Chết đói ở Gaza

Hơn 100 ngày sau khi chiến tranh Israel, Hamas bùng nổ với gần 26.000 người chết ở cả hai phía, phần lớn là thường dân thì một báo cáo của Chương trình Lương thực thế giới Liên hợp quốc đã ước tính 93% dân số ở dải Gaza, tương đương với khoảng 1,8 triệu người Palestin đang lâm vào nạn đói, dẫn đến chết đói là điều khó tránh khỏi trong lúc hàng viện trợ vẫn chỉ được cung cấp nhỏ giọt…

1. Căng thẳng vẫn đang gia tăng trên khắp Trung Đông khi những cuộc tấn công của Israel nhắm vào lực lượng Hamas ở dải Gaza cũng như tổ chức Hezbollah ở Lebanon không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Đã thế, lò lửa chiến tranh còn được hâm nóng bởi những quả tên lửa của nhóm Houthi mà mục tiêu là những tàu vận tải dân sự phương Tây trên Biển Đỏ, dẫn đến những cuộc không kích trả đũa của liên quân Anh, Mỹ vào những căn cứ của Houthi ở Yemen.

Chưa hết, những cuộc bắn phá do Iran thực hiện nhằm triệt hạ một cơ sở tại thành phố Erbil, Iraq, nơi Iran khẳng định Cơ quan tình báo Mossad, Israel đặt chi nhánh cùng một nơi khác ở thành phố Pangur, phía Tây Pakistan để tiêu diệt trung tâm chỉ huy của nhóm bán quân sự Jaish-ul-Adlis, được Iran cho là khủng bố bởi nhóm này đã giết chết Đại tá Hossein Ali Javadanfari thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran trong một cuộc chạm súng gần biên giới Pakistan, Iran ngày 18/2/2024, đã khiến quan hệ giữa Israel, Iraq, Pakistan, Iran căng như sợi dây đàn!

Hàng trăm nghìn người Palestin tồn tại là nhờ những bữa ăn cứu trợ.

Hàng trăm nghìn người Palestin tồn tại là nhờ những bữa ăn cứu trợ.

Trước những biến động ấy, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) gần như bất lực bởi các yếu tố cản trở việc cung cấp thực phẩm hỗ trợ cho người dân Gaza phần lớn nằm trong tay Israel. Ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khi trả lời các nhà báo hôm thứ Hai 15/1/2024 đã nói: “Tình hình nhân đạo ở Gaza không thể diễn tả bằng lời. Không nơi nào và không ai được an toàn. Hàng cứu trợ không đến được với những người đã phải chịu đựng bom đạn trong nhiều tháng...”.

Ông Sigrid Kaag, điều phối viên nhân đạo cao cấp của Liên hợp quốc tại Gaza cho biết sau hơn 100 ngày bị Israel ném bom, 1,8 triệu người - chiếm 93% dân số Palestin đã rơi vào cảnh đói khát trầm trọng và lệnh ngừng bắn tạm thời chỉ có thể giúp họ tồn tại thêm một thời gian. Hind, cư dân Gaza cho biết trước ngày ngừng bắn, cô cùng hàng nghìn người khác sống trong một chung cư đã phải “ăn 1 bữa, nhịn 3 bữa”. Hind nói: “Để mua được 1 túi bột mì 5kg, chúng tôi phải trả 400 nis (đơn vị tiền tệ Palestin, tương đương 107 USD) nhưng không phải lúc nào cũng có thể mua được”.

