Chế độ ăn nâng cao thể trạng và giảm tác dụng phụ điều trị ung thư da

Mặc dù ung thư da không thể chữa khỏi bằng cách thay đổi chế độ ăn uống nhưng theo các chuyên gia y tế, cũng giống như với một số bệnh ung thư khác, dinh dưỡng có vai trò quan trọng với người bệnh.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh ung thư da

Nội dung

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh ung thư da

2. Các dưỡng chất quan trọng với người bệnh ung thư da

3. Cách đối phó với tác dụng phụ của điều trị ung thư da

Một trong những thách thức lớn nhất mà bệnh nhân ung thư, trong đó có bệnh nhân ung thư da phải đối mặt với các tác dụng phụ khác nhau làm giảm cảm giác thèm ăn.

Điều trị ung thư có thể khiến người bệnh ung thư da cảm thấy buồn nôn, táo bón, kiệt sức hoặc đau đớn. Kế hoạch chăm sóc của mỗi bệnh nhân là khác nhau nhưng hóa trị, xạ trị và các phương pháp điều trị khác rất quan trọng trong "cuộc chiến" chống lại bệnh ung thư, vì vậy hệ thống miễn dịch của người bệnh cần được cung cấp vitamin, khoáng chất, protein ổn định để duy trì hoạt động.

Chế độ ăn quan trọng với người bệnh ung thư da, nâng cao sức đề kháng.

Chế độ ăn quan trọng với người bệnh ung thư da, nâng cao sức đề kháng.

Phương pháp điều trị ung thư ảnh hưởng đến mọi người một cách khác nhau. Hầu hết các phác đồ hóa trị đều kết hợp một số loại thuốc chống buồn nôn để giảm tác dụng phụ. Nhiều bệnh nhân ung thư da mệt mỏi, không đói hoặc không cảm thấy ngon miệng, ngay cả khi đói, họ vẫn có thể cảm thấy no sớm chỉ sau nửa bữa ăn hoặc thậm chí chỉ sau vài miếng ăn.

Do đó, trong quá trình điều trị ung thư, tập trung vào dinh dưỡng là một cách để củng cố, nâng cao sức khỏe. Biết nên ăn gì, uống gì khi điều trị khối u ác tính có thể giúp người bệnh ung thư da đối phó với các tác dụng phụ của việc điều trị. Ăn một chế độ ăn uống cân bằng khi đang điều trị khối u ác tính giúp người bệnh ung thư da:

Nâng cao sức đề kháng: Cung cấp đầy đủ dưỡng chất thiết yếu giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch để chống lại sự phát triển của tế bào ung thư. Giảm nguy cơ bị nhiễm trùng. Vitamin A, C, E và các chất chống oxy hóa có trong trái cây, rau củ giúp giảm tổn thương tế bào do gốc tự do gây ra.

Hỗ trợ quá trình điều trị: Giúp cơ thể phục hồi sau phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị. Giảm tác dụng phụ của các phương pháp điều trị như buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi. Duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng hoặc giảm cân quá nhiều, ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng thường gặp ở bệnh nhân ung thư. Giúp tâm trạng cảm thấy tốt hơn.

2. Các dưỡng chất quan trọng với người bệnh ung thư da

Uống đủ nước

Điều quan trọng là uống nước và giữ nước trong quá trình điều trị. Cơ thể mất nước dẫn đến mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn... Chất lỏng giúp làm sạch thận khi người bệnh ung thư da đang dùng thuốc.

Giữ đủ nước bằng cách bổ sung chất lỏng vào chế độ ăn uống của người bệnh như nước lọc, súp, nước trái cây, sữa, đồ uống từ đậu nành... Cố gắng uống 6-8 cốc (1½-2 lít) chất lỏng mỗi ngày; Ăn thực phẩm có nhiều nước.

Protein

Chất đạm giúp hệ thống miễn dịch khỏe hơn, giúp cơ thể mau hồi phục trong quá trình điều trị.

Chất đạm giúp hệ thống miễn dịch khỏe hơn, giúp cơ thể mau hồi phục trong quá trình điều trị.

Protein là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của người bệnh ung thư da. Protein giúp hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Protein cũng giúp cơ thể hồi phục, tăng cường cơ bắp.

Thực phẩm giàu protein bao gồm:

Thịt, gia cầm, cá, cá ngừ hoặc cá hồi đóng hộp, trứng.
Phô mai, sữa chua.
Bơ hạt/hạt (như đậu phộng, hạnh nhân, bơ hạt hướng dương), các loại hạt.
Đậu lăng, đậu xanh (cây họ đậu).
Sữa, đậu phụ hoặc đồ uống từ đậu nành.
Bột sữa gầy, bột whey protein, bột protein đậu.

Lượng protein người bệnh ung thư da cần còn phụ thuộc vào chiều cao, cân nặng, mức độ hoạt động và phương pháp điều trị mà họ đang thực hiện. Bác sĩ, điều dưỡng hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ tư vấn lượng protein phù hợp với mỗi cá nhân người bệnh là bao nhiêu.

