Chè vằng
Cây chè Vằng xuất hiện nhiều ở các vùng núi và trung du nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó Quảng Trị là khu vực xuất hiện nhiều chè Vằng mọc hoang nhất. Trước đây Vằng mọc hoang, ngày nay do nhu cầu sử dụng chè vằng làm dược liệu mà cây chè vằng đã được trồng theo quy hoạch. Trước đây, Vằng mọc trên đồi thầm lặng, bây giờ Vằng được đưa về trồng trong vườn, như nhà hàng xóm 'người ấy' mà tôi bắt gặp.
Tình cờ như tình cờ. Mỗi lần về quê, tôi hay qua nhà người ấy thuở đầu đời. Lùi vào quá vãng để gặm nhấm từng phần ký ức. Sáng nay cũng vậy. Nhà nàng vẫn vậy, không có gì khác biệt, dẫu vạn vật không còn như xưa. Bất ngờ tôi gặp một dàn cây chè Vằng, nở hoa trắng muốt, lặng lẽ, trắng trong.
Chè Vằng, là khoảng trời Nghệ của tôi. Xứ Nghệ với gió Lào hào phóng, mùa hè có lẽ là một trong những vùng nóng nhất. Huyền sử kể rằng, ngày xưa có anh chàng công tử đến xứ Nghệ và thầm yêu một cô gái xinh đẹp, da trắng hồng, ngời dụ mà công tử chưa một lần gặp mặt. Yêu không thành, chàng thất tình mà chết. Linh hồn chàng vẫn không muốn cô gái mình yêu thuộc về ai. Chàng hóa thành gió Lào, muốn làm cho da dẻ người mình yêu bớt trắng hồng. Lạ thay, từ khi có gió Lào, da cô gái càng mỏng như trứng và ngời sáng, đẹp hơn tiên nữ.
Cô gái ấy đại diện cho gái xứ Nghệ, dẫu nắng nóng khốc liệt nhưng vẻ đẹp của con gái Nghệ, nhất là làn da, khó đâu bì kịp. Một trong những nguyên nhân, người dân miền Trung, trong đó có xứ Nghệ, con gái Nghệ được uống nước chè Vằng. Xứ Nghệ nằm trong “Top 10” bản đồ “vùng gái đẹp” trên dải đất “đồng hồ cát” đầy sexy này. Nhờ chè Vằng!
Theo sách vở các cụ lang y thuốc Nam ghi lại thì, Vằng (hay còn gọi chè vằng, chè cước man, cẩm văn, cẩm vân, dây vắng, lài ba gân) là loài thực vật có hoa thuộc “họ Ô liu” được mô tả khoa học lần đầu tiên năm 1851. Vằng là một loại cây bụi nhỏ mọc hoang, được người dân Việt Nam tại nhiều vùng miền sử dụng dưới dạng sắc thuốc hay pha nước uống, đặc biệt tốt khi dành cho các sản phụ.
Cây chè Vằng là loại cây bụi nhỏ, thân cứng, từng đốt vươn dài hàng chục mét, phân nhánh nhiều. Vỏ thân nhẵn màu xanh lục. Lá mọc đối hơi hình mác, phía cuống tròn, mũi nhọn, có ba gân chính nổi rõ ở mặt trên, mép nguyên, càng lên ngọn, cành lá càng nhỏ. Cũng theo sách của các thầy thuốc Nam, lá chè Vằng chứa alcaloid, nhựa, flavonoid, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, làm tăng nhanh tái tạo tổ chức, làm mau lành vết thương và không độc. Bộ phận dùng làm thuốc là cành, lá tươi hoặc cành, lá phơi sấy khô, thu hái quanh năm.
