Chênh lệch giá vàng sẽ được kéo giảm về mức phù hợp
Hôm nay (5/6) là ngày thứ ba, 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước và Công TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn ( SJC) bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân theo phương án mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Phương án này bước đầu đã nhận được sự quan tâm, đánh giá tích cực của dư luận. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Tiến sĩ Cấn Văn Lực chung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Thưa ông, hôm nay đã là ngày thứ ba, 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân theo phương án mới của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vậy ông đánh giá như thế nào về phương án này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam?
Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Trước hết, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC mua vàng bán cho người dân rõ ràng góp phần rất quan trọng giảm giá bán vàng trong thời gian vừa qua với 3 lý do chính:
Thứ nhất, mức giá sàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra tương đối hợp lý bởi chỉ cao hơn một chút so với giá thế giới cộng với chi phí. Như vậy sẽ kéo toàn bộ mặt bằng giá xuống phù hợp hơn trong những ngày vừa qua.
Thứ hai, là bớt đi khâu trung gian, tức là toàn bộ lượng vàng đó được bán trực tiếp cho người dân hoặc những người có nhu cầu.
Thứ ba, là bảo đảm tính công khai minh bạch hơn rất nhiều bởi vì yêu cầu có hóa đơn thanh toán, chuyển khoản nếu vượt 400 triệu đồng phải báo cáo nguồn tiền, mục đích sử dụng. Tôi nghĩ điều này góp phần công khai minh bạch hơn đặc biệt là mua để làm gì, như thế nào…
Theo tôi trong vài ngày tới giá vàng sẽ tiếp tục giảm và sẽ sát hơn so với thế giới, tất nhiên còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài, tức là diễn biến giá thế giới sẽ như thế nào.
Phóng viên:Thực tế trong hai ngày qua, chúng ta thấy người dân mua vàng đông, nhu cầu mua vàng của dân còn cao. Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng này?
Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Những ngày vừa qua đúng là người dân có xếp hàng đông, nhiều người muốn mua nhiều lần. Tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có van điều tiết. Đó là nếu mua bán nhiều thì đương nhiên sẽ phải kê khai, khai báo rõ nguồn tiền, nguồn gốc,… qua đó thêm rào cản để người mua trước khi cân nhắc mua tiếp.
Thêm nữa là có thể tạm thời đâu đó sôi động vài ngày đầu, sau đó khi giá vàng trong nước sát với giá thế giới thì thị trường sẽ bớt “nóng”, bởi khi đó tổ chức, người đầu cơ không còn động lực tiếp tục đầu cơ găm giữ nữa.
Tôi hy vọng trong vài tuần tới thị trường sớm bình ổn, giá vàng trong nước sát hơn so với giá thế giới.
Phóng viên: Vậy theo ông, chúng ta có nên duy trì biện pháp này một cách lâu dài không?
Tiến sĩ Cấn Văn Lực: Tôi cho rằng đây vẫn là giải pháp tình thế để giải quyết các vấn đề trước mắt theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm bình ổn thị trường. Còn về lâu dài, tôi kiến nghị cần làm 3 việc:
Một là, tiếp tục tăng lượng cung cho thị trường bằng cách cho phép một số doanh nghiệp, tổ chức đủ điều kiện nhập khẩu về. Tôi nghĩ, Việt Nam chúng ta một năm nhu cầu khoảng 55 tấn vàng (theo thống kê của Hội đồng vàng Thế giới), như thế cũng không quá nhiều, đâu đó tương đương khoảng hơn 3 tỷ USD.
Hai là, bỏ yếu tố độc quyền, ở đây là độc quyền về sản xuất, độc quyền về nhập khẩu đối với vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như độc quyền của SJC. Cái này lâu nay chúng ta vẫn thực hiện theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; và tôi cho rằng Nghị định 24 cơ bản đã hoàn thành sứ mệnh. Chúng ta cần sớm xem xét sửa Nghị định theo hướng bỏ yếu tố độc quyền, và phân vai nhiệm vụ chức năng cụ thể hơn, nhất là sự phối kết hợp giữa cơ quan bộ, ngành cùng điều tiết quản lý thị trường vàng tốt hơn.
Ba là, khu trú để quản lý, theo tôi đối với vàng trang sức thủ công mỹ nghệ thì nên để thị trường tự điều tiết. Riêng về vàng miếng vì phải gắn với câu chuyện ngoại tệ nên cần có quản lý cho phù hợp. Tôi nghĩ rằng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhận diện rất rõ vấn đề này và chắc chắn sẽ điều tiết, bình ổn được thị trường trong thời gian tới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!