Lý tưởng nhất là chế độ ăn uống của người bệnh ung thư da được xây dựng dựa trên protein chất lượng cao, thực vật và quá trình hydrat hóa như:

Thịt nạc trắng (gia cầm, hải sản).
Đậu lăng, các loại đậu.
Hạt giống (bao gồm cây gai dầu, hạt chia, bí ngô).
Sữa ít béo, sữa chua Hy Lạp, phô mai tươi.
Trái cây (bao gồm sốt táo, đào, các loại trái cây mềm khác).
Rau (súp lơ, bông cải xanh và các loại rau nhiều màu sắc khác).
Nước (cũng xem xét sữa và nước dừa).

Các chất dinh dưỡng giàu chất chống oxy hóa

Chế độ ăn chống viêm bao gồm các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, vitamin và chất dinh dưỡng có thể giúp chống lại các gốc tự do được cho là gây ra một số bệnh ung thư, trong đó có ung thư da. Một số chất chống oxy hóa này bao gồm vitamin C, E, A, cũng như kẽm, selen, beta carotene, acid béo omega-3, lycopene và polyphenol.

Một đánh giá trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy các chất phytochemical, đặc biệt là beta carotene và các carotenoid khác, giúp bảo vệ chống lại các tia UV có hại. Nghiên cứu kết luận, việc cung cấp tối ưu các vi chất dinh dưỡng chống oxy hóa cho da sẽ làm tăng khả năng bảo vệ cơ bản của da chống lại tia UV, hỗ trợ bảo vệ lâu dài hơn, góp phần duy trì sức khỏe và vẻ ngoài của làn da.

Beta carotene: Một chất dinh dưỡng tự nhiên, chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể. Phổ biến trong trái cây, rau quả có màu cam, chẳng hạn như mơ, xoài, bí, cà rốt hoặc khoai lang.

Vitamin C: Các nghiên cứu được chấp nhận cho thấy vitamin C gây độc cho tế bào ung thư, mặc dù không có bằng chứng nào về tác dụng chữa bệnh. Cam, chanh, dâu tây, các loại rau lá xanh là nguồn cung cấp vitamin C tốt.

Vitamin D: Một nghiên cứu trên Tạp chí Ung thư lâm sàng cho thấy những phụ nữ có tiền sử ung thư da không phải khối u ác tính dùng một lượng nhỏ vitamin D kết hợp với canxi sẽ giảm nguy cơ mắc khối u ác tính nói chung.

Mặc dù da sản xuất vitamin D thông qua việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhưng người bệnh ung thư da tiếp xúc quá nhiều không có lợi. Một số đặc tính chống ung thư được chấp nhận đối với vitamin D và các nguồn an toàn bao gồm dầu gan cá tuyết, cá hồi hoặc một lượng nhỏ hơn trong các sản phẩm từ sữa, phô mai và nước cam tăng cường vitamin D.

Vitamin E: Đã được chứng minh là có tác dụng đối với các gốc tự do và giúp da hoạt động như một hàng rào bảo vệ. Bổ sung vitamin E trong chế độ ăn kiêng tốt hơn thực phẩm bổ sung, chẳng hạn như hạnh nhân, hoặc các loại hạt như hạt hướng dương, rau bina hoặc đậu nành.

Lycopene: Được tạo ra bởi quá trình tiến hóa để bảo vệ cà chua khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời và do đó có ích cho làn da. Chất chống oxy hóa này có trong cà chua, dưa hấu, mơ, bưởi, cam đỏ...

Acid béo omega-3: Được cho là có tác dụng giảm viêm và hạn chế các quá trình hóa học thúc đẩy ung thư da. Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, quả óc chó, hạnh nhân... là nguồn cung cấp tốt.

Polyphenol: Chất chống oxy hóa mạnh mẽ thường được tìm thấy trong trà có tác dụng giảm viêm, có thể ức chế sự phát triển của khối u. Một nghiên cứu trên Tạp chí Dinh dưỡng cho thấy các polyphenol có trong trà xanh có tác dụng sửa chữa DNA ở làn da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời bằng cách hấp thụ bức xạ tia cực tím và trung hòa các gốc tự do. Bằng cách tăng lưu lượng máu và oxy đến da, polyphenol cũng có thể cải thiện chất lượng da tổng thể.

Selenium: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tăng lượng selen có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc một một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư da. Các loại hạt, thịt gà... là một nguồn cung cấp tốt.

Kẽm: Chất xúc tác kích hoạt chất chống oxy hóa trong cơ thể, giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tốt để chống lại bệnh ung thư, giảm tổn thương DNA. Thịt đỏ, động vật có vỏ, thịt gia cầm, đậu nướng, đậu xanh và các loại hạt (như hạt điều, hạnh nhân), nhiều loại thực phẩm ăn sáng được bổ sung kẽm.

Người bệnh ung thư da nên ăn các thực phẩm giàu kẽm.

Người bệnh ung thư da nên ăn các thực phẩm giàu kẽm.

