lúc nghỉ, Hà đem giặt chiếc áo bông lính dày cộm. Tiết trời se lạnh chẳng ăn thua gì với sức thanh niên tuổi hai mươi. Năm nay là cái Tết thứ hai xa nhà. Dù cười nói suốt ngày, dù ngồi vỗ rát tay, hát trong buổi sinh hoạt đại đội “Vì nhân dân quên mình. Vì nhân dân hy sinh…”, thì nỗi nhớ nhà vẫn như ngọn lửa nhỏ nhen nhóm trong lòng Hà.

Hương Tết theo về từ bó lá dong xanh thẫm mẹ mua ngoài chợ. Hai ống giang được bố đem ra chẻ lạt gói bánh chưng. Nếu ở nhà, Hà sẽ nhận phần việc dễ và cần khéo tay nhất là lột lạt dang ra từng cọng thật mỏng, rồi nối lại để bố gói bánh chưng. Hà sẽ vừa ngồi lột lạt, mà bụng nấp nỏm nghĩ đến bộ quần áo mới được mua, mong bao giờ cho đến mùng một Tết để diện đi chơi.

Hồi còn ông nội, trên ngọn cây nêu ngày Tết thường treo tấm mo nang vẽ cung tên bằng vôi trắng để đuổi ma quỷ. Sau này bố treo cờ Tổ quốc lên, trông đẹp hơn.

- Quỷ sứ chạy hết ra biển rồi. Treo cờ lên chào mừng đất nước.

Bố giải thích với Hà như thế.

*

Bà Lục ngồi thần bên thềm, tính toán xem năm nay gói bao nhiêu chiếc bánh chưng. Rồi phải ra chợ mua cho bố thằng Hà bộ quần áo mới, bằng vải kaki, cũng tốn hơn hai trăm nghìn.

Nặng nhất là tiền thịt lợn, gần triệu bạc. Năm nay đụng lợn với nhà bà Hạnh. Con lợn nuôi hai năm rồi, toàn ăn rau cỏ, nặng cả tạ chứ ít đâu. Nhưng mà đắt xắt ra miếng, lợn sạch giá phải khác, chứ như con lợn nhà lão Thành năm ngoái, cạch đến già. Ai lại con lợn tạ hai, mà mổ ra cái dạ dày to như trống cái, rạch dạ dày ra, tràn một góc giếng toàn cháo gạo với cá mắm. Con lợn ăn no quá, đi không nổi chỉ nằm chờ chết. Lão Thành ăn không cái dạ dày, được hơn triệu đồng mà tiếng để đời. Tết năm nay, lão có con lợn tám chục cân, gọi mãi chả ai thèm đụng.

Thấy chồng lễ mễ bưng mấy thứ trên bàn thờ đi lau rửa, bà nhắc:

- Cẩn thận không vỡ. Sao không để thằng Hà về nó lau cho? Nghe đâu năm nay nó được về nghỉ Tết đợt một.

- Ôi dào, chờ nó thì biết bao giờ mới xong?

Toàn là đồ gỗ cổ từ đời các cụ để lại. Ông Lục xếp mâm bồng, ống nhang, cây nến, hạc cưỡi rùa… từng chiếc một ra chiếu giữa nhà, rồi lau chùi hương án trước. Vải trắng, que tre, luồn vào từng khe gỗ chạm trổ tinh vi những long, ly, quy, phượng sạch sẽ, bóng loáng lên, rồi mới đến mấy thứ trên chiếu. Hết buổi sáng, trời lạnh mà mồ hôi lấm tấm trên trán.

- Mùng ba Tết, khéo tôi đi thăm lão Đồng dưới thị trấn bà ạ. Anh em trước cùng đơn vị, mà hai năm chưa ngồi uống với nhau chén rượu nào. Con gái lớn nhà ấy, bằng tuổi thằng Hà mà hóm đáo để. Tôi định xin nó về làm dâu. Lão Đồng hồi ở lính, từ lúc binh nhì đã biết tính toán, khôn ngoan, nên chẳng lúc nào khổ. Con gái mà giống tính bố, còn gì bằng.

