Chế ngự lòng tham

1. Lòng tham đại để có ba loại: Tham tiền tài. Tham sắc đẹp. Tham quyền uy. Xem ra đã là con người thì ai cũng có lòng tham, không nhiều thì ít. Chương trình 'Chuyện đương thời' phát sóng tối 18-1-2014 trên VTV1 cho biết: Qua khảo sát 105 người thì 80% thú nhận đã có lần ăn trộm một cái gì đó, 42% nói rằng sở dĩ ăn trộm vì nghĩ rằng sẽ không có ai biết, 71% cho rằng, dễ nảy sinh lòng tham nhất là đối với tiền bạc.

Ra là vậy! Máu tham hễ thấy hơi đồng tiền thì mê. Bản chất lòng tham đối với tiền bạc là sự ham muốn vô độ, không bao giờ đủ, được rồi lại muốn tiếp. Đã giàu rồi lại muốn giàu nữa. Thừa mứa rồi cũng còn chưa thỏa. Giáo lý nhà Phật ví lòng tham là cái hố lửa ngùn ngụt cháy không biết đến lụi tàn. Nhưng rốt cuộc cái ngọn lửa lòng tham ấy thiêu rụi cả chính con người có lòng tham. Chim tham ăn sa vào vòng lưới. Cá ham mồi mắc phải lưỡi câu.

2. Tác hại của lòng tham thật khôn lường! Để móc túi người khác, nó sẵn sàng gây chuyện độc ác tày trời, làm tổn hại đến sinh mệnh người ta. Như làm xăng giả, bán thuốc chữa ung thư bằng than tre, lấy pin đèn nhuộm cà phê… Còn các đại án như vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Vũ nhôm, Trần Bắc Hà… để thỏa mãn ham muốn tiền bạc, các đối tượng đã sử dụng đủ mưu hèn kế bẩn ăn cắp trắng trợn tiền bạc của công, gây đảo lộn nền tảng đạo đức xã hội. Lòng tham không biết đến lẽ phải tối thiểu. Kể cả những ngày xảy ra đại dịch Covid-19, khi đồng bào cả nước đang sống trong thảm kịch, lợi dụng được cơ hội làm giàu, như đầu cơ trục lợi thuốc men, dụng cụ y tế, hàng hóa thiết yếu, vì lòng tham mà sẵn sàng sống chết mặc bay, táng tận lương tâm thực hiện.

3. Lòng tham là cái hố lửa, là cơn si mê mù lòa, là ham muốn bản năng của con người. Nó hoành hành ở khắp nơi. Cả nhân loại đang khốn khổ vì nó! Chế ngự nó thật không dễ. Nhưng như thế không có nghĩa là “bó tay”. Vì sao? Vì trước hết nó là sản phẩm của con người, vậy thì con người phải có trách nhiệm và có khả năng bài trừ nó, chế ngự nó. Chẳng ai có thể thờ ơ. Kể cả các tôn giáo. Nhất là các tôn giáo, với mục đích cao cả là tạo ra một thế giới, trong đó con người sống bình an, hạnh phúc!

Vậy làm thế nào để con người vượt qua cái điểm mù lòa, cái ngưỡng ham muốn bản năng để không phải phạm tội?

Hiển nhiên rồi, trước hết phải có luật pháp thật nghiêm minh. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, kẻ tham lam thì trong lòng cùng lúc có cả lòng tham lẫn nỗi sợ hãi… Anh là cán bộ chấp pháp, anh định ăn hối lộ vài trăm triệu đồng để làm lệch hồ sơ một vụ án. Sự việc vỡ lở, anh sẽ bị khai trừ khỏi Đảng. Anh sẽ bị sa thải khỏi ngành, sẽ bị tù đày và thân bại danh liệt. Luật pháp nghiêm chính là lằn ranh đỏ có ý nghĩa răn đe, cảnh báo, khiến lòng tham chí ít cũng phải ngần ngại, đắn đo khi định vượt qua! Không có kỷ cương phép nước thì không ngăn được cái ác của người này tàn hại người khác và gây tổn hại đến các giá trị xã hội.

4. Giáo dục đạo lý dẫu thế nào cũng vẫn là biện pháp căn bản để khống chế lòng tham. Con người phải được giáo dục để khai mở tâm trí, ra khỏi điểm mù lòa tăm tối. Con người trong tâm trí có ánh sáng của lý trí, lẽ phải, lương tâm thì biết đâu là cái ngưỡng không thể vượt qua! Con người một khi tham nhũng biết mình tay đang nhúng chàm thì đó là cơ sở để tỉnh ngộ, để chế ngự tội lỗi. Người cộng sản còn mạnh mẽ hơn vì họ còn có sự hỗ trợ của trách nhiệm nêu gương, niềm vinh dự thiêng liêng của lý tưởng.

5. Tham thì thâm! Đó là bài học rút ra từ thực tiễn cuộc sống ngàn năm, của biết bao đời. Vì lòng tham thường đi liền với các rủi ro, sa sẩy, hậu họa không thể biết trước! Anh thụt két vài tỷ đồng. Cứ nghĩ là kín kẽ không ai biết. Anh nhầm đấy. Anh biết, bạn đồng liêu anh biết, trời biết, đất biết. Nói thế tưởng là duy tâm mà không phải. Đó chính là tri thức dân gian, tri thức thực nghiệm! Vì đã có câu: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Dân chi sở dục, thiên tất tòng chi. Nghĩa là: Cái điều dân mong muốn, trời ắt phải theo. Vì lưới trời lồng lộng chạy đâu cho thoát! Tham thì thâm! Vì sa vào sự tham lam là tự chuốc lấy cuộc sống ăn không ngon, ngủ không yên, vì phải thường xuyên lo đối phó và trốn tránh, với luật nhân quả treo lơ lửng trên đầu. Gieo gió thì gặt bão. Đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Đi đêm lắm thế nào cũng có ngày gặp ma!

6. Triết lý cuộc sống đã dạy khôn ta rằng: Khôn ngoan chẳng lọ thật thà. Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy. Chỉ hưởng những gì lao động chân chính của mình làm ra, biết đủ là đủ, thì cuộc sống sẽ yên bình, thanh thản. Nhật Bản có 8 công ty đã tồn tại và phát triển hơn 100 năm. Điều gì giúp họ đứng vững trước thử thách khắc nghiệt của thời gian? Giáo sư Makoto Kanđa tại Đại học Meiji Kakuin chỉ ra 2 điểm quan trọng nhất: Giữ chữ tín và không đặt lợi nhuận lên đầu. Kỳ lạ mà hợp lý biết bao! Vì công việc của ta một khi đã đạt đến cảnh giới hoàn hảo, mỹ mãn thì lợi nhuận và một cuộc sống an bình, hạnh phúc tự đến không phải mong cầu!.

Ma Văn Kháng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/161602/che-ngu-long-tham