Chỉ 24% con công nhân được học mầm non công lập

Đây là thống kê do Bộ GD&ĐT công bố tại Hội thảo mô hình cơ sở giáo dục mầm non phục vụ con công nhân ở khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) diễn ra ngày 11-12 tại TP.HCM.

Theo Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 17 tỉnh, thành có nhiều KCX, KCN như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… với trên 50.000 lao động. Hiện có 1.467 trường mầm non được bố trí ở các khu vực này, huy động gần 900.000 trẻ mầm non tới lớp, trong đó con công nhân chiếm trên 24%.

Các trẻ theo học tại Trường Mầm non 30-4, quận Bình Tân.

Các trẻ theo học tại Trường Mầm non 30-4, quận Bình Tân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ, mạng lưới trường mầm non công lập ở KCX, KCN chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Lý do là sự quá tải, thời gian giữ trẻ không phù hợp với lịch làm việc theo ca của công nhân.

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng mô hình trường mầm non do doanh nghiệp sử dụng lao động xây dựng phục vụ con công nhân, người lao động của doanh nghiệp là một mô hình lý tưởng, đáp ứng nhu cầu của công nhân. Tuy nhiên, theo thống kê mới chỉ có 6/17 tỉnh, TP có doanh nghiệp trong KCN đầu tư xây dựng trường mầm non. Cụ thể: 23 trường do doanh nghiệp sử dụng lao động trong KCN (TP.HCM tám trường, Bình Dương sáu trường, Đồng Nai ba trường, Long An ba trường...) và năm trường do chủ đầu tư hạ tầng KCN xây dựng).

Do đó, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục với mô hình hoạt động linh hoạt vẫn là lựa chọn của hầu hết công nhân. Tuy nhiên, ông Vũ Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non của Bộ, cũng thừa nhận chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mô hình này còn nhiều hạn chế. Thiếu trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, chưa đáp ứng các điều kiện về an toàn cho trẻ (nhà bếp, nhà vệ sinh...), thiếu giáo viên, giáo viên hạn chế kinh nghiệm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Hiệu trưởng Trường Mầm non KCN Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) kiến nghị nên bổ sung thêm giáo viên và nhân viên nuôi dưỡng cho các lớp, tạo điều kiện cho nhà trường tổ chức tốt hoạt động nuôi dạy trẻ. Cạnh đó, có đại biểu đề xuất cơ quan quản lý cần tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp khi có kế hoạch xây dựng nhà trẻ.

Ông Minh cho biết định hướng của Bộ trong thời gian tới là chỉ đạo địa phương thí điểm một số mô hình hoạt động theo hướng chi phí thấp, chú trọng nhận trẻ nhà trẻ, giờ gửi trẻ linh hoạt, định mức giáo viên phù hợp. Đồng thời Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy xã hội hóa phát triển mầm non ở những khu vực trên.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/chi-24-con-cong-nhan-duoc-hoc-mam-non-cong-lap-807641.html