Chênh vênh sườn núi

Chẳng hiểu sao, cứ mỗi lần ngược đường lên núi, tôi lại có những cảm xúc khác lạ. Có lẽ, đây là lúc đứng trước khung cảnh núi non, đèo dốc vòng vèo nối nhau trùng điệp, cảm thấy mình bé nhỏ trước thiên nhiên. Hay mỗi khi dõi theo những con đường sương mù dày đặc vắt ngang trời nối các bản làng, thấy vách đá cheo leo ngược nắng cùng những nhọc nhằn của người dân vùng cao. Trong hơi thở của núi rừng, thoảng nghe tiếng rì rầm của cây lá, nghe hương đất trời nồng ấm giữa những vầng mây trắng vương víu sà xuống tận sườn núi mênh mang giữa đất với trời.

Minh họa: N. DUY

Minh họa: N. DUY

Mỗi vùng đất đi qua đều mang dấu ấn riêng. Chính sự không lặp của những nơi ta đến là thước đo giá trị trong dòng chảy của đời sống. Nét đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, trữ tình của núi đồi, khe suối, ruộng nương khiến cho vùng cao xa xôi mà hóa gần gũi, gắn bó. Nhưng giữa vời vợi núi rừng còn có những khoảng lặng như dấu ba chấm trong bản hòa tấu trầm hùng. Tôi đã gặp bao người trên những cung đường đi qua, họ thuần hậu, đơn sơ nhưng tâm hồn mạnh mẽ, trong sáng “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói” (Y Phương). Cuộc sống dẫu gian nan nhưng hơn tất cả là tấm lòng ân nghĩa, thủy chung.

Bao lần, tôi rưng rưng trước tấm lưng áo thấm mặn mồ hôi của những phụ nữ vùng cao. Họ tất tả địu con lên nương, xuống chợ, chẳng quản đường xa, dốc thẳm. Khi con thức thì trò chuyện cùng con, khi con ngủ thiếp đi mẹ miệt mài trỉa lúa, bẻ măng hay nghiêng mình bên ruộng bậc thang thầm mong mưa thuận, gió hòa. Có lẽ, đây là cách để người mẹ chăm sóc con mọi lúc, mọi nơi. Những ngày sương lạnh giăng trùm bản nhỏ, bước chân vẫn miệt mài, cần mẫn. Ngoài kia, gió vẫn miên man thổi, khoảng đồi trước mặt dần nhạt nắng, mẹ ấm áp địu con, địu cả nhọc nhằn trên vai giữa chênh vênh sườn núi.

Thấp thoáng trong tôi hình ảnh của những người gieo chữ nơi bản làng cheo leo. Thương lắm các thầy, cô giáo cắm bản vượt qua muôn nhọc nhằn, thiếu thốn, kể cả nỗi trống trải giữa trập trùng mây núi. Mang cái chữ đến với vùng cao còn nhọc nhằn hơn gieo hạt ngô, hạt lúa giữa hốc đá lưng chừng trời. Thoáng chốc, mùa xuân qua, chợt nghe chòng chành câu hát giữa nốt nhạc vi vút của núi rừng.

Tôi nhớ mãi hình ảnh của một thầy giáo chia tay học sinh ở bản để về xuôi, các em khóc mãi không thôi, thầy giáo len lén lau nước mắt trên khuôn mặt đã dạn dày sương bản. Thầy-trò chơi vơi níu giữ, buông tay trong khoảnh khắc tạm biệt lưu luyến. Bước chân người rời xa chùng chình khi bản làng dần khuất phía mây ngàn.

Những ngày mưa lũ tràn về, nghe tin thời tiết, lại giật mình nhớ đến những bản xa. Thiên nhiên trút giận dữ xuống bản làng, nước thông thốc cuốn phăng những căn nhà bình yên, sạt lở đất đá vùi lấp sự sống...Mưa to, nước lên quá nhanh, mọi người không kịp trở tay. Khe suối đục ngầu, gió như ngưng lại trên tầng mây cao. Nắng sẫm màu, rừng già lặng yên. Nỗi đau ám ảnh. Thương lắm những gian nan nơi chênh vênh sườn núi.

Chiều nay, bước lên triền núi cheo leo, ngắm nhìn những vạt áo thổ cẩm thấp thoáng giữa màu xanh thẫm cây lá của những cô gái miền sơn cước. Chợt thấy, nắng đang hừng lên ở phía Tây đại ngàn. Phải thôi. Đi qua những cơn giông bão. Đi qua vô vàn nỗi đau, trăng đã buông trên vùng cao, chỉ mong nụ cười bên bếp lửa tỏa hương...

An Khanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chenh-venh-suon-nui-189795.htm