Chế độ ăn cho người mắc lao da và mô dưới da
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh lao da và mô dưới da cần cải thiện lối sống cá nhân một cách lành mạnh, bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, củng cố hệ miễn dịch để tăng hiệu quả điều trị bệnh.
NỘI DUNG
1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng với người bệnh lao da và mô dưới da
2. Các dưỡng chất quan trọng với người mắc bệnh lao da và mô dưới da
3. Xây dựng chế độ ăn cho người bệnh lao da và mô dưới da
Lao da và mô dưới da là một thể lao ngoài phổi, gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis hoặc các loại mycobacteria không điển hình khác. Lao da và mô dưới da có biểu hiện phong phú, thay đổi tùy thuộc vào độc lực, số lượng của trực khuẩn lao và sức đề kháng của cơ thể bệnh nhân. Bệnh lao da và mô dưới da không phải là tình trạng tổn thương đơn thuần khu trú tại da mà là một bệnh lý toàn thân do vi khuẩn lao gây ra.
Theo BSCKII. Vũ Thị Phương Thảo - Bệnh viện Da liễu TP.HCM, lao da có thể có nhiều hình thái khác nhau, có thể là những sẩn cục trên bề mặt da, đôi khi là vết loét, mụn nước, mụn mủ hoại tử trên bề mặt da. Phác đồ điều trị lao da tương tự như phác đồ điều trị lao phổi. Thời gian điều trị lao da kéo dài từ 6-9 tháng.
1. Tầm quan trọng của dinh dưỡng với người bệnh lao da và mô dưới da

Chế độ ăn lành mạnh góp phần quan trọng trong quá trình điều trị bệnh lao da và mô dưới da.
Dinh dưỡng cần thiết trong việc quản lý, điều trị bệnh lao da và mô dưới da. Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu năng lượng, protein, vitamin và khoáng chất không chỉ giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng, hỗ trợ làm lành tổn thương da mà còn tăng cường sức đề kháng, cải thiện khả năng dung nạp thuốc và rút ngắn thời gian phục hồi. Sự kết hợp giữa tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và một chiến lược dinh dưỡng hợp lý sẽ mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh trên hành trình chiến thắng bệnh lao da và mô dưới da.
Nguyên tắc điều trị bệnh lao da và mô dưới da cũng tương tự như điều trị các bệnh lao khác, bao gồm:
Nâng cao thể trạng;
Chăm sóc tại chỗ;
Kháng sinh điều trị lao.
Việc điều trị lao da nói riêng và bệnh lao nói chung cần có thời gian, mang tính toàn diện, không chỉ đơn thuần là xử trí các tổn thương ở mô da. Tất cả các dạng lao da đều đáp ứng với phác đồ chống lao tiêu chuẩn của WHO với 4 loại thuốc trong 2 tháng, sau đó là liệu pháp kép trong 4 tháng.
Người mắc lao da thường có thể trạng suy nhược và cần được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để phục hồi sức khỏe. Việc lên kế hoạch bữa ăn cân đối, phong phú sẽ hỗ trợ cải thiện tình trạng dinh dưỡng và tăng cường hệ miễn dịch. Dinh dưỡng không chỉ cung cấp năng lượng cho cơ thể chống chọi với bệnh tật mà còn đóng vai trò then chốt trong việc tái tạo mô da bị tổn thương và tăng cường hiệu quả của thuốc điều trị.
2. Các dưỡng chất quan trọng với người mắc bệnh lao da và mô dưới da
BSCKII. Vũ Thị Phương Thảo cho biết: Đối với tình trạng lao da, bên cạnh việc dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, bệnh nhân cần nâng cao sức đề kháng. Khuyến cáo bệnh nhân nên ăn các loại thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể như tăng cường vitamin C, thực phẩm chứa nhiều kẽm hỗ trợ quá trình lành vết thương tốt hơn.
Việc chăm sóc người mắc lao da đúng cách là yếu tố quan trọng để ngăn chặn bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn. Da là cơ quan lớn nhất cơ thể và có khả năng tái tạo mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi nguồn cung cấp dồi dào các "vật liệu xây dựng" như protein (collagen), vitamin C, kẽm, vitamin A... Một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất sẽ thúc đẩy nhanh quá trình liền sẹo, giảm nguy cơ nhiễm trùng thứ phát tại các tổn thương da.
Một số dưỡng chất cần chú trọng bao gồm:
Protein: Cực kỳ quan trọng cho việc xây dựng và sửa chữa mô, bao gồm cả mô da bị tổn thương do lao. Protein cũng cần thiết cho việc sản xuất kháng thể và các tế bào miễn dịch. Nên bổ sung từ các thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa, và các loại hải sản.
