Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm phế quản

Bệnh viêm phế quản có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm và đúng cách. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ kết hợp nghỉ ngơi, chăm sóc dinh dưỡng tốt để nâng cao thể trạng và sức đề kháng giúp bệnh nhanh khỏi.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh viêm phế quản

Nội dung

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh viêm phế quản

2. Các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh viêm phế quản

3. Gợi ý một số món ăn, đồ uống tốt cho người bệnh viêm phế quản

Theo TS.BS Phạm Thị Bích Thủy, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, viêm phế quản cấp là một trong những bệnh lý thường gặp nhất trong các nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Đối tượng dễ mắc viêm phế quản là trẻ nhỏ, người cao tuổi có sức đề kháng kém.

Bệnh viêm phế quản có thể khỏi hoàn toàn nếu được điều trị sớm và đúng cách. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ kết hợp chăm sóc dinh dưỡng tốt để nâng cao thể trạng và sức đề kháng giúp bệnh nhanh khỏi.

Khi bị viêm phế quản, cơ thể người bệnh cần nhiều dưỡng chất để chống lại nhiễm trùng và phục hồi. Một chế độ ăn uống lành mạnh giàu dinh dưỡng sẽ giúp cung cấp năng lượng, làm loãng chất nhầy, giảm viêm, tăng cường hệ miễn dịch.

Viêm là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng của viêm phế quản. Một số loại thực phẩm có đặc tính chống viêm giúp giảm viêm, cải thiện các triệu chứng. Hệ miễn dịch mạnh khỏe là vũ khí chống lại nhiễm trùng. Một số loại thực phẩm giàu vitamin C, vitamin A và kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, một số loại khác có thể giúp làm loãng chất nhầy, giảm ho.

Người bệnh viêm phế quản nên ăn món ăn lỏng, giàu dinh dưỡng.

Người bệnh viêm phế quản nên ăn món ăn lỏng, giàu dinh dưỡng.

Người bệnh viêm phế quản thường bị sốt, ho nhiều, sổ mũi, ngạt mũi, khó thở… nên rất mệt mỏi, ăn kém. Vì vậy, nên cho bệnh nhân ăn ít một, chia thành nhiều bữa, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.

Đối với trẻ nhỏ, do trẻ ho nhiều và cổ họng có nhiều đờm nhớt nên rất dễ nôn trớ. Vì vậy, trước khi cho trẻ ăn nên cho trẻ uống vài thìa nước, hoặc vỗ rung để giải phóng đờm nhớt, giúp trẻ thở dễ hơn, khi ăn cũng ít bị buồn nôn, nôn trớ.

2. Các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh viêm phế quản

Người bệnh viêm phế quản nên ăn thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn, tươi ngon và đầy đủ các nhóm chất (chất bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất). Thức ăn nên được nấu nhừ, dạng lỏng như: cháo, súp… để dễ ăn, tiêu hóa tốt, làm loãng đờm nhớt, bệnh nhân không bị kích thích ho nhiều. Ngoài ra nên bổ sung các loại thực phẩm sau:

Thực phẩm tăng cường miễn dịch

Các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa giúp tăng cường miễn dịch như rau củ quả tươi có vai trò rất quan trọng, giúp hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp, trong đó có viêm phế quản.

Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, C, kẽm… giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại nhiễm trùng, bảo vệ màng nhầy đường hô hấp, hỗ trợ chức năng phổi.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất bao gồm các loại rau củ quả, đặc biệt là các loại rau củ quả có màu đậm, các loại rau lá xanh: rau ngót, cải bó xôi, cải xoăn, bông cải xanh...; Các loại trái cây giàu vitamin, đặc biệt là vitamin A, C như: cam, quýt, nho, dâu tây, đu đủ, táo, lê, chuối…

Thực phẩm chống viêm

Chế độ ăn uống giàu thực phẩm chống viêm góp phần giảm viêm nhiễm trong cơ thể, giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng viêm phế quản. Đồng thời thúc đẩy hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch.

