'Check in' ở Trung tâm chỉ huy của cảnh sát Telangana
Mang tính biểu tượng mới của cảnh sát bang Telangana (Ấn Độ), Trung tâm chỉ huy và kiểm soát tích hợp tọa lạc tại Banjara Hills - một trong những khu dân cư giàu có nhất ở thành phố Hyderabad.
Đây là cơ sở lớn nhất của lực lượng cảnh sát toàn Ấn Độ được trang bị các phương tiện liên lạc hiện đại nhất, cho phép cảnh sát giám sát mọi ngóc ngách của thành phố thông qua mạng lưới gần nửa triệu camera an ninh. Một số lượng camera an ninh tương đương khác trên toàn bang Telangana cũng được liên kết với trung tâm.
“Con mắt thứ 3” của cảnh sát
Khi chiếc xe buýt chở đoàn nhà báo Việt Nam đỗ xịch trước cửa trụ sở Cảnh sát thành phố Hyderabad, vén rèm nhìn ra bên ngoài, cô bạn đồng nghiệp người miền Nam ngồi cạnh tôi vội hỏi: “Ủa, mình lại đi trung tâm thương mại để shopping à. Tưởng hôm nay là thăm đơn vị hành chính nào của bang mà?”. “Thì đó, trụ sở Cảnh sát thành phố”, tôi vừa trả lời vừa ngỡ ngàng ngước lên phía trên tòa nhà và thầm nghĩ: “Sao mà tòa nhà cao dữ vậy?”.
Rồi cả đoàn chúng tôi háo hức xuống xe, ai cũng lăm lăm cầm điện thoại để “selfie” một kiểu trước dàn cảnh sát Ấn Độ cao to, đẹp trai đứng gần đó. Một cậu thanh niên trẻ mặc áo xanh nhìn rất bảnh bao cười đon đả ra bắt tay, chào đón chúng tôi. Nhanh chóng, Mohammad Waheed (tên cậu thanh niên) dẫn cả đoàn tới một mô hình được đặt trong lồng kính để ngay chỗ sảnh lớn của tòa nhà. Mohammad Waheed tự giới thiệu mình là Phó Thanh tra cảnh sát của Trung tâm chỉ huy và kiểm soát tích hợp bang Telangana (TSPICCC) đặt tại trụ sở Cảnh sát thành phố Hyderabad.
Mời mọi người ngắm các mô hình tòa nhà, Mohammad Waheed chậm rãi chỉ dẫn từng góc một. Theo đó, trụ sở Cảnh sát thành phố Hyderabad (bao gồm cả TSPICCC) được xây dựng trên khu đất thương mại sầm uất nhất Hyderabad với diện tích gần 200.000m2 với 5 tòa tháp. Đây là trung tâm đầu não để duy trì luật pháp và trật tự ở thành phố và cả toàn bang. Tháp A là tòa nhà cao nhất với 20 tầng làm trụ sở của cảnh sát thành phố.
Ngoài ra, còn có một phòng và văn phòng riêng dành cho Thủ hiến bang để ông có thể tổ chức cuộc họp với các quan chức bất cứ khi nào ông đến đây. Tháp B cao 15 tầng là trung tâm tổng hợp công nghệ nhận dữ liệu từ nhiều ứng dụng. Một số chi nhánh của nhiều đơn vị cảnh sát khác của bang như cảnh sát SHE Team (chuyên bảo vệ phụ nữ), Phòng điều tra tội phạm mạng, Cảnh sát phòng, chống ma túy... cũng được đặt tại đây. Hai tòa tháp được kết nối với nhau trên tầng 14 bằng cầu treo được xây dựng ở độ cao 60m.
Tháp C là tòa nhà hoạt động chung với một khán phòng có sức chứa gần 500 người, còn tháp D là trung tâm đào tạo và truyền thông. TSPICCC đặt ở tháp E có 7 tầng lầu, hoạt động như một trung tâm tổng hợp để ứng phó thống nhất với mọi trường hợp khẩn cấp hoặc thảm họa ở Hyderabad cũng như toàn bang. Phần quan trọng nhất trong tòa tháp này là trung tâm dữ liệu và chỉ huy nhằm mục đích phối hợp nhiều bộ phận, giám sát truyền hình và phòng tác chiến.