Carbohydrate phức tạp và chất béo lành mạnh: Do nhu cầu năng lượng tăng cao (có thể lên đến 35-40 kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày) để bù đắp cho sự tiêu hao do nhiễm trùng và hỗ trợ tăng cân (nếu có sụt cân) nên người bệnh cần tiêu thụ nhiều năng lượng qua các thực phẩm như (gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, khoai lang...) và chất béo lành mạnh (dầu thực vật, quả bơ, các loại hạt...).
Vitamin A, E, C: Có thể tìm thấy nhiều trong rau củ quả màu đậm, trái cây chín mọng và thịt đỏ.
Kẽm: Được cung cấp qua các thực phẩm như sò, hến, hàu, đậu Hà Lan, lòng đỏ trứng và thịt lợn.
Sắt: Có nhiều trong súp lơ, rau xanh đậm và các loại thịt đỏ.
Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn kích thích vị giác, tạo sự ngon miệng cho người bệnh.
3. Xây dựng chế độ ăn cho người bệnh lao da và mô dưới da
3.1. Nguyên tắc chung trong xây dựng thực đơn cho người bệnh lao da và mô dưới da
Đa dạng hóa thực phẩm: Ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo nhận đủ các dưỡng chất cần thiết.
Tăng cường năng lượng và protein: Ưu tiên các thực phẩm giàu năng lượng và protein trong mỗi bữa ăn.
Chia nhỏ bữa ăn: Nếu chán ăn, nên chia thành 5-6 bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính để dễ ăn và hấp thu tốt hơn.
Chế biến mềm, dễ tiêu: Ưu tiên các món luộc, hấp, hầm, nấu súp để dễ nhai nuốt và tiêu hóa.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Rửa tay sạch, ăn chín uống sôi để tránh các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa khác làm tình trạng nặng thêm.
Uống đủ nước (khoảng 2-2.5 lít/ngày, hoặc nhiều hơn nếu sốt, ra nhiều mồ hôi) là rất quan trọng để duy trì hydrat hóa, hỗ trợ các chức năng chuyển hóa, vận chuyển dinh dưỡng và đào thải độc tố.
3.2. Thực phẩm người bệnh lao da và mô dưới da nên ăn
Ngũ cốc: Gạo lứt, bánh mì nguyên cám, yến mạch, khoai lang, khoai tây... cung cấp năng lượng bền vững và chất xơ.
Thịt, cá, trứng, sữa: Chọn các loại thịt nạc, cá (ưu tiên cá béo như cá hồi, cá thu 2-3 lần/tuần), trứng, sữa chua, phô mai ít béo.
Đậu đỗ và sản phẩm từ đậu: Đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu lăng, đậu phụ... là nguồn protein thực vật và chất xơ tốt.
Rau xanh và trái cây: Ăn đa dạng các loại rau lá xanh đậm (cải bó xôi, súp lơ xanh, rau ngót...), rau củ quả nhiều màu sắc (cà rốt, bí đỏ, cà chua, ớt chuông...), và các loại trái cây tươi (cam, quýt, ổi, đu đủ, xoài, chuối, bơ...).
Chất béo lành mạnh: Dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu đậu nành, quả bơ, các loại hạt (óc chó, hạnh nhân, hạt điều...).
Đồ uống: Nước lọc, nước ép trái cây tươi (không thêm đường), sữa, súp rau củ.

Người bệnh lao da và mô dưới da nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để tăng đề kháng.
3.3. Thực phẩm người bệnh cần tránh hoặc hạn chế
Rượu bia và đồ uống có cồn: Gây hại cho gan (đặc biệt khi đang dùng thuốc kháng lao có thể ảnh hưởng đến gan), cản trở hấp thụ dinh dưỡng, ức chế miễn dịch. Cần kiêng tuyệt đối.
Thuốc lá và chất kích thích: Gây hại cho hệ hô hấp và miễn dịch, làm chậm quá trình phục hồi.
Đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh: Thường chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo trans, muối và đường, ít dinh dưỡng (xúc xích, thịt hộp, mì ăn liền, gà rán...).
Đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán: Khó tiêu, tăng gánh nặng cho gan và hệ tiêu hóa.
Đường và đồ ngọt: Bánh kẹo, nước ngọt có gas... cung cấp năng lượng rỗng, có thể làm giảm cảm giác thèm ăn các thực phẩm bổ dưỡng khác.
Gia vị cay nóng: Có thể gây kích ứng đường tiêu hóa, không nên ăn quá nhiều.
Thực phẩm có thể gây dị ứng (nếu có): Nếu người bệnh có tiền sử dị ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh.
Chế độ ăn trên đây chỉ mang tính tham khảo chung. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và xây dựng một kế hoạch ăn uống cá nhân hóa, phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của mỗi người. Thông báo cho bác sĩ về bất kỳ loại thực phẩm chức năng hoặc thuốc bổ nào đang sử dụng để tránh tương tác không mong muốn với thuốc điều trị lao.