Đi ngược thời gian, vào tuần lễ thứ 3 của cuộc giao tranh, tất cả mọi siêu thị ở Gaza đều trống rỗng. Hind nói tiếp: “Ngoài bột mì, hai thứ người ta mua nhiều nhất là men làm bánh mì và muối nhưng do không có nguồn cung, siêu thị phải đóng cửa”. Tại chợ Deir El Balah - một trong những ngôi chợ sầm uất nhất Gaza trước đây lúc nào cũng đầy ắp cà chua, dưa chuột, hành tây, cà tím, cam, nho, táo, trái ô liu cùng các loại rau thì bây giờ chỉ là những quầy, sạp vắng lặng. Thứ duy nhất vẫn còn bày bán là dầu gội đầu và xà phòng! Cái đói đã dẫn đến việc nhiều gia đình tìm hái zaatar (cỏ xạ hương) rồi nghiền nát nó với nước thành một thứ bột nhão. Sau đó họ nướng lên, chia nhau vài miếng để đánh lừa dạ dày.

Xếp hàng chờ được phát nước.

Xếp hàng chờ được phát nước.

Không chỉ thức ăn, ngay cả nước uống cũng khan hiếm. Chỉ riêng trong ngày 4 và 5/11/2023, 7 cơ sở cung cấp cấp nước sạch ở dải Gaza đã bị ném bom, bao gồm các hồ chứa nước tại thành phố Gaza, trại tị nạn Jabalia và Rafah ở phía Bắc nên nước phải đưa xuống từ phía Nam bằng xe bồn. Để tránh bị máy bay Israel bắn nhầm, các tài xế viết hai chữ “nước uống” thật lớn trên nóc bồn bằng tiếng Anh, tiếng Do Thái lẫn tiếng Arab. Marwan, 30 tuổi, cư dân Dải Gaza cho biết mỗi ngày anh phải đi bộ 4 km đến điểm phát nước và mỗi lần như vậy, anh cũng chỉ xin được 1 bình 5 lít, dùng cho cả gia đình gồm anh, người vợ đang mang thai và đứa con nhỏ 3 tuổi. Marvan nói: “Uống còn chưa đủ, lấy đâu ra tắm giặt”.

Điện cũng thế, tất cả các trạm biến thế, các đường dây truyền tải đều bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng, mạng Internet bị cắt nên Gaza hoàn toàn cô lập với thế giới bên ngoài. Mọi tin tức về cuộc xung đột chỉ được thế giới biết đến qua những thước phim do phóng viên của các hãng thông tấn quốc tế liều mạng vào tận nơi cùng những bản tin do Israel hoặc Hamas công bố. Mohammad Ali, cư dân Gaza nói: “Quân đội Israel kêu gọi chúng tôi đi xuống phía Nam dải Gaza để tránh bị không kích trong lúc Hamas lại ra lệnh cho mọi người phải ở lại. Thực tế thì Gaza không có nơi nào an toàn. Chúng tôi đang chạy trốn từ cái chết này đến cái chết khác”.

Người phát ngôn của lực lượng Hamas cho biết: “Chính phủ Israel sử dụng nạn đói của thường dân ở Dải Gaza như một biện pháp nhằm tiêu diệt chúng tôi. Đây là tội ác chiến tranh”. Còn các quan chức Isael tuyên bố: “Hamas đang dùng người dân Gaza làm lá chắn sống. Mọi sự viện trợ của quốc tế đều phải qua tay họ và một phần trong số những vật phẩm ấy được dùng để nuôi sống những tay súng của họ”.

2. Theo Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc về người tị nạn, tính đến đầu tháng 1/2024 có 9 trong số 10 hộ gia đình ở phía bắc Dải Gaza 3 ngày mới được ăn 1 ngày nhưng chỉ vừa đủ để khỏi chết đói còn ở phía nam, con số này là 6/10 hộ. Người phát ngôn của WFP trong một cuộc họp báo đã nói: “Luật nhân đạo quốc tế và Luật chiến tranh theo Công ước Geneve nghiêm cấm việc bỏ đói dân thường như một biện pháp nhằm giành lấy chiến thắng. Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế cũng quy định rằng việc cố tình bỏ đói dân thường bằng cách tước đoạt những vật dụng không thể thiếu cho sự sống còn của họ, bao gồm cả việc cố tình cản trở nguồn cung cấp cứu trợ là tội ác chiến tranh. Mục đích phạm tội không yêu cầu kẻ tấn công phải thừa nhận nhưng có thể được suy ra từ tổng thể tình huống của các chiến dịch quân sự”.