Để chúng tôi hiểu thêm về lực lượng cảnh sát ở bang Telangana, Mohammad Waheed còn mời cả đoàn vào khán phòng với trang thiết bị hiện đại và cho trình chiếu phim ngắn về hoạt động của lực lượng. Từ đây, ông Narsingh Rao thuộc TSPICCC tiếp quản việc giới thiệu về hoạt động của trung tâm.
Chỉ vào những camera an ninh được lắp quanh khán phòng, ông Narsingh Rao tiết lộ: “Đây là con mắt thứ 3 của lực lượng cảnh sát chúng tôi. TSPICCC có thể thu thập dữ liệu từ khoảng gần 1 triệu camera an ninh được lắp đặt trên toàn bang (gồm cả nửa triệu camera an ninh ở thành phố Hyderabad). Cảnh sát có thể theo dõi, kiểm tra, xem xét và phân tích khoảng 100.000 camera cùng một lúc vào bất kỳ thời điểm nào. “TSPICCC giúp kết nối hoạt động của các đơn vị cảnh sát khác nhau dưới một mái nhà duy nhất. Lực lượng cảnh sát ở đây được đào tạo chuyên sâu về nhiệm vụ và thường xuyên tham gia các chương trình tập huấn để nâng cao hơn nữa chuyên môn của mình”, ông Narsingh Rao nói.
Rồi trong sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông Narsingh Rao đưa cả đoàn vào một thang máy toàn kính, có thể nhìn ra bên ngoài các tầng. Vút một cái, chúng tôi đã lên tới nóc tháp A, nơi có sân bay trực thăng để chiếc trực thăng hai động cơ AgustaWestland AW139 cất và hạ cánh.
“Trực thăng AgustaWestland AW139, được phát triển và sản xuất bởi nhà sản xuất máy bay trực thăng Anh-Italia AgustaWestland với sức chứa 15 người. Trực thăng này được dùng trong các trường hợp khẩn cấp. Các bạn có thể thấy tháp A nằm ở vị trí cao nhất của thành phố, mang lại tầm quan sát rộng lớn”, ông Narsingh Rao vừa nói vừa cho nhân viên phát tới từng thành viên trong đoàn chúng tôi chiếc ống nhòm. Quả là một vị trí lý tưởng để nhìn ngắm toàn cảnh thành phố. Chúng tôi vừa ngắm vừa hồ hởi gọi nhau để chỉ về pháo đài Golconda, nơi vừa thăm cách đó vài ngày.
Vận dụng tối đa công nghệ
Cũng theo lời ông Narsingh Rao, kể từ khi được khánh thành hồi tháng 5/2022, TSPICCC liên tục được bổ sung và hoàn thiện nhiều đơn vị, tổ chức và trang thiết bị hiện đại. Tháng 9/2023, TSPICCC đã khánh thành phòng tác chiến, nơi Thủ hiến bang và các quan chức cấp cao, quan chức cảnh sát và quan chức các bộ phận khác của bang có thể tham gia quản lý thảm họa giám sát các tình huống khẩn cấp hoặc các sự kiện quan trọng. “Thông tin trực tiếp từ mặt đất luôn có sẵn tại phòng tác chiến để các nhà lãnh đạo có thể lập kế hoạch và giám sát việc thực hiện”, ông Narsingh Rao cho hay.
Khi bước vào phòng tác chiến, chúng tôi bị choáng ngợp bởi một màn hình khổng lồ cung cấp dữ liệu từ 100.000 camera an ninh trong cùng một lúc. Mọi công nghệ hiện đại đều được tích hợp trong phòng tác chiến này. “Các máy chủ ở đây có dung lượng lưu trữ 30 petabyte được nhập khẩu từ Bỉ và Đức. Mọi camera an ninh trên đường phố được liên kết với đồn cảnh sát, đồn cảnh sát này được tích hợp với cảnh sát Hyderabad và sau đó là TSPICCC giúp các nhà lãnh đạo có thể theo dõi mọi tình huống ở bất kỳ đâu trong bang và hướng dẫn hành động từ trung tâm. Đáng chú ý là phần mềm đặc biệt trong camera an ninh sẽ gửi cảnh báo tới TSPICCC nếu nhận thấy bất kỳ điều gì đáng ngờ”, ông Narsingh Rao giải thích.