Một số loại thực phẩm có tác dụng chống viêm phổ biến bao gồm các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa; chất béo lành mạnh như: dầu ô liu, quả mọng, ngũ cốc nguyên hạt, quả hạch, cá béo...

Cá béo là một nguồn cung cấp acid béo omega-3 dồi dào. Khi tiêu thụ các acid béo này, cơ thể chúng ta chuyển hóa thành các hợp chất phân giải có tác dụng chống viêm. Mặc dù tất cả các loại cá đều chứa một số acid béo omega-3 nhưng những loại cá béo như: cá hồi, cá mòi, cá trích, cá thu, cá cơm… là nguồn thực phẩm giàu acid béo omega-3 tốt nhất.

Uống nhiều nước

Bệnh nhân viêm phế quản dễ bị mất nước do sốt và nôn mửa, vì vậy cần uống nhiều nước để bổ sung đủ nước cho cơ thể. Uống nhiều nước còn làm dịu họng, làm loãng đờm nhớt, giúp người bệnh dễ dàng khạc nhổ ra hơn.

Bệnh nhân nên uống nước lọc, nước canh, nước ép trái cây tươi. Ngoài ra, một số loại nước uống thảo dược giúp giảm ho, loãng đờm cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị tốt.

Người bệnh viêm phế quản cần lưu ý:

Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt.
Tránh ăn thức ăn nhiều gia vị, dầu mỡ dễ gây buồn nôn, khó tiêu.
Không sử dụng đồ ăn thức uống lạnh.
Không uống rượu, bia và các chất kích thích như cà phê, đồ uống có gas…

3. Gợi ý một số món ăn, đồ uống tốt cho người bệnh viêm phế quản

Súp gà

Súp gà là một món ăn truyền thống được sử dụng để điều trị viêm đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm phế quản... vì nó có chứa các chất dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm loãng chất nhầy đường hô hấp.

Súp gà cung cấp vitamin, khoáng chất và protein. Đây là những chất dinh dưỡng rất cần thiết mà cơ thể cần để hồi phục sau khi bị ốm. Món ăn này cũng chứa nhiều nước và chất điện giải, rất tốt để phòng nguy cơ mất nước trong trường hợp có nôn mửa, sốt.

Thịt gà cũng chứa acid amin cysteine. N-acetyl-cysteine, một dạng cysteine giúp phá vỡ chất nhầy, có tác dụng kháng virus, chống viêm và chống oxy hóa, rất cần cho cơ thể người bệnh viêm phế quản.

Cháo trứng

Cháo trứng là nguồn cung cấp protein và vitamin B dồi dào. Protein giúp cơ thể phục hồi, trong khi vitamin B giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Cháo hạnh nhân

Nấu cháo hạnh nhân với gạo tẻ ăn nóng vào sáng sớm và chiều tối rất tốt cho người bệnh viêm phế quản, giúp giảm ho, khó thở, ngực bứt rứt.

Trà gừng rất tốt cho người bệnh viêm phế quản.

Trà gừng rất tốt cho người bệnh viêm phế quản.

Trà gừng

Gừng có đặc tính chống viêm, chống co thắt, chống nôn, giảm ho và đau họng.Trong y học cổ truyền, gừng là một vị thuốc rất hiệu quả thường dùng để chữa cảm lạnh, đau đầu, tắc ngạt mũi, bụng đầy trướng, không tiêu, trị ho, đờm nhiều, ho do viêm phế quản…

Cách sử dụng trà gừng: Dùng gừng tươi 10g, rửa sạch, đập giập, thêm nước đun sôi hoặc cho vào ấm pha trà, đổ nước sôi pha hãm trong 10 phút, thêm đường uống ấm.

Nước lê nấu đường phèn

Dùng lê tươi 1 quả, rửa sạch thái nhỏ, cho đường phèn vào nấu lấy nước, uống ấm ngày 2 lần giúp làm dịu họng, làm loãng đờm nhớt, giảm ho hiệu quả.

Vân Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/che-do-dinh-duong-cho-nguoi-benh-viem-phe-quan-16924061219562525.htm