Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ phát triển toàn diện

Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Thời gian qua, chương trình bổ sung vitamin là cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển trí tuệ, nâng cao tầm vóc, sức đề kháng, sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho trẻ.

Vai trò của dinh dưỡng

Để trẻ mầm non được phát triển toàn diện cả thể chất và trí tuệ thì chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng, vì vậy, các trường mầm non trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm công tác đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm hằng ngày cho trẻ.

Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình, ông Khổng Văn Vinh cho biết: Huyện hiện có 10 trường mầm non công lập và 5 nhóm trẻ tư thục. 100% trường tổ chức ăn bán trú, tỷ lệ trẻ ăn bán trú. Để thực hiện hiệu quả việc nâng cao chất lượng bữa ăn, ngay từ đầu năm học, cùng với việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, Phòng chỉ đạo các trường học căn cứ tình hình thực tế địa phương để có các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ. Phòng yêu cầu các trường xây dựng thực đơn theo mùa, thay đổi theo tuần, cân đối đủ chất để đáp ứng nhu cầu năng lượng, dinh dưỡng cho trẻ ở từng độ tuổi. Đề nghị các trường ký hợp đồng cung cấp rau, củ, quả, thịt, trứng, cá… với các cơ sở uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Thường xuyên kiểm tra nguồn thực phẩm hằng ngày được đưa đến trường và các khâu sơ chế, sử dụng cũng như bảo quản thực phẩm trong bếp ăn nhà trường. Nhờ đó, chất lượng bữa ăn đảm bảo và ngày càng nâng cao.

Cán bộ Trạm y tế xã Hùng Đức (Hàm Yên) hướng dẫn người dân cách bổ sung dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Cán bộ Trạm y tế xã Hùng Đức (Hàm Yên) hướng dẫn người dân cách bổ sung dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

Tại trường Mầm non Phan Thiết (TP Tuyên Quang) trong quá trình nhập thực phẩm vào chế biến bữa ăn, nhà trường đã ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các cơ sở có uy tín, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thường xuyên kiểm tra nguồn thực phẩm và thực hiện các khâu sơ chế, sử dụng và bảo quản trong bếp ăn, thực hiện nghiêm công tác lưu mẫu thức ăn hằng ngày đề phòng ngộ độc thực phẩm. Xây dựng khẩu phần ăn đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi của trẻ, nhờ vậy chất lượng bữa ăn cho trẻ luôn đảm bảo.

Chị Nguyễn Thị Hoa, tổ 17, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết: Chị có con hiện đang ở độ tuổi học mầm non. Dù công việc bận rộn và qua xem thực đơn hằng ngày của con tại trường chị thấy thực phẩm đảm bảo chất dinh dưỡng cho cháu. Nhưng chị vẫn luôn dành thời gian để chuẩn bị bữa ăn cho các con mỗi ngày. Ngoài các món mặn và rau xanh, chị cũng thường xuyên bổ sung thêm các loại hoa quả để tăng dinh dưỡng cho con.

Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 20%

Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em luôn được tỉnh quan tâm và triển khai đồng bộ. Qua đó, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 1 đến 2%/năm. Bác sỹ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, để trẻ phát triển toàn diện, mỗi bậc phụ huynh cần xây dựng cho trẻ nền tảng dinh dưỡng tốt. Trong đó tập trung vào 4 nền tảng chính đó là phát triển hệ xương, hệ miễn dịch, não bộ và đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025 là giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân xuống dưới 20%, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi dưới 18%. Để đạt được chỉ tiêu này, ngành Y tế tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình, trong đó có xây dựng mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời cho mẹ và trẻ tại một số xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Mô hình có 2 nội dung là thành lập phòng tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ tại trạm y tế xã và xây dựng nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ ở những thôn khó khăn. Tham gia mô hình này, trẻ dưới 24 tháng tuổi, các bà mẹ đang mang thai và cho con bú được nhân viên y tế thực hiện chăm sóc bà mẹ và sơ sinh tại nhà (3 lần trong 42 ngày sau đẻ). Các bà mẹ có cơ hội tiếp cận với những thông tin về chăm sóc bà mẹ trước, trong, sau sinh và chăm sóc trẻ nhỏ (nhận biết và xử trí ban đầu những dấu hiệu bất thường ở bà mẹ/trẻ nhỏ, các chế độ dinh dưỡng, chăm sóc, theo dõi...). Đến nay, mô hình này đang được triển khai tại 18 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Nhân tháng Vi chất dinh dưỡng, đã có 7.600 trẻ từ 6 - 11 tháng tuổi, 30.180 trẻ từ 12 - 36 tháng tuổi và 4.150 bà mẹ sau sinh được bổ sung vitamin A liều cao theo quy định. Bên cạnh việc bổ sung vi chất dinh dưỡng, trẻ còn được cân, đo chiều cao, kiểm tra sức khỏe để đánh giá tình trạng dinh dưỡng...

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng để giúp trẻ luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện, do đó rất cần sự phối hợp giữa các bậc phụ huynh và nhà trường tạo cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, đảm bảo, đủ dưỡng chất và phù hợp với lứa tuổi. Cùng với việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, chúng ta nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể thao phù hợp để giúp trẻ có khả năng phát triển tốt hơn về cân nặng và chiều cao trong tương lai.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/bo-sung-dinh-duong-cho-tre-phat-trien-toan-dien-194024.html