- Tôi chả muốn thằng Hà lấy vợ thị trấn. Cứ gái quê mà cưới, nó còn giúp tôi việc ruộng vườn.

- Ơ hay. Thế bà định cưới dâu hay tìm người ở? Tết này nhất định tôi dẫn thằng Hà xuống thị trấn đấy.

Tự dưng nỗi buồn bực trào lên trong lòng ông. Đúng là đàn bà “sâu sắc như cơi đựng trầu”, nghĩ chuyện trước mắt không dài quá ba mét. Nhìn con dâu nhà Trung râu đấy, to khỏe như đàn ông, việc nặng việc nhẹ làm băng băng, nhưng cứ xong việc là ngồi một đống như đụn rạ, chẳng biết làm gì tiếp theo.

Nhà ông, thằng Hà là con trai trưởng, công việc trong nhà sau này không có con dâu giỏi là khốn khổ. Buông mấy thứ đồ thờ xuống, ông tìm ngay điện thoại, gọi cho lão Đồng. Chuông điện thoại kêu một lúc mới thấy ông bạn nghe máy:

- Gớm, làm gì mà lâu thế?

- Đang rửa lá dong gói bánh. Lão mổ lợn chưa?

- Ăn đụng. Ba mươi người ta mới mổ.

- Tôi mổ sớm, hai sáu lên uống rượu nhá.

Ông Lục lưỡng lự, đi hay không khó quyết.

- Thôi, để mùng 3 bố con tôi sang chúc Tết ông bà cả thể. Này, chuyện thằng Hà làm rể nhà lão, quyết luôn nhá?

- Được thế còn gì bằng. Thì ông cứ dắt thằng bé sang đây, cho hai đứa nó gặp nhau đã.

Ông Lục cười hỉ hả. Xong một việc lớn. Không vui sướng nào bằng được thông gia với bạn chiến đấu.

Ông lại băn khoăn, không biết năm mới sang chơi nhà bạn, thông gia tương lai, thì nên mang quà gì? Ông chợt nhớ những ngày nằm chốt ở Tây Ninh, đánh quân Pol Pốt. Pháo địch nổ suốt đêm ba mươi Tết. Ông và hạ sĩ Đồng ngồi chung một hầm, phải lấy áo che kín khẩu trung liên RPD cho đất bụi khỏi bắn vào. Đồng chép miệng:

- Tự nhiên thèm cặp bánh dày mày ạ. Bây giờ mà ở quê, được chén một cái bánh thì sướng quá.

Ờ phải rồi, hay mình mua chai rượu ngon với hộp bánh dày sang làm quà. Xem lão Đồng còn nhớ ngày xưa không?

Bà Lục loay hoay với thúng quần áo cũ. Thôi đành nhét vào trong kho, qua mấy ngày Tết chứ bà không muốn đốt. Toàn đồ còn dùng được, chờ ra giêng có ai thì cho người ta. Bực mình cái ông chồng gàn dở, đũa mốc lại đòi mâm son. Mình dân nhà quê thì cứ gái quê mà cưới dâu, lại còn muốn ra thị trấn tìm thông gia. Càng bạn bè, đồng ngũ, càng khó xử. Con cái yên lành không sao, lỡ có xô mâm, vỡ bát, biết nói với nhau thế nào?

Tiếng cười nói lao xao ngoài cổng, làm ngắt dòng suy nghĩ của bà Lục. Bốn bà hàng xóm váy áo lòe xòe bước vào cổng.

- Ới chị Lục, chúng em nhờ tí.

Bà Lục tròn mắt:

- Nhờ cái gì? Đi đâu mà quần áo như phường chèo thế?

- Sang rủ bà chị tham gia nhóm dân vũ cho vui. Tiện cái sân có mái che, cho chúng em tập nhờ mấy buổi.