Khi tôi còn đỏ hỏn thì không biết, nhưng khi mẹ sinh tiếp đàn em, thì tôi biết mẹ hay dùng chè Vằng. Bà nội nói, Vằng có thể trị nhiễm khuẩn sau đẻ, viêm hạch bạch huyết, viêm tử cung, viêm tuyến sữa, bế kinh, khí hư, thấp khớp, nhức xương. Em gái tôi lúc bé hay lở chốc, mẹ hay dùng khi thì lá đào, khi thì dùng lá Vằng đun lấy nước tắm rửa cho em. Nghe nói lá Vằng còn được dùng dưới dạng thuốc sắc hay pha như pha trà để chữa sưng vú, mụn nhọt; còn dùng chữa rắn rết hay côn trùng cắn; rễ cây vằng mài với dấm thanh để làm hết mủ những ung nhọt đã nung mủ. Ngoài tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chè vằng được sử dụng dưới dạng đồ uống có tác dụng giải nhiệt, giải khát bổ gan, lợi mật, kích thích tiêu hóa, tăng cường tuần hoàn máu, giảm béo, lợi sữa.
Vằng có ba loại, vằng lá nhỏ (Vằng sẻ) dùng tốt hơn cả, vằng lá to (vằng trâu) cũng được dùng, còn vằng núi không dùng làm thuốc. Chè Vằng lá nhỏ là loại vằng tốt nhất, được ưa chuộng và sử dụng nhiều do hàm lượng chất tốt rất nhiều.
Cây chè Vằng xuất hiện nhiều ở các vùng núi và trung du nhiều tỉnh phía Bắc, trong đó Quảng Trị là khu vực xuất hiện nhiều chè Vằng mọc hoang nhất. Trước đây Vằng mọc hoang, ngày nay do nhu cầu sử dụng chè vằng làm dược liệu mà cây chè vằng đã được trồng theo quy hoạch. Trước đây, Vằng mọc trên đồi thầm lặng, bây giờ Vằng được đưa về trồng trong vườn, như nhà hàng xóm “người ấy” mà tôi bắt gặp.
Vì sao chè Vằng mọc nhiều ở miền Trung? Tôi nghĩ, trời không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả. Miền Trung là nơi thiên nhiên khắc nghiệt vào loại nhất nhì các vùng miền đất nước.
...
Nắng phanh phui trên lưng áo mẹ sờn
Ớt rừng rực thắp đầy nón lửa
Cả tóc em xòa tung trước cửa
Cũng đọng mùi đồng nội quá hanh hao
(Một khúc miền Trung, thơ Đoàn Xuân Hòa)
Để giúp người dân miền Trung, trong đó có xứ Nghệ vượt qua cái khắc nghiệt do cát bỏng gió Lào mang đến, thiên tạo mang đến cho miền Trung cây chè Vằng. Chè Vằng còn liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, Đức mẹ Maria ở vùng Quảng Trị.
Trong số những suy đoán về tên Linh địa La Vang, một trong những luận cứ được các học giả đưa ra là nguyên ngày trước tại rừng La Vang có nhiều cây vằng. Cây thuốc quý này ban đầu tương truyền được Đức mẹ Maria, khi hiển linh tại La Vang, đã hướng dẫn người dân thu hái và sử dụng chữa bệnh dịch đang hoành hành trong dân chúng bấy giờ. Từ chữ Lá Vằng đọc trại đi thành La Vang.
Chính người dân Quảng Trị là nghĩ ra cách làm “Cao vằng”, bây giờ trở thành một loại hàng hóa có trên kệ nhiều siêu thị trong cả nước. Chè Vằng đi vào đời sống, văn hóa nói chung và văn hóa tâm linh nói chung của người dân miền Trung. Trong vị mồ hôi của người dân xứ sở có hương vị Vằng.
Tôi đã đi qua quá nửa cuộc đời, ở đâu gặp nắng, nhớ Vằng, nhớ hình ảnh cha tôi sau khi thả cái “cày 51” ngoài góc vườn vào nhà là bưng bát chè Vằng lên uống. Cha ngồi hút điếu thuốc lào nhìn ra vườn đầy nắng và gió. Có lẽ lúc ấy cha muốn nói, càng nắng uống Vằng càng ngon. Với tôi, những ngày “Cùng em khóa chiếc áo tơi ra đồng”, (Ca dao em và tôi, An Thuyên), không quên được bát nước chè Vằng, “người ấy” đã trao.
Em ngọt kín đáo như vị Vằng, tinh khiết và thầm lặng như màu trắng bông Vằng đang nở trước mặt tôi. Bây giờ....
Hà Tĩnh, ngày 29/5/2021.
NĐH
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/che-vang-a3197.html