Chế biến khoai mì theo chuỗi giá trị

Với đóng góp chiếm 50% tổng thu nhập của ngành chế biến khoai mì (sắn) của cả nước, tỉnh Tây Ninh đang tính toán để thúc đẩy chế biến và phát triển ngành sản xuất mặt hàng nông sản này theo chuỗi giá trị.

Bộ Công thương đưa khoai mì vào danh sách 10 cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (có giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba sau cà phê, lúa gạo). Tinh bột mì, mì lát Việt Nam đã trở thành một trong bảy mặt hàng xuất khẩu quan trọng; giá trị, sản lượng chế biến và xuất khẩu tăng trưởng nhanh qua từng năm, Việt Nam là nước xuất khẩu khoai mì đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan.

Tỉnh Tây Ninh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 341.897,0 ha, trong đó có 61.000 ha đất sản xuất khoai mì, (chiếm 23%), lớn thứ hai cả nước(sau tỉnh Gia Lai) với sản lượng hàng năm trên 2 triệu tấn, năng suất bình quân đạt 33,2 tấn/ha, cao nhất cả nước.

Cây khoai mì đã được đưa vào nhóm 10 sản phẩm chủ lực của Việt Nam

Cây khoai mì đã được đưa vào nhóm 10 sản phẩm chủ lực của Việt Nam

Trong tổng số 120 nhà máy chế biến tinh bột mì trên cả nước, tại Tây Ninh đã có 57 nhà máy. Nhờ hiệu quả canh tác đặc biệt cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước, năng suất cây mì trung bình hằng năm ở Tây Ninh đạt từ 33 - 35 tấn/ha, cao gấp 1,7 lần năng suất trung bình của cả nước (20 tấn/ha). Dù tổng diện tích trồng mì chỉ chiếm 10% tổng diện tích mì của cả nước nhưng sản lượng lại chiếm tới 20% tổng sản lượng quốc gia. Ngành chế biến khoai mì của tỉnh đã đóng góp 50% vào tổng thu nhập quốc gia từ cây mì.

Hiện tại, sản xuất khoai mì trong tỉnh chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu về nguyên liệu. Hằng năm, các nhà máy trong tỉnh thường phải nhập khẩu từ 2 đến 3 triệu tấn củ tươi từ các địa phương khác như Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai… và nước bạn Campuchia. Tổng kim ngạch nhập khẩu củ mì tươi và mì lát khô từ Campuchia là hơn 1 tỷ USD trong năm 2022.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, các doanh nghiệp chế biến, sản xuất cần ký kết hợp đồng với người dân, chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, không thông qua thương lái, bảo đảm quyền lợi của cả doanh nghiệp và nông dân; Để ngành chế biến khoai mì phát triển bền vững cần xây dựng quy trình sản xuất, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng mì, khuyến khích nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn; tăng cường hoạt động nghiên cứu thị trường…

Thời gian qua, sản xuất, chế biến và tiêu thụ mì đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, mục tiêu đến năm 2030 sản lượng mì tươi cả nước đạt khoảng 11,5-12,5 triệu tấn; Tầm nhìn đến năm 2050 ngành hàng khoai mì của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng mì áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng mì tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, ethanol, mỳ chính...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu mì và các sản phẩm từ mì đạt khoảng 2,3-2,5 tỷ USD.

Nói rõ hơn về đề án, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung cho biết, bộ đã ban hành Đề án với mục tiêu tập trung cải thiện năng suất; đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ cây khoai mì; mở rộng thị trường xuất khẩu; tổ chức sản xuất bền vững. Đặc biệt, các đơn vị thuộc bộ và địa phương nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành hàng này; chủ động phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thị trường, thuế, quy hoạch vùng trồng…

Minh Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/che-bien-khoai-mi-theo-chuoi-gia-tri-154879.html