Bà Lục ngơ ngác chả biết dân vũ, quan vũ là thứ gì. Chị em muốn tụ tập ở đây cứ việc. Càng vui nhà vui cửa.

Mãi tới lúc chiếc loa kéo được đem tới, bật lên uỳnh uỳnh, đinh tai nhức óc, bà Lục mới biết thế nào là dân vũ. Mấy bà U50, non U60 thoắt như trẻ lại tuổi thanh xuân, rộn ràng từng bước nhảy. Cánh tay vung vẩy nhịp trước, nhịp sau tanh tách. Những đôi má hồng dần lên với cặp mắt sáng ngời. Họ phải tập cho thành thục, kịp cho liên hoan đón giao thừa sẽ biểu diễn ở nhà văn hóa thôn.

Ông Lục bực mình mà không dám nói gì, bèn đóng cửa, bỏ sang hàng xóm hút thuốc lào.

- Chị Lục ơi, để chúng em tìm một người nữa, chị tham gia cho đủ ba cặp nhé? Vui lắm chị ạ, lại khỏe người.

- Tôi chịu, sáu mươi lăm rồi, nhảy nhót gì?

Rồi bà phá lên cười khanh khách.

*

Binh nhất Hà đã phải cởi chiếc áo bông lính nặng trịch ra.

Buổi sáng trên thao trường khá lạnh, mặc dù mặt trời đã lên cao. Trung đội mới thực hành khoa mục vận động cá nhân qua địa hình, địa vật một giờ, lính đã vã mồ hôi. Hà cúi đầu sát đất, hai mắt mở to chiếu vào lớp dây thép gai căng thấp trước mặt. Hai bàn tay úp sấp đặt trước ngực, hai mũi chân chống thẳng xuống đất, đẩy người về phía trước, nhích từng xen ti mét.

Bài vượt bãi thép gai này rất vất vả, phải áp sát người xuống đất, mà có khi còn bị thép gai móc vào vai áo hoặc mông đau nhói. Khẩu hiệu trước cổng thao trường ngày nào cũng đập vào mắt. “Thao trường đổ mồ hôi. Chiến trường đỡ đổ máu!”.

Ông bố cũng mấy năm chinh chiến, thường nhắc nhở con trai. “Chịu khó mà luyện tập! Chứ cứ lười biếng, ỷ lại vào mẹ như ở nhà là không ổn đâu. Lính là phải nhanh nhẹn, dũng cảm”. Nhưng trong đầu cậu lính chỉ miên man nghĩ đến Tết. Tết ở đơn vị rất vui và đầy đủ, nhưng Hà nhớ nhà, nhớ cái hương vị Tết quê nồng nàn, ngai ngái.

Hồi nhỏ, Hà thích thức trắng đêm giao thừa. Không phải chờ đón chúa xuân, mà chờ cặp bánh chưng mẹ gói cho hai chị em.

Giờ sắp có vợ rồi, mà Hà vẫn thích bánh chưng, nhớ mùi nếp dẻo thơm trộn lẫn mùi đỗ xanh ngầy ngậy, miếng bánh nóng hổi giữa đêm giá lạnh.

Tết này, nếu được về nghỉ đợt một như sắp xếp của đơn vị, nhất định Hà sẽ gói cho hai đứa cháu cặp bánh chưng con. Bánh chưng con phải gói bánh dài mới đẹp, chứ gói bánh vuông, nhìn có khác gì những chiếc bánh chưng khác.

Đợt một, những anh em nhà gần được nghỉ từ 28 tháng chạp đến hết ngày mùng 1 Tết. Mùng 2 phải có mặt để những người quê xa nghỉ cho tới mùng sáu. Hà đã lên kế hoạch cả rồi. Sẽ mượn xe máy của cô giáo Loan bên trường tiểu học, đi về nhà. Bốn mươi cây số tỉnh lộ, chạy hết một tiếng rưỡi, vẫn kịp ngồi gói bánh với mẹ. Mùng 2 trả phép, tiện vào trả xe và chúc Tết gia đình cô Loan luôn. Cô giáo Loan lớn hơn Hà một tuổi, người không đẹp, nhưng thùy mị, đoan trang. Hai người là bạn thân hơn một năm nay. Những ngày nghỉ chủ nhật, hễ được phép ra khỏi doanh trại là Hà lại sang phòng cô Loan mượn sách đọc. Cô Loan khen:

- Cậu chịu khó đọc sách thật đấy. Loan rất quý những người đọc sách.