Các chuyên gia y tế và chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên bổ sung chất dinh dưỡng từ thực phẩm nguyên chất thay vì thực phẩm bổ sung để thu được nhiều lợi ích dinh dưỡng nhất. Lưu ý rằng nếu người bệnh ung thư da có một số hạn chế nhất định về chế độ ăn uống khiến họ không thể nhận đủ vitamin, khoáng chất thì có thể cần phải bổ sung vitamin, khoáng chất theo chỉ định và tư vấn của bác sĩ.

3. Cách đối phó với tác dụng phụ của điều trị ung thư da

Thay đổi khẩu vị

Nếu thức ăn không có mùi vị, hãy thử thêm các loại thảo mộc khác nhau (như húng quế hoặc hương thảo) hoặc nước sốt (như sốt cà chua, sốt thịt nướng...).
Nếu cảm thấy thức ăn có vị kim loại, hãy thêm nước cam, chanh vào thức ăn hoặc nước.
Nếu thức ăn có vị mặn hoặc đắng, hãy thêm chút đường để thay đổi khẩu vị.
Giảm bớt vị quá ngọt hoặc có tính acid bằng cách thêm chút ít muối.
Nếu thức ăn nóng và mùi vị gây buồn nôn, hãy thử thức ăn mát hoặc ở nhiệt độ phòng. Ngoài ra, hãy tránh những mùi hương nồng nặc khác từ nến, nước hoa, kem dưỡng da.

Tiêu chảy

Chọn thực phẩm, đồ uống ít chất xơ, chất béo, đường lactose, caffeine, gia vị, rượu đường.
Cố gắng uống ít nhất 8 cốc (2 lít) chất lỏng mỗi ngày để tránh mất nước.
Uống nước, nước trái cây pha loãng, nước ngọt không chứa caffeine như trà loãng hoặc trà/cà phê không chứa caffeine.
Chuyển sang dùng sữa hoặc đồ uống đậu nành có hàm lượng lactose thấp thay vì sữa thông thường.
Tránh kẹo không đường, kẹo cao su, bánh quy, thanh có chứa rượu đường như xylitol, mannitol, sorbitol, isomalt.
Ăn các bữa ăn nhỏ, thường xuyên và đồ ăn nhẹ. Cố gắng ăn mỗi 2-3 giờ.

Chán ăn

Bắt đầu bằng cách chuyển sang bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn. Thay vì ba bữa một ngày, hãy thử năm hoặc sáu bữa. Ăn theo lịch trình giống như dùng thuốc. Những bữa ăn này nên có ít nhất một loại protein và trái cây/rau.
Cố gắng ăn nhiều nhất khi người bệnh cảm thấy đói nhất. Ví dụ, coi bữa sáng thành bữa chính nếu người bệnh đói nhất vào buổi sáng. Cố gắng quay trở lại lịch trình ăn uống bình thường, điều này sẽ nhắc nhở đã đến giờ ăn.
Ăn nhiều bữa nhỏ và ăn nhẹ trong ngày.
Chuẩn bị sẵn đồ ăn nhẹ sẵn sàng để ăn (như phô mai, bánh quy giòn, kem, sữa chua, bánh nướng xốp và các loại hạt).
Nếu thức ăn không hấp dẫn, hãy chọn thực phẩm bổ sung dinh dưỡng dạng lỏng vào bữa chính hoặc bữa phụ.

Buồn nôn và nôn

Cố gắng tránh ăn uống cùng một lúc, nên ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên trong ngày. Không ăn sẽ khiến tình trạng buồn nôn trở nên trầm trọng hơn.
Ăn thực phẩm khô, giàu tinh bột như bánh quy giòn và bánh mì nướng để giúp làm dịu dạ dày.
Chọn thực phẩm ấm ở nhiệt độ phòng.
Ngồi thẳng trong một giờ sau khi ăn. Nằm xuống sau khi ăn có thể khiến tình trạng buồn nôn trở nên trầm trọng hơn.
Hãy thử nhấm nháp trà bạc hà để giúp xoa dịu dạ dày.

Đau miệng và khó nuốt

Ăn súp và thức ăn mềm, lỏng nếu người bệnh ung thư gặp khó khăn khi nuốt hoặc bị đau miệng.
Uống những chất lỏng đặc hơn như sữa lắc hoặc sinh tố.
Thêm nước thịt hoặc nước sốt vào thịt, khoai tây, cơm hoặc mì ống để dễ nuốt hơn.
Nhấm nháp chất lỏng như nước trong bữa ăn để giúp dễ nuốt.
Không ăn thực phẩm có tính acid và cay vì chúng có thể gây khó chịu cho miệng và cổ họng.

Hãy để ý về nhiệt độ phòng, trang phục của người bệnh. Quá nóng hoặc quá lạnh sẽ không kích thích sự thèm ăn. Nếu người bệnh gặp khó khăn về mặt dinh dưỡng, hãy nói chuyện với bác sĩ, điều dưỡng.

Thùy Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-nang-cao-the-trang-va-giam-tac-dung-phu-dieu-tri-ung-thu-da-169240626234502129.htm