Cũng trong tháng 1. một lần nữa WFP cảnh báo về khả năng “ngay lập tức” của nạn đói, trong đó nhấn mạnh rằng nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống trên thực tế không tồn tại, hệ thống lương thực của Gaza đang trên bờ vực sụp đổ, người dân Gaza đang phải vật lộn với “nhu cầu thảm khốc về nước”. Các cơ sở xử lý nước thải và khử muối đã ngừng hoạt động vào giữa tháng 10 do thiếu điện, xăng dầu. Gaza hiện không còn nguồn nước tự nhiên nào có thể uống được!

Về phía Israel, vấn đề con tin vẫn là “yêu cầu nóng” trong việc cung cấp thực phẩm, nước uống cho Dải Gaza. Sau khi áp dụng biện pháp phong tỏa toàn diện Dải Gaza từ hôm 9/10, Chính quyền Israel đã nối lại đường ống cấp nước đến một số khu vực phía nam Gaza và từ ngày 21/10, họ đã cho phép viện trợ nhân đạo “có giới hạn” vào Gaza qua cửa khẩu Rafah, Ai Cập. Ông Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Israel nói: “Chúng tôi không cho phép hỗ trợ nhân đạo dưới dạng thực phẩm và thuốc men thông qua các cửa khẩu của chúng tôi nếu các con tin bị Hamas bắt không được phóng thích”.

Và mặc dù khẩu Rafah được điều hành bởi các quan chức Ai Cập và Palestine nhưng không gì có thể vào Gaza nếu không có sự kiểm tra của các quân đội Israel. Các nhóm viện trợ mô tả đây là một quá trình “tốn thời gian và rất phức tạp” bởi lẽ việc kiểm tra chỉ thực hiện vào ban ngày, đóng cửa vào các buổi chiều thứ Sáu, thứ Bảy.

Các tài xế xe tải xếp hàng dài chờ đến lượt kiểm tra hàng hóa bằng chó nghiệp vụ và máy quét X-quang. Tài xế Abdallah nói: “Hàng cứu trợ gồm gồm dao mổ, dụng cụ đỡ đẻ, thiết bị khử muối trong nước, máy phát điện, bình oxy, lều bạt có cột bằng kim loại bị từ chối nhưng không có lời giải thích. Khi một mặt hàng bị từ chối, toàn bộ xe tải phải lặp lại quy trình, có thể mất vài tuần”.

Thiếu niên Palestin nấu ăn trên đường phố Gaza mà theo Inside Politics “không biết cái gì trong nồi?”

Thiếu niên Palestin nấu ăn trên đường phố Gaza mà theo Inside Politics “không biết cái gì trong nồi?”

Ngày 15/11, Israel tiếp tục cho phép các xe chở hàng viện trợ nhân đạo được vào Dải Gaza sau khi Hamas phóng thích một số con tin. Khoảng 200 xe tải, trong đó có 4 xe chở 130.000 lít nhiên liệu và 4 xe chở gas vào Gaza mỗi ngày sau lệnh ngừng bắn. Để so sánh, trước khi chiến tranh Israel-Hamas nổ ra, trung bình mỗi ngày có 500 xe tải chở thực phẩm, hàng hóa và 600.000 lít nhiên liệu vào Gaza. Phần lớn số nhiên liệu này được dùng để vận hành các nhà máy nước và khử muối, phần còn lại dùng cho máy móc nông nghiệp cùng các phương tiện giao thông.

Ngày 1/12, 7 ngày sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc, Không quân Israel tiếp tục những đợt không kích nhưng lần này dữ dội hơn. Bên cạnh đó, họ cũng tuyên bố “sẽ bơm nước biển vào các đường hầm, nơi các tay súng Hamas đang ẩn náu”. Từ đó đến nay, chiến sự càng lúc càng dữ dội. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố “sẽ tiêu diệt Hamas đến người cuối cùng”.

