Chết vì cả tin

Binh thư có câu 'binh bất yếm trá', ý rằng trong việc quân cơ, luôn phải đề phòng vì đối phương sẽ tính trăm mưu nghìn kế để lừa dối. Nhưng, trong lịch sử Việt Nam, không hiếm trường hợp vì cả tin mà bị vào tròng, thậm chí mất cả mạng. Trong những vụ việc như vậy, có vụ vì nhẹ dạ, có vụ vì quá tự tin nhưng cũng có vụ việc, nhân vật bị lòng tham mờ mắt.

Lọ vàng làm mờ mắt Trần Ngô Lang

Vụ đầu tiên, có thể kể đến sự kiện cuối thời Trần. Đó là khi Vua Trần Dụ Tông qua đời (năm 1369). Vua Trần Dụ Tông khi còn nhỏ, từng bị đuối nước, thầy thuốc Trâu Canh cứu cho sống lại, nhưng phán rằng vua sẽ bị liệt dương, không thể có con. Khi vua băng hà, cũng không có sự chuẩn bị trước, nên hoàng thái hậu Hiển Từ sai bầy tôi đón Trần Nhật Lễ, con thứ của cố Cung Túc vương Trần Nguyên Dục (anh cả Vua Trần Dụ Tông) vào nối ngôi đại thống.

Chính sử sau đó viết rõ luôn: “Nhật Lễ là con người phường chèo tên là Dương Khương, mẹ của Nhật Lễ vì đóng tuồng Vương Mẫu hiến đào diễn rất hay, Cung Túc vương thấy sắc đẹp, mê đắm nên lấy làm vợ. Lúc đó, mẹ Nhật Lễ đang có thai, sau khi về với Cung Túc vương mới sinh ra Nhật Lễ, vương cũng nhận là con mình”.

Một bức tượng chúa Nguyễn Hoàng.

Một bức tượng chúa Nguyễn Hoàng.

Tuy nhiên, đây là một điểm nghi vấn trong lịch sử. Nhà sử học Ngô Sĩ Liên, khi biên soạn bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”, đã đưa ra thắc mắc “Nhật Lễ là con người phường chèo, há (Cung Túc vương) không biết là không phải con mình ư”. Vậy mà từ sự sắp xếp của hoàng thái hậu, Nhật Lễ lại được làm vua, truy tôn cố Cung Túc vương làm hoàng thái bá. Về sau, hoàng thái hậu tỏ ra hối hận vì đã lập Nhật Lễ làm vua và bị Nhật Lễ sát hại.

Lúc này, Nhật Lễ nắm quyền trong tay, muốn trở lại họ Dương, tha hồ rượu chè hoang dâm, vui chơi hưởng lạc. Người tôn thất nhà Trần và trăm quan đều nản lòng, Thái tể là Trần Nguyên Trác và các con là bọn Trần Nguyên Tiết âm mưu lật đổ Nhật Lễ nhưng mưu kém, thất bại, tất cả 18 người chủ mưu đều bị hại.

Trong vụ này, Dương Nhật Lễ thể hiện mình là một người nhanh nhẹn, mưu mẹo. Khi các tôn thất xông vào cung truy lùng, ông ta khéo léo ẩn nấp dưới cầu, khiến những người truy lùng tìm cả đêm không thấy. Sai lầm của các tôn thất là sau đó lại tan hàng về nhà, để Nhật Lễ có cơ hội tập hợp binh lính lật ngược thế cờ, đi lùng bắt lại hết những người âm mưu lật đổ.

Phải đến khi hoàng tử Trần Phủ cùng em là Cung Tuyên vương Trần Kính, Chương Túc quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán và Thiên Ninh công chúa Trần Ngọc Tha hợp binh ở Thanh Hóa để chống lại Dương Nhật Lễ, thế lực của phe lật đổ mới tỏ ra đủ sức đương đầu với quân triều đình. Lúc này, các tôn thất nhà Trần được hưởng lợi với sự giúp sức của Thiếu úy Trần Ngô Lang đang phục vụ dưới trướng Dương Nhật Lễ. Mỗi khi Nhật Lễ sai cắt tướng điều binh đi đánh bắt, Trần Ngô Lang đều ngầm bảo họ theo luôn quân của Trần Phủ, không một người nào trở về, khiến quân của Trần Phủ ngày càng đông, quân của Nhật Lễ ngày càng hao hụt.

