Chết vì làm việc quá sức
Công nghệ phát triển đồng nghĩa với việc chúng ta có thể làm việc gần như mọi nơi, mọi lúc, và sức khỏe của nhân viên ngày càng kém đang phản ánh hậu quả của cách làm này.
Chúng ta đều biết rằng sự căng thẳng trong công việc hoàn toàn không tốt và có thể chuyển thành các triệu chứng thực thể. Bất cứ ai từng bị đau nửa đầu sau một cuộc tranh luận nảy lửa hoặc bị tê cứng vai gáy sau khi bị cấp trên chỉ trích có thể chứng thực điều đó. [...]
Bạn có thể không nghĩ nhiều về cách mà công việc ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu bị bệnh, bạn có thể cho rằng nguyên nhân là một khiếm khuyết về gen, chế độ ăn kém, ít tập thể dục hoặc do mất cân bằng sinh hóa - và điều này thực sự có thể đúng. Nhưng căng thẳng trong công việc cũng có thể là một yếu tố đóng góp vào, hay thậm chí còn có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh.
Bạn có thể ngạc nhiên khi nhận ra rằng đơn thuốc cho căn bệnh của bạn có thể không phải là thuốc hay phẫu thuật mà đôi khi chỉ đơn giản là tìm ra những phương cách mới để xử lý căng thẳng trong công việc, thay đổi công việc hiện tại để giảm bớt lo lắng hoặc thậm chí là tìm một nghề nghiệp mới.
Hóa ra, bạn thực sự có thể làm việc đến chết. Bạn cũng có thể nương theo niềm vui trong công việc để khỏe mạnh trở lại.
Ở Nhật Bản, người ta ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về ảnh hưởng của căng thẳng trong công việc đối với sức khỏe. Họ thậm chí còn gọi nó là karoshi, hay “chết vì làm việc quá sức”.
Giống nhiều người trong số 7,7 triệu người Nhật khác đã làm việc hơn 60 giờ/tuần trong nhiều tuần liền, Satoru Hiraoka là một nhân viên tốt, kiểu người đặt công việc ở thứ tự ưu tiên trên hết và gia đình ở cuối cùng, từ chối mọi ý niệm phù phiếm như thời gian nhàn rỗi, nghỉ cuối tuần hay nghỉ lễ.
Trong hơn 28 năm, Hiraoka, một quản lý cấp trung của nhà máy sản xuất vòng bi chính xác Tsubakimoto Seiko ở Osaka, đã làm việc chăm chỉ từ 12 đến 16 giờ một ngày, thường là hơn 95 giờ mỗi tuần. Đây hoàn toàn không phải là con số được cường điệu. Các bảng chấm công của Hiraoka cho thấy rằng trong một năm trước khi qua đời, Hiraoka đã có hơn 1.400 giờ làm thêm.
Giống một nhân viên hoàn hảo, anh không bao giờ nghỉ bệnh, không bao giờ nghỉ phép, cũng không tạm gác công việc để tham dự các trò chơi của con ở trường học. Anh là một kigyosenshi (người lính của tập đoàn) lý tưởng.
Rồi đến một ngày, ngày 23 tháng hai năm 1988, sau khi làm việc 15 giờ, người đàn ông 48 tuổi này về đến nhà và bị suy tim đột ngột. Anh chết ngay tức khắc.
Cái chết của Hiraoka và hàng chục nghìn người khác giống anh có thể đã không được chú ý, nếu không có một nhóm các chuyên gia y tế nghề nghiệp và bác sĩ tim mạch Nhật Bản nghiên cứu về hiện tượng này. Các bác sĩ nhận thấy rằng những người làm việc quá sức có nguy cơ tử vong đột ngột tăng vì các bệnh tim mạch và não, chẳng hạn đau tim và đột quỵ. Trường hợp đầu tiên đã được báo cáo vào năm 1969, khi một công nhân chết vì đột quỵ ở tuổi 29.
Nhưng đến năm 1987, Bộ Lao động Nhật Bản mới bắt đầu thu thập số liệu thống kê về karoshi. Kể từ thời điểm đó, giới chức Nhật Bản ước tính có khoảng 10.000 trường hợp karoshi xảy ra mỗi năm. Một số luật sư và học giả cho rằng hàng năm số người chết vì karoshi ở Nhật Bản bằng hoặc cao hơn số người tử vong do tai nạn giao thông ở nước này.
