Cháy vé tàu hỏa cao điểm hè
Nhiều gia đình lựa chọn mua vé tàu hỏa để về quê và du lịch trước một tháng trong bối cảnh cháy vé tàu hỏa và giá vé máy bay thì cao.
Giá vé máy bay cao, đặc biệt vào dịp hè 2024, nhiều gia đình, các đoàn khách lựa chọn đi tàu hỏa để về quê, du lịch
Cháy vé tàu hỏa chặng dài
Khảo sát của PV sáng 20-6, chặng tàu ngắn trên các tuyến tàu như SE22 (TP.HCM-Đà Nẵng) xuất phát từ ga Sài Gòn lúc 10 giờ 20 không còn ghế trống.
Tương tự, tàu SE10 xuất phát lúc 12 giờ 20 hay SE 6 xuất phát lúc 15 giờ (TP.HCM – Hà Nội) còn rất ít ghế trống ở khoang ghế mềm điều hòa. Còn khoang giường nằm vẫn còn khá nhiều chỗ khách lựa chọn.
Riêng các đoàn tàu SE30, SNT2, SNT4 hay SPT1 gần như không còn chỗ trống hoặc rải rác ghế ở một số khoang.
Các chặng xa hơn từ TP.HCM đi Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Đà Nẵng trên các loại tàu đã "cháy" vé ở tất cả các loại khoang.
Khảo sát giá vé tàu dịp hè cho thấy, giá có tăng nhưng không nhiều, đơn cử ghế ngồi mềm lạnh từ TP.HCM đi Phan Thiết có giá 235.000 – 267.000 đồng, giường nằm khoang sáu điều hòa đi Nha Trang có giá 500.000 đồng (tùy từng mác tàu và loại chỗ).
Một số chặng dài hơn như TP.HCM đi Quảng Ngãi có giá 716.000 đồng đối với ghế mềm điều hòa và hơn 1 triệu đồng cho giường nằm (tùy theo mác tàu và loại khoang).
Chị Hồ Huyền (ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ: “Các con tôi chưa được đi tàu hỏa, nên hè này tôi quyết định mua vé giường nằm cho các con về thăm ông bà. Tôi thấy các đoàn tàu hiện nay đã sạch và đẹp hơn trước rất nhiều, thoải mái đi lại giữa các toa”.
Chị Huyền tính toán để mua được vé tàu hỏa chị đã đặt trước ngày khởi hành một tháng, vì dịp hè thường khan vé, còn vé máy bay cao chót vót. Như vậy, gia đình chị Huyền chỉ chi hơn 4 triệu đồng cho vé giường nằm từ TP.HCM về Quảng Ngãi, còn đi máy bay tốn hơn 10 triệu đồng.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, tính từ ngày 1 đến hết ngày 15-6, lượng hành khách xuất phát tại ga Sài Gòn tăng nhiều so với dịp hè năm 2023.
Cụ thể, số lượng hành khách lên tàu 53.872/45.607 hành khách, tăng 18%. Trong đó, số lượng đoàn tàu đi cũng tăng 5% với tổng lượt tàu đi là 159/151 đoàn tàu năm 2023. Đáng chú ý, lượng hành khách đi Nha Trang tăng nhiều nhất với hơn 13.000 hành khách.
“Dịp hè 2024, vé tàu hỏa tăng khoảng 3% tùy theo mác tàu, ngày đi và loại ghế. Ngành đường sắt cũng áp dụng nhiều chương trình ưu đãi dành cho khách đi tàu”- ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, giá vé tàu cao điểm hè so với ngày thường tăng bình quân 11%. Đơn cử, ghế ngồi TP.HCM đi Phan Thiết tăng 11%, Đà Nẵng tăng 10,8% và Nha Trang tăng 13,8%.
Hành khách mua vé cá nhân các đoàn tàu SE1/SE2, SE5/SE6, SE9/SE10, SE11/SE12 trước ngày khởi hành từ 20-39 ngày sẽ được giảm 5%; trước 40 ngày trở lên được giảm 10% giá vé.
Du lịch bằng đường sắt tăng vọt
Thị trường nội địa, do giá vé máy bay cao nên du khách có xu hướng sử dụng phương tiện di chuyển đường sắt, đường bộ. Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty lữ hành Vietluxtour cho biết, với các đoàn vài trăm khách đến vài ngàn khách sẽ có xu hướng chọn tuyến du lịch đường bộ và đường sắt. Cụ thể, các tuyến khởi hành từ TP.HCM đến Phan Thiết, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Yên, Quy Nhơn… hoặc Hà Nội đến Vịnh Hạ Long, Sầm Sơn, Ninh Bình…
Với ngành đường sắt, nhiều công ty lữ hành vẫn có thể đặt các toa tàu riêng trong khung giờ đẹp nếu đoàn khách đủ lớn - tương tự như các chuyến bay charter (thuê bao nguyên chuyến) để có lịch trình riêng cho mình.
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến du lịch đường sắt ngày càng hút du khách trong các kỳ nghỉ, đặc biệt là dịp hè. Đầu tiên ngành đường sắt chủ động xây dựng sản phẩm mới, tân trang lại toa tàu thậm chí cung cấp dịch vụ năm sao trên tàu. Tiếp đến, du lịch bằng đường sắt sẽ không xảy ra tình trạng kẹt xe, khởi hành đúng giờ. Cuối cùng là giá vé hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM thông tin, lượng khách du lịch dịp lễ bằng bằng tàu hỏa, ô tô từ TP.HCM đến những điểm lân cận hoặc xa hơn như Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn… tăng lên đáng kể thời gian qua.
Bà Khánh nhìn nhận, sự kết nối giữa hiệp hội, công ty lữ hành với ngành đường sắt trong xây dựng sản phẩm du lịch, liên kết để tạo những sản phẩm tour, tuyến mới. Sự kết nối này đã đạt hiệu quả nhưng đòi hỏi các đơn vị cần mở rộng thêm các kênh bán trực tuyến để khách du lịch có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch TP.HCM sẽ tiếp tục trao đổi, làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, công ty lữ hành để cùng xây dựng những sản phẩm du lịch hợp lý, hấp dẫn và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Ngành đường sắt linh hoạt hơn trong giá vé, đa dạng các tuyến, chặng để khách thêm sự lựa chọn.
Hành khách “tự do” chọn chỗ ngồi
Kể từ ngày 20-6, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thí điểm triển khai phương thức bán vé mới trên các đoàn tàu HP1/2 tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tàu SPT1/2 tuyến TP.HCM - Phan Thiết theo hình thức bán vé tự động xếp chỗ, loại chỗ áp dụng: ghế ngồi mềm điều hòa.
Theo đó, khi hành khách mua vé các đoàn tàu này hệ thống bán vé sẽ tự động chọn chỗ cho hành khách theo số lượng người đi tàu.
Nguồn PLO: https://plo.vn/chay-ve-tau-hoa-cao-diem-he-post796523.html