Chế tài nhiều hành vi liên quan đến kinh doanh bảo hiểm
Từ ngày 15-2-2025, vi phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (KDBH) có thể bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
![Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn pháp luật về dân sự cho người dân. Ảnh: Đ.Phú](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_423_51463478/3909b56b85256c7b3534.jpg)
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn pháp luật về dân sự cho người dân. Ảnh: Đ.Phú
Đây là những quy định mới tại Nghị định 174/2024/NĐ-CP ngày 30-12-2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (gọi tắt Nghị định 174).
Nhiều hành vi bị chế tài nghiêm
Luật KDBH năm 2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023) nghiêm cấm các hành vi: hoạt động KDBH, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động; hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật; đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm…
Để chế tài các hành vi Luật KDBH năm 2022 nghiêm cấm, tại Điều 3, Nghị định 174 quy định hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả như sau: đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KDBH, tổ chức, cá nhân bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền; cảnh cáo áp dụng đối với cá nhân từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi vi phạm; mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần đối với cá nhân khi vi phạm cùng một hành vi. Bên cạnh đó, Nghị định 174 còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc: khôi phục lại tình trạng ban đầu; thực hiện công bố hoặc công bố đúng quy định hoặc thông báo hoặc buộc cải chính thông tin; thực hiện đúng quy định pháp luật; hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt…
Khoản 2, Điều 15 Nghị định 174 quy định, phạt từ 160-200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm về gian lận trong KDBH của pháp nhân thương mại thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1, Điều 213 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) mà số tiền chiếm đoạt dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 400 triệu đồng hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) cho biết, Nghị định 174 có 3 chương, 47 điều. Tại chương 2 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả gồm: hành vi vi phạm quy định về thành lập và hoạt động; hành vi vi phạm quy định về tổ chức hoạt động; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KDBH… là những quy định rất mới.
Chẳng hạn, Nghị định 174 quy định phạt từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi giải thể doanh nghiệp (DN) bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm, chấm dứt hoạt động chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không theo quy định của pháp luật, quy định tại Điều 115 Luật KDBH năm 2022; điểm e, khoản 1, Điều 136 Luật KDBH năm 2022…
Phạt tiền từ 140-180 triệu đồng đối với DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô vi phạm một trong các hành vi vi phạm sau: DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không duy trì tổng giám đốc (giám đốc), chuyên gia tính toán theo quy định của pháp luật, quy định tại khoản 4, Điều 80 Luật KDBH năm 2022; vi phạm nguyên tắc đảm nhiệm chức vụ quy định tại Điều 82 Luật KDBH năm 2022.
Xử phạt vi phạm về bồi thường, chi trả, môi giới bảo hiểm
Các hành vi thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm… ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của tổ chức KDBH, người thụ hưởng, cũng như hoạt động KDBH.
Theo luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh), đối với các hành vi nêu trên, ngoài việc bị khoản 4, Điều 9 Luật KDBH năm 2022 nghiêm cấm, còn bị Nghị định 174 chế tài nghiêm khắc.
Chẳng hạn, tại khoản 1, Điều 15 Nghị định 174 quy định, hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra; hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm; hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt tiền: từ 20-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt dưới 10 triệu đồng hoặc gây thiệt hại dưới 20 triệu đồng; phạt từ 40-60 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt từ 10 đến dưới 15 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 20 đến dưới 30 triệu đồng; phạt từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm mà số tiền chiếm đoạt từ 15 đến dưới 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 30 đến dưới 50 triệu đồng.
Cũng theo luật sư Vũ Duy Nam, tại Điều 23 Nghị định 174 quy định, phạt tiền từ 20-40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: không thỏa thuận bằng văn bản với khách hàng khi thực hiện cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm hoặc có thỏa thuận bằng văn bản nhưng thỏa thuận không nêu rõ nội dung hoạt động môi giới bảo hiểm, thời hạn thỏa thuận, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên theo quy định của pháp luật; không bồi thường thiệt hại cho khách hàng do hoạt động môi giới bảo hiểm gây ra theo quy định của pháp luật, quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 137 Luật KDBH năm 2022…
Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 23 Nghị định 174 cũng có quy định, phạt từ 40-60 triệu đồng đối với hành vi: tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm tại một DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài với các điều kiện, điều khoản kém cạnh tranh hơn so với DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khác nhằm thu được hoa hồng môi giới bảo hiểm cao hơn, quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 137 Luật KDBH năm 2022. Hoặc cung cấp cho khách hàng thông tin sai lệch, không phù hợp nội dung điều kiện, điều khoản bảo hiểm của DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 137 Luật KDBH năm 2022.