Chế độ ăn uống tốt cho bệnh nhân lao hạch

Bệnh lao hạch gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và khả năng ăn uống. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ và có chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp người bệnh nhanh phục hồi sức khỏe.

NỘI DUNG

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bệnh lao hạch

2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người mắc bệnh lao hạch

3. Một số thực phẩm người bệnh lao hạch nên hạn chế

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn đối với người bệnh lao hạch

Khi mắc bệnh lao hạch người bệnh thường có triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều hoặc sốt kéo dài, đổ mồ hôi đêm, sụt cân không rõ nguyên nhân, sưng hạch gây đau... Những triệu chứng này làm suy giảm sức khỏe, người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi và khó chịu.

Tình trạng mệt mỏi do bệnh lao khiến người bệnh chán ăn, không muốn ăn. Nếu hạch sưng to ở gần vùng cổ hoặc hàm có thể gây khó khăn hoặc đau khi nhai và nuốt. Do kém ăn và sức khỏe suy yếu, người bệnh lao hạch dễ bị thiếu hụt dinh dưỡng và sụt cân yếu ớt.

Theo ThS.BSNT. Phan Hữu Kiệm, Bệnh viện Phổi Hà Nội, lao hạch bạch huyết nếu được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, đúng nguyên tắc sẽ khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại di chứng.

Bệnh nhân mắc lao hạch được điều trị nội khoa là chính. Điều trị ngoại khoa trong trường hợp hạch to vỡ, hạch to gây chèn ép mạch máu, thần kinh gây đau; hạch to gây dính, hạch hóa mủ và có khả năng vỡ mủ.

Người bệnh cần dùng các thuốc chống lao, điều trị đủ liều, đủ thời gian, chia hai giai đoạn tấn công và duy trì, điều trị có kiểm soát. Phối hợp các thuốc nâng cao thể trạng, chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng...

Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng rất quan trọng với người bệnh lao hạch.

Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng rất quan trọng với người bệnh lao hạch.

Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với người bệnh lao vì căn bệnh này làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể. Do đó, một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung các vitamin (A, C, E, nhóm B), khoáng chất (kẽm, sắt, selen) và protein giúp củng cố hệ miễn dịch, tăng cường khả năng chống lại vi khuẩn lao và các nhiễm trùng cơ hội khác.

Chế độ ăn giàu năng lượng, protein và các dưỡng chất thiết yếu sẽ khắc phục tình trạng mệt mỏi, sụt cân và suy nhược cơ thể, giúp bệnh nhân phục hồi cân nặng, tăng cường sức khỏe và nhanh chóng trở lại các hoạt động hàng ngày.

Thuốc điều trị lao có thể gây ra các tác dụng phụ như chán ăn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa và ảnh hưởng đến chức năng gan. Chế độ ăn uống hợp lý giúp giảm nhẹ các tác dụng phụ này, hỗ trợ cơ thể hấp thu thuốc tốt hơn và tăng hiệu quả điều trị. Một số vitamin và khoáng chất có thể giúp bảo vệ gan và tăng cường chức năng gan trong quá trình dùng thuốc kháng lao.

2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người mắc bệnh lao hạch

Theo BSCKI Lê Ngọc Vinh, khoa Ngoại vú – Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chế độ dinh dưỡng tốt giúp người bệnh lao hạch cải thiện khả năng hồi phục, giảm biến chứng và tăng cường hiệu quả điều trị. Việc thiếu dinh dưỡng có thể khiến bệnh nặng hơn do hệ miễn dịch suy yếu, tăng nguy cơ nhiễm trùng, khiến việc điều trị kém hiệu quả hơn.

Người bệnh cần có chế độ ăn đủ các nhóm chất, cân bằng và đa dạng thực phẩm. Ưu tiên thực phẩm tươi, sạch và dễ tiêu hóa. Chia nhiều bữa nhỏ nếu cảm thấy khó tiêu hoặc chán ăn.

Cung cấp đủ năng lượng: Người bệnh cần được cung cấp đủ năng lượng, tăng lượng calo để bù đắp cho sự tiêu hao do bệnh tật.

Tăng cường protein: vì đây là dưỡng chất rất cần thiết cho việc tái tạo mô bị tổn thương và tăng cường hệ miễn dịch, sản xuất kháng thể để chống lại vi khuẩn lao. Nên ưu tiên các nguồn protein nạc như thịt gia cầm, cá, trứng, các loại đậu đỗ.

Đảm bảo đủ chất xơ: Từ rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh và ngăn ngừa táo bón do tác dụng phụ của thuốc.

Uống đủ nước: Giúp cơ thể đào thải độc tố và duy trì các chức năng bình thường.

Bổ sung các vitamin và khoáng chất sau:

Vitamin A, C, E: Tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa (có nhiều trong rau xanh đậm, quả chín màu vàng, đỏ).

Vitamin nhóm B: Hỗ trợ chức năng thần kinh, giảm tác dụng phụ của thuốc (có nhiều trong thịt nạc, gan, trứng, các loại đậu).

Vitamin K: Quan trọng cho quá trình đông máu (có nhiều trong rau xanh đậm, gan).

Kẽm: Tăng cường miễn dịch, cải thiện vị giác (có nhiều trong hải sản, thịt nạc, các loại đậu).

Sắt: Phòng ngừa thiếu máu (có nhiều trong thịt đỏ, gan, trứng, các loại đậu).

Selen: Chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch (có nhiều trong hải sản, thịt, ngũ cốc nguyên hạt).

Người bệnh lao hạch nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.

Người bệnh lao hạch nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.

3. Một số thực phẩm người bệnh lao hạch nên hạn chế

Rượu, bia: Làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm hiệu quả của thuốc điều trị lao, gây tổn thương gan (đặc biệt khi thuốc lao cũng có tác động đến gan) và có thể tương tác với thuốc.

Thuốc lá: Gây hại nghiêm trọng cho phổi và làm giảm hiệu quả điều trị (nếu có lao phổi kèm theo) và làm suy yếu hệ miễn dịch.

Cà phê đặc, trà đặc: Chứa caffeine có thể gây mất ngủ, lo lắng, ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.

Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh: Thường chứa nhiều muối, chất bảo quản, chất phụ gia không tốt cho sức khỏe và hệ miễn dịch.

Đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ: Khó tiêu hóa, gây gánh nặng cho hệ tiêu hóa, làm giảm hấp thu các dưỡng chất khác.

Thực phẩm chứa nhiều đường: Cung cấp nhiều calo rỗng, làm tăng đường huyết đột ngột rồi hạ nhanh gây mệt mỏi.

Thực phẩm tái sống: Có nguy cơ nhiễm khuẩn gây ngộ độc, làm tăng thêm gánh nặng cho cơ thể đang suy yếu vì bệnh lao.

Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-an-uong-tot-cho-benh-nhan-lao-hach-16925032817001709.htm