Chế biến để tăng sức cạnh tranh cho nông sản

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi với hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, HTX với các doanh nghiệp. Đây được xem là bước đi phù hợp để nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh cho nông sản góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu của gia đình chị Nguyễn Thị Hoan, xã Quảng Hợp (Quảng Xương).

Tại huyện Quảng Xương, vài năm trở lại đây, việc sản xuất dần thực hiện theo chuỗi liên kết với các loại cây trồng chủ lực như: dưa vàng Kim Hoàng Hậu, su su, ngọn su su và các loại rau an toàn... đã góp phần nâng cao chất lượng, giá trị, ổn định đầu tư đầu vào và đầu ra cho sản nông sản. Tuy nhiên, việc sản xuất nông nghiệp của bà con cũng còn nhiều hạn chế với quy mô nhỏ lẻ không tập trung nên thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Các sản phẩm chủ yếu thông qua đầu mối bán lẻ tiêu thụ nội bộ, lợi nhuận nằm ở một bộ phận tiểu thương, còn người nông dân không có lãi. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc nông dân không thiết tha với nông nghiệp và ngại đầu tư cho nông nghiệp. Nhằm khắc phục tình trạng trên để tìm ra hướng đi mới cho nông dân, từ cuối năm 2016, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Hợp thành lập và trở thành nhà cung cấp thực phẩm cho một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong Thanh Hóa, Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung Bộ, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang, Công ty CP Mía đường Lam Sơn... Ngoài ra, một số sản phẩm của HTX được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Winmart; được in logo, nhãn mác, bao bì, đăng ký mã vạch, mã số.

Mới tham gia chế biến nông sản sấy khô nhưng sản phẩm ngô, khoai lang, khoai tây, chuối sấy... của Công ty CP Chế biến thực phẩm Lam Sơn (TP Thanh Hóa) đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng nội địa. Có được thành công này, công ty đã đầu tư dây chuyền sấy chân không hiện đại để cho ra đời sản phẩm nông sản sấy giòn, giữ nguyên hương vị tươi tự nhiên và không sử dụng dầu chiên cũng như chất bảo quản. Từ những nông sản cơ bản này, công ty nghiên cứu chế biến nhiều sản phẩm phù hợp cho từng đối tượng khách hàng là trẻ nhỏ, người già, người ăn kiêng, như khoai sấy mật ong, gạo lứt sấy muối mè, ngũ cốc sấy... Giá trị nông sản đã tăng khoảng 200% so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu. Hiện tại, mỗi năm công ty thu mua hàng nghìn tấn nông sản tươi của các địa phương và các tỉnh lân cận, cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn ngô sấy, 150 tấn khoai lang sấy và 100 tấn chuối sấy thông qua các hệ thống bán hàng trong tỉnh.

Có thể nói, nhờ đầu tư cho công nghiệp chế biến đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bước phát triển mới này không chỉ mở ra tín hiệu tích cực trong việc nâng cao giá trị gia tăng cho từng sản phẩm nông sản hàng hóa mà còn giúp các doanh nghiệp có nhận thức đúng hơn trong việc định hướng phát triển sản phẩm. Ngoài chỉ tiêu chất lượng thì đây là những điều kiện đủ để nâng tầm nông sản trên thị trường.

Tính đến nay, cả tỉnh có gần 600 cơ sở chế biến nông sản quy mô công nghiệp, góp phần đưa các sản phẩm nông sản của tỉnh xuất khẩu (XK) tới hơn 120 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, đa số công nghệ và chất lượng chế biến nông sản chỉ đạt mức độ trung bình. Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp. Cụ thể, mặc dù kim ngạch XK nông sản của tỉnh có mức tăng trưởng hằng năm khá (bình quân tăng khoảng 5 đến 7%/năm), song sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế, chất lượng không đồng đều, chưa bảo đảm yêu cầu an toàn thực phẩm và tiêu chí vệ sinh theo yêu cầu của nhà nhập khẩu... Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản.

Báo cáo của Sở Công Thương cho thấy: Năm 2022, mặc dù đa phần các mặt hàng nông, thủy sản có lượng XK tăng, tuy nhiên kim ngạch XK giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân một phần do tác động của thị trường thế giới, phần khác do nông sản của tỉnh chủ yếu XK thô, giá bình quân giảm mạnh làm cho kim ngạch XK giảm. Điều này khiến các mặt hàng nông sản khó cạnh tranh và không có thương hiệu.

Nhằm nâng cao chất lượng cũng như gia tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích, thu hút các tổ chức, DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến... Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, cần phải tổ chức phát triển liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ tại từng địa phương, từng vùng có sản lượng nông sản lớn, để bảo đảm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Cùng với đó, nên sửa đổi chính sách về thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng mở rộng lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế suất thuế cho các lĩnh vực nông sản được ưu tiên thu hút đầu tư; bảo đảm công bằng trong việc đánh thuế VAT giữa hàng hóa XK và tiêu thụ nội địa.

UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các ngành có liên quan thực hiện các giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận bình đẳng, minh bạch các nguồn lực đất đai, nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ để sản xuất hàng hóa, đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch của các vùng, ngành, từng sản phẩm để phát huy lợi thế của địa phương, gắn quy hoạch theo nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị cũng cần được đẩy mạnh để có thể đáp ứng tốt hơn những yêu cầu của thị trường xuất khẩu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong những năm tới.

Bài và ảnh: Chi Phạm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/che-bien-de-tang-suc-canh-tranh-cho-nong-san/179350.htm