Theo các nhà điều phối của WFP, nguy cơ chết đói ở Gaza là điều “hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai gần” bởi các hành động quân sự của Israel ở Gaza đã tác động tàn khốc đến ngành nông nghiệp Palestin. Bò, dê, cừu nuôi ở miền Bắc đang phải đối mặt với nạn đói do thiếu thức ăn và nước uống. Đất đai bị bỏ hoang do không có nhiên liệu để bơm nước tưới. Máy cày, máy kéo, máy gieo hạt, máy gặt đập xuống cấp vì phơi nắng phơi sương ngoài trời.

Hình ảnh vệ tinh được Tổ chức theo dõi nhân quyền Liên hợp quốc sau khi xem xét đã chỉ ra rằng kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công trên bộ của quân đội Israel, đất nông nghiệp, bao gồm những cánh đồng lúa mì, vườn cây ăn quả, nhà kính trồng rau ở phía bắc Gaza đã bị quân đội Israel san bằng. Cục Thống kê Trung ương Palestine cho biết Gaza đang bị thiệt hại ít nhất 1,6 triệu USD mỗi ngày trong sản xuất nông nghiệp. Hơn 1.8 triệu người ở Gaza giờ đây tồn tại là nhờ vào vật phẩm cứu trợ nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn.

Bà Margaret Harris, điều phối viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nói: “Nếu chiến tranh không dừng lại, chúng ta sẽ thấy nhiều người chết vì đói, vì bệnh hơn là vì bom đạn bởi hệ thống y tế Palestin sẽ không thể phục hồi”. Bà nhấn mạnh: “Chiến tranh vẫn là trở ngại lớn nhất cho việc vận chuyển viện trợ. Các cuộc không kích và những trận đấu súng trên đường phố Gaza đã khiến WHO không thể cung cấp vật tư cho những người cần đến chúng”. Michel-Olivier Lacharité, người đứng đầu hoạt động cấp cứu của Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết: “Ở Gaza không có bệnh viện nào là an toàn. Nếu muốn cứu sống những thường dân vô tội, họ cần được tiếp cận bệnh viện, vật tư y tế cũng phải đến được bệnh viện mà không bị ngăn trở bởi bất cứ lý do gì”.

Theo ông Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc, đến nay đã có 152 nhân viên Liên hợp quốc thiệt mạng ở Gaza. Ông nói: “Đó là tổn thất lớn nhất trong lịch sử của chúng tôi” nhưng khi được hỏi về vấn đề này, người phát ngôn Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) phản bác: “Trái ngược hoàn toàn với các cuộc tấn công có chủ ý của Hamas nhằm vào đàn ông, phụ nữ và trẻ em Israel, IDF tuân thủ luật pháp quốc tế và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khả thi để giảm thiểu tác hại dân sự”.

Bên cạnh đó, người phát ngôn của IDF cũng cho rằng: “Các cáo buộc Israel cố tình cản trở dòng thực phẩm và nhu yếu phẩm vào Gaza là một trong những trọng tâm tố cáo “Israel diệt chủng” do Nam Phi đề xướng, chống lại chúng tôi tại tại Tòa án công lý quốc tế. Israel kịch liệt phủ nhận những tuyên bố sai lầm, vô căn cứ với mục đích làm loãng những tội ác của Hamas đã gây ra cho dân thường Israel cùng nhiều quốc gia”.

Hiện tại, Israel đã đồng ý mở cửa khẩu Erez và các cửa khẩu khác dẫn vào Gaza đồng thời tăng tốc độ kiểm tra hàng cứu trợ. Nhưng nếu chiến tranh vẫn tiếp diễn thì không gì có thể ngăn chặn nạn chết đói đang hiện diện trước cửa của từng gia đình người Palestin…

Vũ Cao (Theo Inside Politics)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/chet-doi-o-gaza-i721603/