Phát hiện tình huống bất ngờ, người ứng phó đầu tiên là cảnh sát tuần tra. Họ sẽ được thông báo để có mặt chỉ trong vòng 5 phút tại địa điểm xảy ra sự cố ở khu vực thành thị, 10 phút ở khu vực bán đô thị và 20 phút ở khu vực nông thôn. Đồng thời, trung tâm còn được trang bị khả năng tìm kiếm phức tạp nhất mà qua đó có thể khai thác đoạn phim dựa trên màu sắc, phương tiện, loại phương tiện, tìm kiếm dựa trên giới tính… Chưa hết, chính quyền bang cũng đã duyệt chi cho TSPICCC mua các công cụ phân tích video dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để giúp phát hiện các vật thể bị mất, tập trung đám đông và nhận dạng biển số xe…
“Mục tiêu cơ bản của TSPICCC không chỉ là đảm bảo an ninh hiệu quả mà còn điều phối tất cả các hệ thống của khu vực chính quyền bang nhằm cung cấp một môi trường an toàn và đảm bảo cho người dân trong bang. Cùng với việc đảm bảo an ninh, trật tự hàng ngày, trung tâm chỉ huy còn giúp giám sát an ninh, điều hành giao thông trong các dịp tụ tập đông người hoặc các lễ hội”, ông Narsingh Rao nhấn mạnh.
Khuôn viên thân thiện với môi trường
Đi bộ hai tầng lầu từ chỗ đỗ trực thăng xuống khu vực thang máy, chúng tôi lại thêm một lần nữa ngạc nhiên trước dàn điện mặt trời được lắp đặt trên nóc các tòa tháp ở trụ sở Cảnh sát thành phố Hyderabad. Chưa kịp để chúng tôi hỏi, ông Narsingh Rao đã thông tin: “TSPICCC luôn tự hào vì có cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường. Các tòa nhà ở đây đều được lắp đặt các tấm pin mặt trời tạo ra 0,5 MegaWatts (MW). Mặt tiền các tòa nhà cũng được lắp các tấm pin mặt trời hoặc kính để tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và giảm việc sử dụng điện. Điện mặt trời ở đây đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng của trụ sở. Chúng tôi cũng không sử dụng gỗ trong xây dựng công trình thân thiện với môi trường và tất cả đồ nội thất đều được thiết kế từ vật liệu tái chế. Hệ thống chiếu sáng 100% bằng đèn LED; hệ thống ống nước hiệu quả, sử dụng nước đã qua xử lý nước thải để tạo cảnh quan và xả nước, thông gió cho 100% tòa nhà”.
Đặc biệt, 35% tổng diện tích trụ sở được dùng để trồng cây xanh. Bên cạnh đó, tòa nhà phức hợp này còn có phòng tập thể dục, trung tâm yoga, trung tâm chăm sóc sức khỏe, các quán cafe, bánh ngọt… phục vụ các nhân viên cảnh sát. Từ các thông số này, trụ sở Cảnh sát thành phố Hyderabad và TSPICCC đã được xếp hạng vàng về kiến trúc thân thiện môi trường.
“Một số thành phố trên thế giới đã có công nghệ và cơ sở hạ tầng cao cấp như vậy. Trước khi thiết kế và xây dựng TSPICCC, chính quyền bang đã phải cân nhắc rất nhiều. Các quan chức cảnh sát hàng đầu của bang đã đi tham quan nhiều nơi trên thế giới để nghiên cứu các phương pháp thực hành tốt nhất trong hoạt động trị an và kết hợp công nghệ hiện đại với các hệ thống kiểm soát tội phạm. Họ còn nghiên cứu chính sách dựa trên bằng chứng (EBP) được thực hiện bởi các cơ quan có uy tín quốc tế như Trường Cao đẳng Cảnh sát Vương quốc Anh và Sở Cảnh sát New York… để tìm hiểu cách hệ thống camera an ninh hoạt động như một biện pháp ngăn chặn nhằm giảm tỷ lệ tội phạm. Họ cũng đã tới Singapore để học tập, trao đổi về cấu trúc xanh cho một khu phức hợp…”, ông Narsingh Rao tiết lộ.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/check-in-o-trung-tam-chi-huy-cua-canh-sat-telangana-i729737/