Hà ấp úng:

- Em… tôi mê sách từ hồi còn đi học. Vớ được quyển nào là đọc quyển ấy.

Một lần Hà đến chơi, đang mải mê ngồi đọc cuốn truyện, cô Loan chợt phát hiện một vệt rách bằng đốt ngón tay sau lưng áo chú lính, liền hỏi tại sao áo rách, Hà ngượng, thanh minh:

- Em đi tập chiến thuật ban đêm, bị dây kẽm gai móc phải. Áo thì rách, còn bị trừ điểm vì làm lộ bí mật, do lũ ống bơ kêu lên.

- Đã xưng tôi rồi, lại còn em. Ông bà nói hơn một bằng chà, hơn ba bằng chị.

Hà gãi đầu:

- Tôi quen miệng…

- Thôi cởi áo ra, tôi vá lại cho, tý là xong thôi. Chứ ai mặc áo rách ra đường.

Hà ngượng quá, gia tài lính có hai bộ quần áo. Bộ kia vừa giặt, phải mặc áo rách chứ biết làm sao. May còn có chiếc áo lót mặc trong, nên không hở lưng. Cuối cùng rồi cô Loan cũng dỗ dành được Hà cởi chiếc áo ra cho cô vá lại. Vết rách khoảng 1 cm, kim chỉ nhíp lại hai phút là xong, mà cô giáo vá lâu quá. Hà ngồi chờ sốt ruột, nơm nớp lo có cô giáo nào đó bước vào phòng thì xấu hổ chết.

Đến nay, cậu đã mạnh dạn hơn, hai người đều xưng tên mỗi khi gần nhau.

- Bao giờ Hà ra quân, Loan làm mối cho một cô giáo vừa xinh vừa đảm nhé.

- Bắn không nên phải đền đạn đấy.

Cô Loan cười chúm chím:

- Yên tâm, cô giáo đã bắn là không trượt được đâu.

Vừa rồi, nghe Hà khoe được nghỉ mấy hôm Tết, cô Loan mới bàn rằng Hà lấy xe máy về quê, xong mùng 2 chạy thẳng ra nhà Loan trả xe, rồi Loan chở Hà lên đơn vị.

Cô giáo Loan băn khoăn mãi, không biết chọn quà gì gửi về cho bố mẹ Hà. Người yêu không phải, bạn gái thì chưa, khó xử thật. Cô muốn mua cho hai cụ, mỗi người bộ quần áo, nhưng thấy không ổn. Phải tư cách là con dâu, người ta mới dám tặng như thế. Hay là mua hai hộp nước yến, biếu các cụ bồi dưỡng sức khỏe. Mai ra chợ mua cho kịp, còn ba ngày nữa Hà nghỉ phép rồi.

- Cô Loan ơi, cô Loan…

Hà xồng xộc bước vào, quên cả gõ cửa. Trên người là bộ quân phục màu cỏ úa, chân mang giày vải. Hà đưa vội cho cô mảnh giấy.

- Số điện thoại của bố. Loan gọi giúp báo Hà phải công tác đột xuất, không về Tết được. Hà xin phép chạy sang đây 5 phút. Giờ hành quân tới rồi.

Loan bàng hoàng, buông rơi tập giáo án xuống giường, nhìn theo lưng áo ướt mồ hôi của người lính trẻ. Dường như cậu ấy đang chạy về phía mùa xuân.

Nhà văn PHÙNG PHƯƠNG QUÝ

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chay-ve-phia-mua-xuan-402957.html