Chế độ đãi ngộ thấp, không thể hút người giỏi vào sư phạm

Với chế độ đãi ngộ hiện nay thì chúng ta rất khó thu hút và giữ chân người tài ở lại công tác trong môi trường sư pham.

Đó là chia sẻ của Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam tại hội thảo “Đổi mới tư duy phát triển giáo dục Đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”do Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông tổ chức tại Phú Yên ngày 21/7.

Đổi mới tư duy nhà giáo

Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc cách mạng 4.0 đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực trong cuộc sống, trong đó có giáo dục.

Phó Giáo sư Đoàn Văn Điện phát biểu, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: TT

Phó Giáo sư Đoàn Văn Điện phát biểu, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: TT

Giáo dục cần phải có sự chuyển mình, và có lẽ nên bắt đầu bằng đổi mới tư duy nhà giáo, tư duy làm nghề dạy học.

“Người thầy trong kỷ nguyên 4.0 không phải là người ‘biết tuốt’ nhưng phải là người đoán định được những gì sẽ xảy ra trong tương lai ở nghề nghiệp chuyên môn mà họ giảng dạy.

Giáo viên phải có năng lực chuyên môn, nắm vững công nghệ mới và có khả năng ứng dụng chúng trong đào tạo.

Muốn tăng lương, đơn giản lắm, cứ giảm người, tăng chất việc là được

Người thầy là người xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, tham gia tạo dựng môi trường học tập, nghiên cứu đảm bảo tính dân chủ…”, thầy Hồng nói.

Một vấn đề nổi cộm khác được thầy Hồng đề cập đến là tính tự chủ của giáo viên.

Những bất cập về khung chương trình, khung môn học, khung giáo án… đang khiến giáo viên mất dần khả năng sáng tạo, ngại đưa ra sáng kiến và dễ phục tùng mệnh lệnh.

Tình trạng nhiều giáo viên bám sách giáo khoa, bám giáo án, sợ cháy giáo án... là bằng chứng cho thấy sự thiếu tự chủ của giáo viên trong xác định nội dung dạy học.

Nếu giáo viên chưa thoát khỏi những khuôn mẫu, tư duy lỗi thời như: sách giáo khoa, giáo trình thì họ sẽ còn tiếp tục mơ hồ, nghi ngại chủ trương xây dựng một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục”, thầy Hồng cho hay.

Phải thay đổi chế độ đãi ngộ

Phó Giáo sư Đoàn Văn Điện – nguyên Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh đặt vấn đề, lẽ nào chúng ta không thể đưa ngành sư phạm lên đúng tầm của nó, để cho xã hội nể trọng người thầy?

Những bất cập trong mạng lưới quy hoạch các trường sư phạm (2)

Tại sao chúng ta không học tập cách giải quyết vấn đề này của Nhật Bản ở những năm cuối thập kỷ 50 và đầu 60.

Theo thầy Điện thì cần phải xây dựng trở lại một triết lý giáo dục cụ thể: “giáo dục góp phần hình thành một con người Việt có đủ Đức và Tài”.

Có nghĩa trường học phải “dạy làm người trước khi dạy chữ”. Cần khẳng định cái triết lý này trong giáo dục – thầy Điện nói.

Chia sẻ về vị trí của người thầy, Giáo sư Quân cho biết, đội ngũ giáo viên đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của nền giáo dục.

“Chúng ta có hai vấn đề về giáo viên là: một chiều là giáo viên yếu kém, một chiều là xã hội không coi trọng giáo viên, thậm chí có trường hợp còn bắt giáo viên quỳ gối.

Nhưng cái phổ biến nhất là chúng ta không thu hút được người giỏi vào làm giáo viên và không giữ được người giỏi với sư phạm. Đó là cái tai hại nhất.

Từ hiện tượng này thì ta đi tìm nguyên nhân, xét cho cùng vấn đề của giáo viên là gì, sao cho đến giờ chưa giải quyết được?

Thực chất, đó là vấn đề về chế độ đãi ngộ. Bởi chế độ đại ngộ hiện nay thì không có cách gì hút người giỏi vào sư phạm. Câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” đã có từ lâu rồi mà đến giờ vẫn đúng.

Bây giờ có một số người thầy phải chịu đựng mức lương thấp, đời sống khó khăn để bám trường bám lớp, chấp nhận dạy học lâu năm ở vùng sâu, vùng xa.

Sự hy sinh ấy xuất phát từ cái tâm của người thầy. Nhưng chúng ta không thể đòi hòi nó phổ biến được.

Không thể đòi hỏi tất cả giáo viên phải chấp nhận cuộc sống khó khăn, thiếu thốn đó. Tất cả cần chúng ta phải thay đổi, phải đổi mới”, thầy Quân nói.

TẤN TÀI

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/che-do-dai-ngo-thap-khong-the-hut-nguoi-gioi-vao-su-pham-post200790.gd