[...]
Làm việc đến chết không phải là một hiện tượng mới và cũng không chỉ riêng người Nhật gặp phải tình trạng này. Vào tháng sáu năm 1863, một tờ báo ở London đã tường thuật câu chuyện có tên là “Chết chỉ vì làm việc quá sức” (Death from Simple Over-work) kể về một phụ nữ 20 tuổi đã chết sau một thời gian làm việc trung bình hơn 16 tiếng một ngày (ca làm việc tối đa lên đến 30 giờ trong mùa cao điểm) tại một nhà máy may. Dù điều này nghe có vẻ giống trong những tiểu thuyết của Dickens, nhưng sự thật là nó xảy ra ngay tại đây, ở Mỹ, cũng nhiều như ở Anh hay Nhật Bản.
Thời đại thông tin đã biến chúng ta thành những người nghiện công việc, những người không còn bị buộc phải tạm nghỉ trong khi đợi thư tín truyền thống và các bản ghi nhớ trao tay. Giờ đây, không chỉ các bác sĩ phải trực 24/7. Hầu hết chúng ta đều như vậy.
Sự ra đời của thư điện tử, điện thoại di động, máy nhắn tin, máy fax, máy tính xách tay và iPad đồng nghĩa với việc chúng ta có thể truy cập gần như mọi lúc, và sức khỏe của nhân viên ngày càng kém đi cũng đang phản ánh điều này. Sự ốm yếu không ngăn cản được người lao động đi đến nơi làm việc.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty bảo hiểm sức khỏe Oxford Health Plans cho thấy 1/5 số người Mỹ đi làm ngay cả khi họ bị ốm, bị thương hoặc phải đến gặp bác sĩ vào ngày hôm đó. Theo khảo sát của Expedia.com, cũng chính kiểu ám ảnh về công việc này đã làm khoảng 1/3 người Mỹ không sử dụng thời gian nghỉ phép.
Tương tự, khoảng 1/4 người lao động ở Anh không sử dụng hết thời gian nghỉ phép và nhiều người Pháp cũng thế. Điều khác biệt là hầu hết người châu Âu có nhiều thời gian nghỉ phép hơn, trung bình là 26 ngày đối với người Anh và 37 ngày đối với người Pháp, so với 14 ngày đối với người Mỹ. Một điểm khác biệt nữa là trong khi 137 quốc gia trả lương cho thời gian nghỉ phép theo quy định thì Mỹ là quốc gia công nghiệp duy nhất không làm điều này.
Việc không thể nghỉ ngơi thực sự có liên quan đến tình trạng chết sớm. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Tâm thể (Psychosomatic Medicine) vào năm 2000 đã xem xét 12.000 người đàn ông trong chín năm cho thấy rằng so với những người có nghỉ phép năm, những người không nghỉ phép hàng năm có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 21% và có nguy cơ tử vong do đau tim cao hơn 32%.
Trong một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Mỹ (American Journal of Epidemiology), các nhà nghiên cứu tại Johns Hopkins đã đánh giá dữ liệu thu thập được từ các bệnh nhân thuộc Nghiên cứu về Tim ở Framingham trong khoảng thời gian 20 năm và phát hiện ra rằng những phụ nữ chỉ đi nghỉ mát một lần mỗi sáu năm hay ít hơn có nguy cơ phát triển bệnh tim mạch vành hoặc đau tim cao gần gấp tám lần so với những phụ nữ đi nghỉ mát hai lần mỗi năm.
Có lý do chính đáng giải thích tại sao Những người Nghiện công việc Vô danh (Workaholics Anonymous) hiện là chương trình 12 bước tích cực tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác. Mặc dù hầu hết dữ liệu về karoshi đến từ Nhật Bản, Tổ chức Lao động Quốc tế đã công bố dữ liệu thống kê cho thấy Mỹ đã vượt xa Nhật Bản về vấn đề làm việc quá sức.
Các bác sĩ và chính phủ Mỹ vẫn chưa công nhận karoshi là một căn bệnh chuyên biệt hay chi trả trợ cấp cho người lao động như cách của người Nhật, và chúng ta cũng rất khó khẳng định sự căng thẳng thường xuyên trong công việc có thể dẫn đến cái chết ở Mỹ nếu không xem xét kỹ nó. Nhưng bạn có thể đặt cược là nó ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chet-vi-lam-viec-qua-suc-post1434947.html