Ốm lay lắt vì làm việc 'bán mạng'
Tự nhủ còn trẻ, còn sức khỏe, nhiều người không cho phép bản thân nghỉ ngơi, làm việc đến khi cơ thể không còn chịu đựng được.
Nguyễn Quang Trung, 27 tuổi (Hà Nội) là nhân viên marketing trong tập đoàn lớn. Anh luôn tự hào vì mình là người có năng lực, sẵn sàng làm việc hết công suất để chứng minh bản thân. Với anh, làm thêm giờ, thức khuya để hoàn thành dự án là điều bình thường.
Mỗi ngày của anh là vòng lặp lại căng thẳng, sáng đến công ty với ly cà phê, trưa ăn vội hộp cơm văn phòng, tối lê bước về nhà khi đồng hồ điểm quá nửa đêm. Những bữa ăn thất thường, giấc ngủ chập chờn khiến cơ thể anh kiệt quệ. Đôi lúc chóng mặt, đau đầu, hay cảm thấy tim đập nhanh bất thường, anh chỉ nghĩ đơn giản do thiếu ngủ và chỉ cần nghỉ ngơi là khỏe lại.
Một đêm muộn, khi đang gắng gượng hoàn thành bản thuyết trình cho khách hàng thì anh bất ngờ mờ mắt, tai ù, cơ thể gục xuống bàn làm việc. Anh được người thân đưa đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ thông báo cơ thể anh suy nhược, thiếu máu, dạ dày có dấu hiệu viêm loét và nhịp tim không ổn định.
Sau thời gian điều trị ngoại trú, sức khỏe anh Trung tạm ổn song thi thoảng vẫn chóng mặt, ăn uống không còn ngon miệng, đêm ngủ không ngon giấc. Hằng ngày, anh vẫn nhận được hàng chục email liên quan đến các dự án nhưng thay vì vội vã lao vào công việc anh học cách thay đổi lối sống, không còn “bán mạng” như trước.
Hồng Lam, 30 tuổi (Hà Nội) làm kế toán tại một công ty xuất nhập khẩu cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ban ngày, chị ngồi lì trước màn hình máy tính, gõ sổ sách, kiểm tra từng con số. Tối đến, chị nhận thêm việc làm sổ sách cho vài cửa hàng nhỏ, có hôm thức đến hai, ba giờ sáng. Cuối tuần, thay vì nghỉ ngơi, chị lại cặm cụi dạy kèm kế toán online để kiếm thêm thu nhập.

Bất kể ngồi ở đâu, Hồng Lam cũng bật máy làm việc cật lực. (Ảnh: NVCC)
Chị tự nhủ, còn trẻ, còn sức, chịu khó vài năm để dành tiền mua nhà, phụ giúp bố mẹ. Công việc bận rộn, chị bỏ qua những cơn đau đầu, tê tay, những lần hoa mắt chóng mặt khi đứng dậy quá nhanh. Bữa ăn của chị thường là cơm hộp mua vội, cà phê đậm đặc để chống lại cơn buồn ngủ.
Gần đây, chị liên tục mệt mỏi nhưng vẫn gắng gượng, thậm chí làm việc “bán mạng”. Đến khi tăng huyết áp, rối loạn giấc ngủ, đi tiểu nhiều bọt, cô gái mới đến viện kiểm tra. Kết quả cho thấy chị tăng huyết áp, rối loạn lo âu, stress, suy thận giai đoạn cuối, buộc phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần.
Sau đợt nhập viện, chị buộc phải dừng hết công việc ngoài, học cách sống chậm lại, ăn uống điều độ, tập thể dục, dành thời gian cho bản thân. “Tiền có thể kiếm lại, nhưng sức khỏe thì không. Làm việc chăm chỉ là tốt, nhưng đừng để bản thân kiệt quệ mới biết trân trọng sức khỏe của mình”, Lam nói.
Theo ThS.BS Trịnh Quang Đoan, khoa Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp, suy thận hay thiếu máu có thể âm thầm tiến triển mà không triệu chứng rõ ràng, đến khi phát hiện đã quá muộn.
“Các bệnh lý mãn tính thường gặp ở người già đang dần trẻ hóa, âm thầm quật ngã nhiều người trẻ. Số người trẻ mắc bệnh lý huyết áp, tiểu đường ngày càng tăng”, bác sĩ Đoan nói.
Dù chưa có số liệu thống kê chính xác về số người trẻ mắc bệnh do kiệt sức và sinh hoạt thiếu khoa học, nhưng các nghiên cứu cho thấy xu hướng đáng lo ngại. Trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ người trẻ mắc suy thận mạn tăng 5-10%. Nhiều người trẻ, thậm chí dưới 30 tuổi, phải nhập viện vì viêm cầu thận mạn, có người phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn cuối.

Người trẻ khám và xét nghiệm tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. (Ảnh: Như Loan)
Một báo cáo của Viện Tim mạch Việt Nam cũng ghi nhận từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ người trên 25 tuổi bị cao huyết áp tăng 47% so với trước đó, trong đó nam giới chiếm phần lớn.
Bệnh đột quỵ - vốn phổ biến ở người cao tuổi cũng ngày càng trẻ hóa. Năm 2023, thống kê của Bộ Y tế cho thấy khoảng 5-7% ca đột quỵ xảy ra ở người dưới 45 tuổi. Con số này thậm chí còn cao hơn ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lối sống thiếu lành mạnh và áp lực công việc ngày càng gia tăng.
Đáng báo động hơn, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca tử vong do bệnh tim mạch, đột quỵ, con số cao nhất trong các nhóm bệnh lý, với xu hướng ngày càng trẻ hóa, tăng 11-13% mỗi năm.
Theo các bác sĩ, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do lối sống thiếu khoa học: Thiếu ngủ, stress mãn tính, ít vận động, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, chế độ ăn uống không lành mạnh (tiêu thụ quá nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, thực phẩm chế biến sẵn).
Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố năm 2021 trên tạp chí Môi trường Quốc tế cho thấy, làm việc nhiều giờ gây ra cho sức khỏe những ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là tính mạng con người. Chỉ trong năm 2016 có 745 nghìn người tử vong vì đột quỵ và bệnh tim do thời gian làm việc quá lâu, tăng 29% so với năm 2000.
Những người làm việc hơn 55 giờ/tuần có nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn 17% so với nhóm làm việc 35-40 giờ/tuần. Hơn nữa, số lượng người làm việc nhiều giờ đang tăng lên và hiện chiếm 9% tổng dân số toàn cầu. Xu hướng này khiến nhiều người có nguy cơ bị tàn tật liên quan đến công việc và tử vong sớm hơn.
Theo chuyên gia, giới trẻ cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng, giữ cân nặng hợp lý. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng sức đề kháng của cơ thể, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá.
Chúng ta cần tránh ăn nhiều mỡ, gia vị hay thức ăn bị mốc, tăng cường hoa quả, rau và các loại vitamin. Người trẻ không nên chủ quan, nghĩ bệnh lý chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà bỏ qua các dấu hiệu, khiến bệnh biến chứng nặng, không thể can thiệp. Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc một năm một lần.
Người trẻ cũng cần tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, dành thời gian nghỉ ngơi, giải trí sau giờ làm việc, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, vận động thường xuyên, chú ý đến sức khỏe tinh thần, mở lòng chia sẻ khi gặp khó khăn. Các công ty cũng cần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, khuyến khích đối thoại cởi mở, hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tạo điều kiện để nhân viên có thời gian nghỉ ngơi hợp lý.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/om-lay-lat-vi-lam-viec-ban-mang-ar935048.html