Tháng 11 năm 1370, quân của Trần Phủ tiến về kinh sư, thế quân quá mạnh khiến quân của Nhật Lễ không thể kháng cự. Ngày rằm tháng đó, Trần Phủ được tôn lên ngôi hoàng đế (là Vua Trần Nghệ Tông sau này). Ngày 21, xa giá về đến bến Đông (sông Hồng), Trần Ngô Lang có hành động rất sáng suốt khi khuyên Dương Nhật Lễ tự mặc áo thường, tới gặp nhà vua xin nhường ngôi. Nhà vua sai giam Nhật Lễ ở phường Giang Khẩu.

Lúc này Trần Ngô Lang lại mắc phải sai lầm hết sức bất thường. Khi đó, Nhật Lễ gọi Ngô Lang vào trong màn, nói dối rằng: "Ta có lọ vàng chôn ở trong cung, ngươi đi lấy về đây". Thế mà Ngô Lang cũng tin, quỳ xuống vâng lệnh. Nhân lúc Ngô Lang sơ hở, đã bị Nhật Lễ bóp cổ đến chết. Cháu của Ngô Lang là Trần Thế Đỗ đem việc ấy tâu vua. Vua sai đánh chết Nhật Lễ và con hắn là Liễu, đem chôn ở núi Đại Mông. Vua Trần Nghệ Tông truy tặng Ngô Lang làm nhập tư nội mã, ban tên thụy là Trung Mẫn á vương. Tuy nhiên, cái chết của ông ta khi tin chuyện lọ vàng khiến người sau hết sức chê cười.

Trịnh Xuân mất mạng vì bị bố lừa

Một vụ cả tin dẫn đến mất mạng có thể nhắc đến nữa là số phận vương tử Trịnh Xuân, con chúa Bình An vương Trịnh Tùng. Trịnh Xuân vốn thèm khát ngôi vị thế tử, tranh chấp với Trịnh Tráng, lại được Vua Lê Kính Tông bày mưu, nên từng âm mưu ám sát chúa Trịnh Tùng vào tháng 2 năm 1619 bằng cách sai thích khách phục kích, bắn súng vào voi Trịnh Tùng cưỡi. Tuy nhiên, chúa Trịnh Tùng không ngồi trên bành voi nên thoát chết. Sự việc bị phát giác, những người đồng mưu với Trịnh Xuân bị xử tử cả, đến Vua Lê Kính Tông cũng bị chúa sai đem đi thắt cổ. Riêng Trịnh Xuân, vì tình cha con, nên chúa Trịnh Tùng chỉ sai bãi hết quan tước, binh quyền, giam vào nội phủ. Một năm sau, chúa lại thả Trịnh Xuân ra, cho nắm binh quyền.

Chúa Trịnh Tùng đã tung món lợi quyền lực ra dụ để trừ khử Trịnh Xuân.

Chúa Trịnh Tùng đã tung món lợi quyền lực ra dụ để trừ khử Trịnh Xuân.

Sang đời Vua Lê Thần Tông, đến năm 1623, vào giữa năm, chúa Trịnh Tùng bị cảm và khi trăm quan văn võ bàn chọn thế tử, Trịnh Xuân lại một lần nữa dấy binh làm loạn đốt phá kinh thành nhằm đoạt quyền, khiến chúa Trịnh Tùng phải bỏ cả vương phủ, chạy về xứ Quán Bạc, xã Hoàng Mai huyện Thanh Trì, vào ẩn náu trong dinh của em chúa là Phụng quốc công Trịnh Đỗ.

Theo ghi chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư” thì chúa Trịnh Tùng dụ Trịnh Xuân đến nhà Trịnh Đỗ để chúa trao lại đại quyền cho. “Xuân mồm ngậm cỏ, phủ phục dưới sân, vương kể tội Xuân là kẻ loạn thần tặc tử, truyền Bùi Sĩ Lâm (Chưởng cung giám) sai người chặt chân Xuân cho chết”, Toàn thư chép cụ thể.

Bộ sử do các sử quan triều Nguyễn biên soạn là “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cũng chép rằng Trịnh Xuân bị dụ tới nhà Trịnh Đỗ để chúa trao cho binh quyền, nhưng cách xử lý Trịnh Xuân thì chép hơi khác, rằng “Trịnh Đỗ sai Chưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm dùng giáp giết chết Xuân”. Dù cách xử trí như thế nào thì kết cục của Trịnh Xuân cũng là bỏ mạng.

Lập Bạo cả tin và háo sắc

Quay sang chuyện ở phía Nam sông Gianh thời chúa Nguyễn Hoàng mới đem quân vào trấn thủ hai xứ Thuận Hóa - Quảng Nam, có câu chuyện nhà chúa lập mưu lừa giết được tướng nhà Mạc là Lập Bạo nhờ dùng kế mỹ nhân và “thao túng” lòng tin của đối phương.

Bộ “Cương mục” chép rằng: “Tháng 7 năm 1572, Lập Bạo, tướng Mạc vào cướp Thuận Hóa”. Theo “Đại Nam liệt truyện”, phần “Tiền biên” thì Lập Bạo không rõ họ, được nhà Mạc phong tước quận công. Lập Bạo đem chu sư và hơn 60 chiếc thuyền vượt biển vào lấn cướp, theo đường Hồ Xá, đóng trại ở đường Thanh Tương, xã Lãng Uyển. Thế lực quân Mạc rất mạnh. Chúa Nguyễn Hoàng đích thân đem quân đi chống cự, đóng quân ở bờ sông Ái Tử. Đêm nghe từ lòng sông có tiếng kêu “trao trao”, chúa lấy làm lạ, bèn khấn rằng: “Thần sông có thiêng thì giúp ta đánh giặc”. Đêm ấy, chúa ngủ mộng thấy một người đàn bà mặc áo xanh, tay cầm quạt the, đến trước trình rằng: “Minh công muốn trừ giặc thì nên dùng mỹ kế dụ đến bãi cát, thiếp xin giúp sức!”.

Tỉnh dậy, chúa ngẫm nghĩ rằng: “Người đàn bà trong mộng báo ta nên dùng “mỹ kế”, phải chăng là dùng kế mỹ nhân?”. Trong đám thị nữ của chúa có Ngô thị (tên gọi là Ngọc Lâm, người làng Thế Lại, còn có tên nữa là Thị Trà) có sắc đẹp và mưu cơ biện bác. Chúa sai nàng đem vàng lụa đi dụ Lập Bạo tới chỗ sông có tiếng kêu “trao trao” để giết.

Ngô thị đến trại Lập Bạo nói rằng: “Chúa công thiếp nghe tin tướng công ở xa đến, cho thiếp mang quà mọn đến để cùng giảng hòa, đừng đánh nhau nữa”. Lập Bạo thích sắc đẹp của Ngô thị, nhưng giả cách giận, nói rằng: “Người lại đây làm mồi dử ta phải chăng?”. Ngô thị uyển chuyển thưa gửi, khiến Lập Bạo mê hoặc và hết lòng tin tưởng, giữ nàng lại trong trướng. Ngô thị nhân đấy, mời Lập Bạo đến bờ sông để cùng chúa họp thề. Lập Bạo nghe lời.

Ngô thị liền đem việc ấy mật báo trước. Chúa lập tức dựng một ngôi đền tranh bên bờ sông, chỗ có tiếng kêu “trao trao”, để làm nơi họp thề và đào hầm đặt phục binh. Đến hẹn, Lập Bạo cùng Ngô thị ngồi thuyền nhỏ, chỉ vài chục người theo hầu. Khi đến bến, thấy dưới cờ chúa cũng chỉ có vài chục người thôi, Lập Bạo thản nhiên không ngờ, bèn lên bờ thong thả bước đến cửa đền. Thình lình phục binh nổi dậy. Lập Bạo sợ, chạy xuống thuyền thì thuyền đã xa bãi rồi. Lập Bạo nhảy theo, rơi xuống nước, bị quân chúa Nguyễn bắn chết ngay, rồi thừa thắng tiến đến trại Thanh Tương. Gió to nổi lên, thuyền quân Mạc đắm hết, binh lính tranh nhau đầu hàng, chúa cho ở đất Cồn Tiên (gần cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị). Chúa đem quân về, thưởng công cho Ngô thị, gọi phó đoán sự vệ Thiên võ là Vũ Doãn Trung gả cho. Lại phong thần sông làm “Trảo trảo linh thu phổ trạch tướng hựu phu nhân” và lập đền thờ.

Nhờ chiến thắng này, phía Đàng Trong sạch bóng quân nhà Mạc, chúa Nguyễn Hoàng ung dung cai trị hai trấn yên bình, thịnh trị trong suốt mười năm, chính sự thì khoan hòa, quân lệnh thì nghiêm túc. Sử viết: “Dân vùng Thuận Hóa và Quảng Nam đều được nhuần thấm ân đức và tắm gội giáo hóa. Dân buôn thì lạc nghiệp, chợ búa không bán hai giá, trong xứ không có trộm cướp. Nhiều người các nước đều sum vầy làm ăn. Trong trấn ngày một đông đúc thịnh vượng”.

Lê Tiên Long

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/chet-vi-ca-tin-i745190/